Giá lương thực tăng 30% lên cao nhất trong hơn 30 năm, thế giới sắp đói ăn?
Phải chăng cuộc hoảng loạn tích trữ lương thực tại Trung Quốc sắp lan rộng ra toàn cầu?
Theo hãng tin CNN, giá lương thực bình quân trên toàn cầu đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 39 năm qua do nhu cầu đi lên nhưng nguồn cung lại không đáp ứng đủ.
Cụ thể, số liệu của Tổ chức nông lương quốc tế (FAO) thuộc Liên Hiệp Quốc (UN) cho thấy giá lương thực bình quân trên toàn cầu đã tăng tháng thứ 3 liên tiếp với tỷ lệ 3% trong tháng 9/2021. Các mặt hàng tăng giá mạnh nhất là dầu thực vật và lúa mỳ.
Chỉ số đo lương giá lương thực "Food Price Index" của FAO vốn theo dõi nhiều mặt hãng thực phẩm chủ chốt đã tăng hơn 30% trong năm vừa qua. Chỉ số này hiện đang đứng ở mức cao nhất kể từ tháng 7/2011.
Theo FAO, giá lúa mì, loại nông sản có diện tích trồng nhiều nhất trên thế giới đã tăng 5% trong tháng 10/2021 do sản lượng suy giảm mạnh tại các nước xuất khẩu chính như Canada, Nga hay Mỹ. Giá lúa mạch, gạo, ngô cũng tăng mạnh.
Trong khi đó giá dầu cọ, dầu đậu nành, dầu hướng dương và dầu hạt cải cũng tăng tới 9,6%. Ví dụ như dầu cọ tăng giá là bởi sản lượng tại nước xuất khẩu chính Malaysia bị ảnh hưởng do thiếu lao động nhập khẩu vì giãn cách mùa dịch.
Ở phía ngược lại, FAO cho biết nhu cầu thế giới về lương thực ở đủ mọi mặt hàng, từ sữa bột đến thịt lợn, dầu thực vật hay ngũ cốc đều tăng mạnh trở lại khi các nền kinh tế mở cửa hậu đại dịch.
Như vậy, cơn hoảng loạn tích trữ thực phẩm đang diễn ra ở Trung Quốc có thể báo hiệu cho thách thức an ninh lương thực trên toàn cầu trong tương lai khi nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu.
Thế giới sắp đói ăn?
Hãng tin CNN cho biết nguồn cung lương thực đang chịu ảnh hưởng từ việc biến đổi khí hậu làm giảm sản lượng trong khi chuỗi cung ứng, nhân lực, hệ thống phân phối đều bị đứt gãy. Hơn nữa, chi phí đầu vào tăng cao khiến giá cả các mặt hàng không những thiếu mà còn lên giá.
Nhiều siêu thị không đủ cung hàng hậu đại dịch. Nguồn: Internet
Siêu thị tại nhiều nền kinh tế lớn đều gặp khó khăn trong việc trữ hàng thời kỳ diễn ra đại dịch và hệ quả là họ chẳng đủ hàng bán cho người dân khi đã mở cửa trở lại. Tại Anh, tình trạng thiếu lao động nhập cư vì Brexit đã khiến nhiều chuỗi nhà hàng, siêu thị phải loại bỏ bớt một số mặt hàng khỏi thực đơn hay danh sách bán.
Cuối tuần trước, chỉ một thông báo trữ hàng thông thường trước Tết Nguyên Đán và mùa đông của Bộ thương mại Trung Quốc cũng kích động cơn hoảng loạn, khiến người dân đổ xô đi siêu thị xếp hàng, tranh giành hay thậm chí đánh nhau để mua thực phẩm.
Hãng tin CNN cho biết việc giá lương thực tăng đã bắt đầu ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng khác. Các hàng thực phẩm như Unilever, Kraft Heinz và Mondelez đều đã tăng giá những mặt hàng phổ biến của họ vì chi phí đầu vào đi lên.
Theo nhiều dự báo, tình hình thời gian tới sẽ càng trở nên phức tạp hơn khi mùa đông tới khiến nhu cầu về lương thực, năng lượng, nhu yếu phẩm của các hộ gia đình tăng cao trong khi chuỗi cung ứng chưa hồi phục hoàn toàn trở lại.
*Nguồn: CNN