Giá lợn hơi tăng vùn vụt, mới bằng nửa Trung Quốc, Cục trưởng khuyên ăn thịt khác

11/10/2019 09:44 AM | Xã hội

Trước tình hình giá lợn hơi trong nước tăng vùn vụt, vượt kỷ lục, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, giá lợn tăng đã được dự liệu và giá lợn vẫn còn tăng lên nữa.

Tuy nhiên, theo ông Dương mức giá trên 60.000 đồng/kg lợn hơi là cá biệt, giá lợn hiện nay trên cả nước đang phổ biến ở mức 55.000- 60.000 đồng/kg, đặc biệt có nhiều vùng vẫn 40.000-45.000 đồng/kg.

Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, giá lợn hơi vẫn tiếp tục tăng trong thời gian tới

“Giá lợn lâu nay của chúng ta vẫn còn thấp, còn các nước xung quanh đã lên 60.000 đồng/kg từ lâu. Vì thế việc giá lợn lên như thế này là rất bình thường. Trung Quốc đã lên đến 100.000 đồng/kg, còn Việt Nam lâu nay cứ mãi 40.000-45.000 đồng/kg, bây giờ giá lợn hơi lên cũng đúng, đó là quan hệ cung cầu. Sắp tới giá lợn hơi còn tăng nữa, chưa dừng lại ở mức độ này”, ông Dương cho hay.

Ông Dương không đưa ra dự báo giá lợn hơi từ nay đến cuối năm sẽ lên mức bao nhiêu nhưng ông khẳng định, giá không thể tăng như Trung Quốc vì tỷ lệ đàn lợn của chúng ta vẫn còn nhiều, bên cạnh đó chúng ta còn nhiều giải pháp khác như phát triển đàn gia cầm, gia súc ăn cỏ, thủy sản.

Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, việc thịt lợn thiếu tức thì là đương nhiên. Người tiêu dùng cũng cần phải chuyển sang các thực phẩm khác để giảm áp lực cho thịt lợn.

“Còn việc nhập khẩu thịt lợn, chúng ta không thể cấm được. Các doanh nghiệp nếu thấy nhập khẩu có lợi thì họ vẫn nhập. Tuy nhiên với những người làm nông nghiệp, sản xuất thực phẩm thì nhập khẩu không phải là giải pháp hay. Chúng ta đã có giải pháp cân đối bằng việc sử dụng thực phẩm khác sẵn có trong nước. Với thịt lợn, tăng cường tái đàn để phát triển đàn lợn, đáp ứng nhu cầu thực phẩm từ nay đến Tết và sau Tết”, ông Dương cho hay.

Nói về việc Trung Quốc phát triển lợn “khổng lồ” để giải quyết bài toán thiếu thịt lợn, ông Dương cho biết, lợn nuôi lâu lên mức 3-5 tạ là bình thường, nhưng nuôi to chi phí thức ăn rất tốn kém, tỷ lệ mỡ lại nhiều. Lợn ở mức 1-1,5 tạ thì chỉ 2,5-2,7kg thức ăn nhưng nếu trên 3 tạ thì tốn trên 3-4kg thức ăn tăng trọng, chi phí rất nhiều, do đó giải pháp này không phải là khả thi, tích cực.

Mấy ngày gần đây, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước như CP, Dabaco đã liên tục điều chỉnh giá lợn.

Theo đó, Công ty C.P miền Bắc thông báo giá bán lợn ngày 10/10 tăng lên mức 61.500 đồng/kg. Công ty C.P miền Nam thông báo điều chỉnh tăng lên mức 56.000-57.000 đồng/kg tùy khu vực.

Đặc biệt, giá lợn hơi của Tập đoàn Dabaco đã thiết lập đỉnh mới ở mức 62.500 - 63.000 đồng/kg, mức giá cao nhất 5 năm trở lại đây (mức giá kỷ lục năm 2011 là 71.000 đồng/kg).

Giá lợn trên 60.000 đồng/kg chủ yếu tập trung ở miền Bắc, tại các tỉnh như Hà Nội, Tuyên Quang, Hòa Bình, Ninh Bình...Cá biệt tại Cao Bằng, giá lợn hơi có khu vực đã lên mức 68.000 đồng/kg.

Tại các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh….giá lợn hơi giao động từ 52.000-58.000 đồng/kg.

Tại các tỉnh Tây Nam Bộ, giá lợn hơi cũng tăng nhanh, Tiền Giang 57.000 đồng/kg, Bến Tre, Trà Vinh 55.000 đồng/kg, Vĩnh Long 55.000- 56.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, một số tỉnh, giá lợn vẫn dưới 50.000 đồng/kg do dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp.

Trước đó, chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cũng cho biết, hiện giá thịt lợn đang lên cao nhưng Bộ sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan kiểm soát, không để lên cao quá mức như thị trường Trung Quốc.

Theo Thứ trưởng Tuấn, sản lượng ngành sản xuất chăn nuôi lợn năm nay thấp hơn năm ngoái rất nhiều. Theo dự báo, thời điểm cuối năm sản lượng thịt lợn hơi sẽ giảm khoảng 200.000 tấn so với cùng kỳ năm trước, có thể gây ra tình trạng khan hiếm.

"Chúng tôi đã biết điều này và hiện đang tích cực thực hiện một số giải pháp nhằm đảm bảo bình ổn thị trường trong nước", Thứ trưởng Tuấn cho hay.

Theo Thứ trưởng, các giải pháp mà Bộ NN&PTNT đưa ra hiện nay là: Đối với các trại chăn nuôi lớn nằm trong vùng an toàn dịch từ trước đến nay thì khuyến khích họ không chỉ tái đàn mà thậm chí còn tăng đàn. Còn những trại chăn nuôi nằm trong vùng trước đây có dịch nhưng đến nay được đánh giá đã an toàn một cách khoa học thì tái đàn.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng tính tới giải pháp bù đắp việc thiếu thịt lợn bằng các loại thịt khác như thịt gà, thịt bò, thủy hải sản và phương án nhập khẩu.

Theo Diệu Thùy

Cùng chuyên mục
XEM