Gia đình Wertheimer xây dựng đế chế thời trang xa xỉ Chanel như thế nào?
Alain và Gerard là thế hệ thứ 3 nhà Wertheimer điều hành đế chế 110 tuổi Chanel.Hai doanh nhân này được biết đến là “những tỷ phú kín tiếng nhất ngành thời trang”, họ ít khi trả lời phỏng vấn hay chia sẻ về công việc kinh doanh.
Alain Wertheimer (sinh năm 1948) và em trai Gerard Wertheimer (sinh năm 1950) là 2 tỷ phú giàu thứ 4 tại Pháp. Mỗi người sở hữu khối tài sản trị giá 24,5 tỷ USD, theo ước tính của Forbes. Sự giàu có của anh em nhà Wertheimer bắt nguồn từ Chanel, thương hiệu thời trang xa xỉ nổi tiếng của Pháp. Họ cũng sở hữu nhiều vườn nho và ngựa đua trên thế giới. (Ảnh: Getty Images)
Năm 1924, ông nội của Alain và Gerard, Frechman Pierre Wertheimer và anh trai Paul ký hợp đồng với Gabrielle "Coco" Chanel, thành lập Société des Parfums Chanel – công ty sản xuất và kinh doanh các sản phẩm làm đẹp của Chanel. (Ảnh: Getty Images)
Với Coco Chanel, đây là cơ hội tốt giúp nước hoa Chanel No. 5 của bà tiếp cận nhiều khách hàng hơn. Trước năm 1924, nước hoa này chỉ dành cho những khách hàng độc quyền tại các cửa hàng của Chanel ở Paris. (Ảnh: Getty Images)
Năm 1941, trong Thế chiến II, Coco Chanel cố gắng giành quyền kiểm soát công ty từ Pierre Wertheimer bằng cách tận dụng luật cấm người Do Thái sở hữu các doanh nghiệp. Tuy nhiên, bà thất bại và Wertheimer sở hữu hơn 50% cổ phần của thương hiệu này. Pierre Wertheimer nắm quyền kiểm soát hoàn toàn Chanel vào năm 1954 và Coco Chanel qua đời 17 năm sau đó. (Ảnh: AP)
Anh em Alain và Gerard Wertheimer thừa kế đế chế Chanel năm 1996 sau khi cha của họ, Jacques Wertheimer (con trai của Pierre Wertheime) qua đời. Alain trở thành chủ tịch của Chanel, trong khi Gerard đứng đầu mảng đồng hồ của công ty. Họ là thế hệ thứ 3 của nhà Wertheimer điều hành doanh nghiệp 110 tuổi này. Ảnh: (Getty Images)
Hai doanh nhân này được biết đến là "những tỷ phú kín tiếng nhất ngành thời trang", theo tờ New York Times. Họ hiếm khi trả lời phỏng vấn hoặc chia sẻ về chuyện kinh doanh của nhà mốt mang tính biểu tượng của Pháp mà cả 2 nắm quyền. (Ảnh: Getty Images)
Năm 1983, anh em nhà Wertheimer bổ nhiệm Karl Lagerfeld làm giám đốc nghệ thuật bộ phận thời trang của Chanel. Lagerfeld đã tiến hành một cuộc cách mạng hóa trong hơn 3 thập kỷ, cứu thương hiệu này khỏi sự sụp đổ tài chính có nguy cơ xảy ra và trở thành nhân vật quan trọng của Chanel cho tới khi qua đời vào năm 2019. Trong bộ phim tài liệu năm 2007 có tên "Bí mật của Lagerfeld", huyền thoại thời trang Karl tiết lộ: "Khi tôi gia nhập Chanel, nó là một 'người đẹp ngủ trong rừng', Vì vậy, tôi phải hồi sinh cô gái đẹp này". (Ảnh: Getty Images)
Anh em nhà Wertheimer thường tự lái xe khi tham dự các buổi trình diễn thời trang của Chanel. Họ không ngồi hàng ghế đầu mà chọn hàng thứ 3 hoặc 4. Tuy nhiên, cả hai không bao giờ tham dự các buổi lễ khai trương cửa hàng của Chanel. Trước năm 2018, thương hiệu này chưa từng tiết lộ doanh số bán hàng. Năm 2018 – lần đầu tiên sau 108 năm ra đời, Chanel công bố doanh thu năm 2017 là 9,62 tỷ USD. (Ảnh: Getty Images)
Theo bảng xếp hạng của Interbrand, Chanel là thương hiệu xa xỉ giá trị thứ 2 thế giới năm 2019, chỉ xếp sau Louis Vuitton. Thương hiệu Chanel được định giá 21,1 tỷ USD, xếp thứ 22 trong Top 100 thương hiệu toàn cầu. (Ảnh: Flickr/Rose Trinh)
Ông nội của Alain và Gerard, Pierre Wertheimer rất thích đua ngựa. Theo New York Times, Coco Chanel và Pierre Wertheimer đã gặp nhau ở các cuộc đua ngựa. Giống như ông nội, anh em nhà Wertheimer dành tình yêu lớn cho môn thể thao này. Họ cũng thừa hưởng công việc kinh doanh chăn nuôi và đua ngựa của gia đình. (Ảnh: Getty Images)
Nữ hoàng Elizabeth II trao cúp cho Alain và Gerard Wertheimer sau cuộc đua ngựa mang tên bà năm 2015. Năm đó, Solow, con ngựa nhà Wertheimer giành chiến thắng. (Ảnh: Getty Images)
Ngoài thời trang và đua ngựa, anh em nhà Wertheimer cũng mở rộng kinh doanh sang sản xuất rượu vang. Năm 1994, họ mua nhà máy rượu vang Bordeaux Chateau Rauzan-Segla. Năm 2015, Chanel sở hữu nhà máy St. Supery ở thung lũng California Napa. (Ảnh: Getty Images)