Gia đình giàu có nhất ngành ngân hàng

01/01/2017 17:35 PM | Kinh doanh

Cả 5 thành viên trong gia đình ông Trần Mộng Hùng đều có tên trong top 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam 2016.

Năm 2016 khép lại với những biến động đầy tích cực của thị trường chứng khoán. Kết thúc năm, chỉ số VnIndex dừng tại 664,87 điểm, tăng 14,8% so với đầu năm. So với thị trường vàng thì cổ phiếu có mức sinh lời cao gấp rưỡi trong năm qua.

Thị trường chứng khoán đi lên với nhiều cổ phiếu biến động đã kéo theo tài sản của các tỷ phú thay đổi theo, và ngôi vị của họ trong bảng xếp hạng cũng thay đổi mạnh.

Dựa theo những thông tin công bố công khai và các giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán thì ngôi vị tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm nay đã gọi tên ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch tập đoàn FLC với khối tài sản hơn 33,8 nghìn tỷ đồng. Ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch của tập đoàn Vingroup lui về vị trí thứ 2 với tài sản 30,4 nghìn tỷ đồng. Ông Trần Đình Long, chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát đứng thứ 3 với tài sản hơn 9,1 nghìn tỷ đồng.

Không chỉ cả 3 người giàu nhất Việt Nam đều làm bất động sản mà trong top 20 người giàu (có tài sản 1.500 tỷ đồng trở lên) cũng phần lớn là kinh doanh ở mảng này.

Riêng lĩnh vực ngân hàng có rất ít người có tên trong danh sách người giàu, nhưng lại rất…cô đọng, trong đó phần lớn là những gương mặt đến từ gia đình ông Trần Mộng Hùng và gia đình ông Trầm Bê.

Ông Trần Mộng Hùng, thành viên Hội đồng quản trị ngân hàng ACB cùng vợ là bà Đặng Thu Thủy, cũng là thành viên HĐQT ACB, mỗi người có hơn 200 tỷ đồng tính theo lượng cổ phiếu ACB đang nắm giữ tại thời điểm cuối năm 2016. 3 người con của ông Hùng bà Thủy là Trần Hùng Huy – chủ tịch ACB, và Trần Đặng Thu Thảo, Trần Minh Hoàng cũng là những người có tên trong danh sách top 100 giàu nhất, trong đó ông Huy có tài sản 557 tỷ đồng, xếp thứ 45 trong bảng xếp hạng và 2 người con còn lại mỗi người cũng có hơn 200 tỷ.

Gia đình ông Trần Mộng Hùng là trường hợp hiếm hoi khi trong cùng một nhà có tới 3 người trong Hội đồng quản trị của một ngân hàng, cũng là trường hợp duy nhất khi tất cả các thành viên trong gia đình đều nắm giữ cổ phiếu của chính ngân hàng đó.

Sau thời gian lui về hậu trường, vào cuối năm 2012, sau “cú sốc” các nguyên lãnh đạo ngân hàng này bị bắt giam và khởi tố, ông Hùng đã phải trở lại ACB cùng với người con trai cả Trần Hùng Huy. Qua 3 năm nỗ lực vực dậy mọi mặt, từ quản trị nhân sự đến rủi ro và hoạt động, đến năm 2016 tình hình ở nhà băng này đã có nhiều tiến triển tích cực. ACB đã thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, kinh doanh từng bước khởi sắc, nợ xấu được đẩy lùi và lợi nhuận nghìn tỷ trở lại. Niềm tin của cổ đông vào ngân hàng cũng cải thiện rõ rệt.

Còn trường hợp gia đình ông Trầm Bê, năm 2015 ông đã ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn toàn bộ cổ phần Sacombank và Phương Nam cho NHNN nhưng trong báo cáo quản trị 2016 của Sacombank thì ông vẫn đứng tên cổ phiếu này. Vì thế danh sách người giàu vẫn điểm tên ông Trầm Bê và các con.

Con trai lớn của ông Bê là Trầm Trọng Ngân đang xếp thứ 27 trong bảng xếp hạng với tổng tài sản khoảng 843 tỷ đồng. Còn lại ông Trầm Bê và hai người con khác là Trầm Thuyết Kiều và Trầm Khải Hòa cũng là những người giàu trong top 100. Ông Trầm Bê và con trai Trầm Khải Hòa có tài sản cùng hơn 300 tỷ đồng, lần lượt đứng thứ 70 và 72 trong bảng xếp hạng trong khi người con gái Trầm Thuyết Kiều đứng thứ 81 với tài sản hơn 250 tỷ đồng.

Do nhiều thành viên trong gia đình đều nắm giữ cổ phiếu ngân hàng nên đương nhiên gia đình ông Trần Mộng Hùng và gia đình ông Trầm Bê đang là hai gia đình giàu có nhất trong giới ngân hàng, tính theo tài sản công khai.

Theo Tùng Lâm

Cùng chuyên mục
XEM