Giá điện đắt đỏ đi kèm mất điện, người dân Mỹ đổ xô lắp đặt loại năng lượng sạch này

11/10/2022 06:54 AM | Kinh doanh

Tỉ lệ lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái hộ gia đình đang bùng nổ tại Mỹ, thúc đẩy sự phát triển của các công ty trong ngành khi hóa đơn điện ngày càng gia tăng và những rủi ro về thời tiết khiến việc mất điện thường xuyên xảy ra.

Tại Mỹ, hóa đơn điện ngày càng tăng cao đã thúc đẩy sự bùng nổ năng lượng điện mặt trời áp mái. Số lượng lắp đặt đã tăng đến 40% so với cùng kì năm ngoái khi các hộ gia đình tìm kiếm giải pháp thay thế khi mất điện.

Thời tiết khắc nghiệt và giá cả tăng cao đang khiến các hộ gia đình tại Mỹ sử dụng số lượng kỉ lục các tấm pin mặt trời trên mái nhà của họ. Theo dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) Khoảng 5,3 GW công suất điện mặt trời dân dụng sẽ được lắp đặt trong năm nay, mức tăng kỉ lục từ trước tới nay.

Số lượt cài đặt tăng khoảng 40% với khoảng 180.000 hộ gia đình ở Mỹ bổ sung hệ thống trong quý 2, theo dữ liệu mới nhất do công ty tư vấn Wood Mackenzie tổng hợp.

Giá điện hộ gia đình được dự báo sẽ tăng 7,5% trong năm nay sau khi tăng 4,3% vào năm ngoái, theo EIA. Giá điện đã tăng đáng kể do giá khí đốt tự nhiên được sử dụng để cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện tăng cao hơn.

Ông John Berger, Giám đốc điều hành của Sunnova có trụ sở tại Texas – một công ty lắp đặt điện mặt trời áp mái lớn nhất tại Mỹ cho biết: "Bạn sẽ tiếp tục chứng kiến sự gia tăng của hóa đơn điện trong các tháng tới và quý tới, điều này giúp chúng tôi sẽ tăng trưởng trong thời gian tới."

Giá điện đắt đỏ đi kèm mất điện, người dân Mỹ đổ xô lắp đặt loại năng lượng sạch này - Ảnh 1.

Dự báo của EIA về tỉ lệ lắp đặt điện áp mái. Nguồn EIA

Các nhà điều hành và nhà phân tích cũng chỉ ra vô số cơn bão, sóng nhiệt và hỏa hoạn trên khắp đất nước đã ảnh hưởng đến lưới điện trên khắp nước Mỹ. Bão Ian tháng trước đã khiến 2,6 triệu khách hàng ở Florida bị mất điện. Cơn bão đến chỉ vài ngày sau khi Bão Fiona gây mất điện ở Puerto Rico.

Nhiều hộ gia đình đang kết nối các tấm pin mặt trời với pin dự phòng có thể giữ cho đèn trong ngôi nhà của họ sáng khi mất điện. Ngoài việc giúp người dùng tiết kiệm, năng lượng khi dư thừa có thể để sử dụng sau này.

Theo EnergySage, một nhóm nghiên cứu thị trường năng lượng mặt trời, khoảng 20% số lượng lắp đặt năng lượng mặt trời tại nhà bao gồm bộ lưu trữ pin đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2020.

Tại ngôi nhà của mình ở ngoại ô Houston, anh Kevin Lee cho biết anh đã lắp đặt các tấm pin mặt trời và pin Tesla Powerwall sau khi một cơn bão mùa đông nghiêm trọng đánh sập phần lớn mạng lưới điện ở Texas vào tháng 2 năm 2021.

"Tôi không muốn trải qua bất kì điều tương tự nào nữa, hệ thống điện mặt trời áp mái này giúp chúng tôi cảm thấy an toàn hơn khi bão đến, cho dù đó là các cơn siêu bão hay chỉ là bão nhẹ."

Một nghiên cứu của bộ phận năng lượng Mỹ về cách đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cho thấy rằng cần triển khai tới 200 GW năng lượng mặt trời vào giữa thế kỷ này, tăng so với khoảng 26 GW hiện nay. Họ cho biết khoảng 10 đến 20% tổng công suất năng lượng mặt trời được triển khai sẽ là điện mặt trời áp mái.

Ông Mary Powell, Giám đốc điều hành của Sunrun, Công ty lắp đặt năng lượng mặt trời tại nhà lớn nhất của Mỹ nói với Financial Times rằng công ty đã dễ dàng vượt qua mức dự báo tăng trưởng 25% về công suất lắp đặt cho năm 2022. "Chúng tôi đã đạt được doanh thu kỉ lục trong vài tháng qua."

Ngay cả khi đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, điện mặt trời áp mái chỉ chiếm khoảng 1% tổng sản lượng điện của Mỹ. Các hệ thống điện mặt trời của các hộ gia đình quá nhỏ bé so với các cơ sở năng lượng mặt trời khổng lồ. EIA dự báo khoảng 21,5 GW công suất điện mặt trời quy mô lớn sẽ được lắp đặt ở Mỹ trong năm nay. Các bang miền nam đầy nắng như California, Florida và Texas là những khu vực tăng trưởng nhanh nhất.

Đạo luật giảm lạm phát được chính phủ Mỹ ban hành gần đây đã nâng mức tín dụng thuế liên bang có sẵn cho các hệ thống điện mặt trời hộ gia đình lắp đặt mới lên 30%, tương đương mức giảm khoảng 6.000 USD cho tổng chi phí lắp đặt.

Chủ sở hữu nhà ở một số bang cũng có thể giảm chi phí thông qua việc bán lại năng lượng điện dư thừa cho các công ty. Chính sách này đã gây ra phản ứng dữ dội từ các công ty điện lực vì họ cho rằng việc chủ nhà được trả tiền để sản xuất điện nhưng không chia sẻ chi phí vận hành và bảo trì lưới điện là điều bất công. Các công ty điện lực cũng lo ngại điện mặt trời áp mái có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ điện của họ.

Vào tháng 4 năm nay, Thống đốc bang Florida Ron DeSantis, một Đảng viên Đảng Cộng hòa, đã phủ quyết dự luật cho phép rút lại chính sách bắt buộc các công ty điện lực mua lại điện mặt trời dư thừa từ các chủ nhà. Ông nói rằng ông không muốn áp đặt chi phí mới cho người dân Floridia trong bối cảnh lạm phát gia tăng. Một trong những người duy nhất ủng hộ dự luật bị phủ quyết là công ty tiện ích Florida Power & Light. FPL là công ty con của NextEra Energy, nhà phát triển hàng đầu của Mỹ về các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió quy mô lớn.

Theo FT

Theo Như Quỳnh

Cùng chuyên mục
XEM