Giá dầu tăng vọt hơn 3% và dự báo sẽ đạt 80 USD/thùng do nhu cầu hồi phục mạnh mẽ

25/05/2021 08:45 AM | Xã hội

Giá dầu thô tăng hơn 3% trong phiên giao dịch vừa qua do nhu cầu tăng mạnh nhờ hiệu quả từ những chương trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 khiến các nhà giao dịch dấy lên lạc quan rằng thị trường đã đến lúc có thể hấp thụ bất cứ lượng dầu nào mà Iran xuất ra thị trường nếu thỏa thuận đàm phán giữa Phương Tây và Tehran dẫn đến việc sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với quốc gia Hồi giáo này.

Số người tử vong do Covid-19 ở Ấn Độ cũng thuyên giảm, củng cố thêm niềm hy vọng rằng nhu cầu dầu có thể sẽ tăng ngay từ những tuần tới.

Lúc đóng cửa phiên giao dịch thứ Hai (24/5) trên sàn London, giá dầu Brent tăng 2,02 USD (3%) lên 68,46 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) trên sàn New York cũng tăng 2,47% lên 66,05 USD/thùng.

Bob Yawger, Giám đốc công ty năng lượng Energy Futures ở Mizuho (New York), cho biết giá tăng cũng bởi có thêm một nguyên nhân khác. Đó là kỳ vọng về thỏa thuận mới về hạt nhân giữa Phương Tây với Iran đã giảm đi so với tuần trước. “Người Iran và các cường quốc phương Tây chưa thể đi đến việc ký kết các chi tiết cho thỏa thuận như vậy”, ông Yawger nói.

Iran và cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc (Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế - IAEA) đã nhất trí gia hạn 1 tháng thỏa thuận giám sát các cơ sở hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này nhằm tạo điều kiện có thêm thời gian cho các cuộc đàm phán để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015, tránh khả năng sụp đổ kế hoạch về những cuộc đàm phán rộng rãi hơn.

Các cuộc thảo luận vào phút chót cho thấy "cánh cửa hẹp" để Mỹ và các cường quốc khác đạt được các điều kiện với Tehran, do Iran thể hiện một lập trường cứng rắn với cộng đồng quốc tế liên quan tới chương trình hạt nhân của nước này. Iran sẵn sàng làm giàu và tăng qui mô kho nhiên liệu urani ở mức cao hơn nhiều ngưỡng cho phép trong thỏa thuận hạt nhân 2015, với tên chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút nước Mỹ khỏi Thỏa thuận này vào năm 2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với CH Hồi giáo Iran.

Song một số chuyên gia nhận định rằng kể cả khi thị trường có thêm lượng dầu thô xuất khẩu từ Iran thì điều đó cũng không ngăn được xu hướng giảm dự trữ dầu mỏ trên toàn cầu.

Nhà môi giới đầu tư Stephen Brennock của công ty PVM cho biết: "Thị trường đã sẵn sàng hấp thụ cả nguồn cung bổ sung từ Tehran do các chiến dịch tiêm chủng vắc-xin sẽ đẩy nhu cầu tăng vọt trong những tháng tới".

Trên thực tế, lưu lượng giao thông ở Mỹ đã gần như trở lại mức trước khi đại dịch, nhiều doanh nghiệp đã mở cửa hoạt động trở lại, các hoạt động du lịch và giải trí trong nước được khôi phục, mọi người trở lại văn phòng làm việc… giúp cho lượng tiêu thụ xăng cũng bình thường trở lại

Báo cáo "Xu hướng lưu lượng giao thông" của Cục Quản lý Đường cao tốc Liên bang công bố tháng 3 vừa qua cho thấy, lưu lượng giao thông trên tất cả các con đường đến thời điểm đó chỉ còn thấp hơn 3% so với một năm trước đó (vào tháng 4/2021, lúc đỉnh điểm của làn sóng Covid-19 đầu tiên, lưu lượng giao thông ở Mỹ đã giảm 41%, và đến đợt đỉnh dịch thứ 2 là tháng 12/2020 thì vẫn giảm 11%).

Lưu lượng ô tô trên các con đường ở Mỹ có thể sẽ còn tăng thêm nữa trong tháng 4 và 5 này, khi những chính sách giãn cách xã hội được nới lỏng, nhiều doanh nghiệp dịch vụ và văn phòng mở cửa trở lại. Nhiều chiếc xe lăn bánh thì tiêu thụ nhiên liệu cũng tăng lên.

Trong bối cảnh đó, Goldman Sachs cho biết ngân hàng này vẫn giữ nguyên mức dự báo về giá dầu tăng, kể cả khi xuất khẩu dầu mỏ từ Iran sẽ tăng.

Theo đó, Goldman Sachs tin tưởng giá dầu sẽ tăng lên 80 USD/thùng trong quý IV năm nay. "Ngay cả khi Iran khôi phục xuất khẩu dầu mạnh mẽ kể từ tháng 7 thì chúng tôi cho rằng giá dầu Brent sẽ vẫn đạt 80 USD/thùng vào quý IV năm nay", thông tin từ Goldman Sachs cho biết.

Cơ sở dự đoán của Goldman Sachs là nhu cầu tăng mạnh sau khi các nước tích cực tiêm chủng vắc-xin Covid-19 và nới lỏng chính sách giãn cách xã hội.

Goldman Sachs cho biết nhu cầu phục hồi ở các thị trường phát triển sẽ bù đắp cho việc tiêu thụ ở Nam Mỹ và Mỹ Latinh hồi phục chậm hơn do bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

"Mỹ và Châu Âu mở cửa nhanh chóng trở lại khi việc tiêm chủng tăng tốc và các giãn các được dỡ mỏ, việc vận chuyển hàng hóa và hoạt động công nghiệp cũng gia tăng", báo cáo của Goldman Sachs viết.

Đồng thời, ngân hàng này cũng kỳ vọng Tổ chức Các nước Sản xuất Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga (gọi là OPEC +) sẽ có phương án xử lý cho bất cứ khoản sản lượng tăng nào từ Iran bằng cách giãn tốc độ nâng san lượng trong nửa cuối năm 2021.

Tham khảo: Reuters

Vũ Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
XEM