Ghi nhớ đúng 4 câu "thần chú" này, bạn sẽ an nhiên vượt qua hết buồn vui của cuộc đời
Trước những sóng gió, ta thường oán thán ông trời bất công. Nhưng nếu giác ngộ được 4 điều sau, bạn sẽ tìm thấy sự an nhiên mà đi qua hết những buồn, vui của cuộc đời.
Hãy thử nhớ lại một trong muôn vàn ngày không vui bạn đã từng trải qua xem nào! Sáng mở mắt ra vội vàng chuẩn bị đưa con đến lớp mẫu giáo thì xe thủng lốp, phải dắt bộ cả quãng đường dài. Đưa con đến nơi thì cô giáo phàn nàn con chưa ngoan, ăn ngủ kém.
Đã thế, đến công ty mở ba lô ra mới phát hiện chai nước cam sáng nay vội vàng bỏ vào để mang đi đã rỉ hết ra laptop. Đỉnh điểm của sự chán chường là vì một lỗi nhỏ mà cả đồng nghiệp và cấp trên cùng chỉ trích bạn thậm tệ.
Khởi đầu một ngày mới vô cùng tồi tệ, đúng không? Và suốt cả ngày hôm đó bạn sẽ bị cảm giác chán chường chi phối, chẳng làm được gì ra hồn ngoài việc oán trách số phận sao lại bất công với bạn đến thế và mãi không thể thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn đó.
Nhưng nếu suy nghĩ theo 4 quy tắc tâm linh sâu sắc được người Ấn Độ luôn xem như kim chỉ nam dưới đây bạn sẽ dễ dàng vượt qua khó khăn, an nhiên mà tận hưởng cả niềm vui và những nỗi buồn xảy ra trong cuộc đời mình đấy.
Quy tắc 1: "Bất cứ người nào bạn gặp cũng ĐÚNG là người mà bạn cần gặp"
Điều này có nghĩa là không phải ngẫu nhiên mà một ai đó xuất hiện trong cuộc đời của bạn. Bất kỳ ai dù chỉ là người đi ngang qua chúng ta trên đường đời cũng đều mang một ý nghĩa nào đó. Họ đều là những người "thầy" dạy cho bạn những thứ không phải cứ bỏ tiền ra là học được.
Tất cả mọi người xung quanh chúng ta, từ vợ chồng, con cái, bố mẹ, anh chị em, đồng nghiệp, bạn bè và cả kẻ thù, dù yêu thương, ghét bỏ, giúp đỡ hay đối đầu với bạn đều dạy cho bạn cách sống, cách yêu thương, bao dung và nhẫn nhịn.
Tại ĐÚNG một thời điểm nhất định của cuộc đời, ĐÚNG những con người đó sẽ xuất hiện để giúp bạn vượt qua khó khăn, tôi luyện ý chí, nhận ra giá trị của cuộc sống và chính bản thân mình.
Nếu đồng nghiệp, lãnh đạo công ty không nghiêm khắc phê bình bạn vì lỗi lầm trong câu chuyện ban sáng thì biết đâu bạn đã không nhận ra, không rút kinh nghiệm để rồi lại phạm phải lỗi nghiêm trọng hơn lần sau thì sao?
Vậy nên, đừng chỉ biết oán trách, ghét bỏ những người khiến bạn cảm thấy buồn và tổn thương bởi nếu không có họ bạn sẽ chẳng bao giờ biết trân trọng, biết ơn những người luôn trao cho bạn cơ hội, tặng bạn những khoảnh khắc vui vẻ trong đời.
Quy tắc 2: "Bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc đời bạn đều là những điều nên xảy ra"
Không có điều gì chúng ta từng trải qua trong cuộc đời mình đáng ra KHÔNG NÊN xảy ra cả, kể cả những điều nhỏ nhặt nhất. Trước mỗi một sai lầm hay vấp ngã, chúng ta đều than thở "Giá như mình không làm thế thì mọi chuyện đã khác".
Nhưng KHÔNG, chẳng có cái giá như nào hết bởi những gì nên xảy ra thì đều đã xảy ra. Qua đó, chúng ta rút ra được bài học để hoàn thiện, phát triển bản thân hơn.
Mỗi khoảnh khắc, mỗi tình huống xảy ra trong cuộc đời đều được "lập trình" một cách HOÀN HẢO cho dù bạn có không muốn nó xảy ra thế nào chăng nữa. Vì vậy, đừng tốn thời gian để hối tiếc với những câu "giá như" về những chuyện đã qua nữa.
Thay vì ngồi đó bực tức, bất lực, trách mình ẩu đoảng với chiếc laptop bị dính đầy nước cam ban sáng, bạn bình tĩnh chấp nhận, tìm cách lau chùi rồi đêm chiếc máy tính đi xử lý rồi rút kinh nghiệm lần sau không bao giờ để nước vào ba lô đựng laptop nữa, có phải là nhẹ nhàng hơn không?
Tương tự như vậy, khi bị kẹt cứng trên một tuyến đường đông đúc trong lúc đưa con đi học bạn cũng sẽ không ngờ rằng nếu đi nhanh hơn chút nữa thì một chiếc xe tải lao như bay trên đường có thể cướp đi sinh mạng của mình và con thì sao?
Bởi vậy mới nói, đừng ngồi mà ước "giá như" bởi chẳng có gì xảy ra trong cuộc đời là không có nguyên do của nó. Nhẹ nhàng chấp nhận mới có thể ung dung, tự tại.
Quy tắc 3: "Chuyện gì đến, ắt sẽ đến"
Tất cả mọi chuyện trên đời đều bắt đầu vào đúng thời điểm nó cần đến, không sớm hơn, cũng chẳng muộn hơn. Chúng ta không thể đoán trước điều gì sắp xảy ra, cũng không thể ngăn chặn nó vì nó vẫn luôn ở đó và sẽ xảy ra vào một thời điểm chẳng ai ngờ tới.
Thế nhưng, nếu chỉ ngồi một chỗ và lo sợ những chuyện tồi tệ sẽ xảy ra với mình, bạn sẽ chẳng có thời gian mà tận hưởng những khoảnh khắc đáng quý của hiện tại nữa. Bạn không thể kiểm soát hết những thứ xảy ra xung quanh nên hãy dũng cảm mà đón nhận, dù đó là niềm vui hay nỗi buồn.
Mọi chuyện xảy ra trên đời không phải để đáp ứng những ý thích, ước muốn của bạn mà để giúp bạn học cách bình thản đối diện với những chuyện bất ngờ xảy ra. Cuộc đời bạn không phải là một cuộc đua, ai rồi cũng sẽ đi đến đích vậy sao chúng ta lại phải sống vội cơ chứ?
Quy tắc 4: "Chuyện gì đã qua, hãy để cho nó qua"
Quy tắc này rất đơn giản. Khi một điều gì đó trong cuộc sống của chúng ta kết thúc, thì có nghĩa là nó đã làm hết bổn phận của mình trong việc giúp ta phát triển. Duyên phận của chúng ta với điều đó đã chấm dứt để nhường chỗ cho mối nhân duyên khác hội tụ.
Đôi khi chia tay một người hay rời bỏ một công việc chưa chắc đã là điều không tốt bởi biết đâu đó lại là cơ hội để chúng ta đến với một nửa đích thực của đời mình và tìm được một cơ hội công việc với môi trường và mức lương tốt hơn.
Đó là lý do tại sao Phật dạy chúng ta hãy biết buông bỏ, để lại sau lưng những muộn phiền và quá khứ để dành sức tiếp tục cuộc hành trình của đời mình. Để có thể an nhiên, mỗi người nên biết tùy duyên và thuận theo tự nhiên mà sống.
Không phải ngẫu nhiên mà bạn đọc được bài viết này bởi vậy nếu cảm thấy đúng, đừng giữ cho riêng mình! Hãy yêu thương bản thân, sống an nhiên và luôn hạnh phúc nhé!