Gen Z thích nghỉ hưu sớm và đây là những điều họ cần làm để không "sa lầy" vào túng quẫn lúc về già
Dưới sự tác động của Covid-19, thế giới không chỉ chứng kiến làn sóng nghỉ việc mà còn dấy lên trào lưu nghỉ hưu sớm của không ít người trẻ. Vậy chúng ta cần làm gì để có thể nghỉ hưu sớm?
Mới tham gia vào thị trường lao động không lâu, nhưng đa số nhân lực trẻ của Mỹ đã lên kế hoạch nghỉ hưu sớm.
Theo một cuộc khảo sát của công ty quản lý tài sản Goldman Sachs Asset Management, có đến 25% người thuộc thế hệ Z trả lời rằng họ muốn nghỉ hưu trước tuổi 55. Điều này phù hợp với xu thế đánh giá lại các giá trị cuộc sống hay nói một cách đơn giản là trào lưu nghỉ hưu sớm đang diễn ra trên thế giới. Tuy nhiên, nó lại không phù hợp với tình hình thực tế của những người đã nghỉ hưu thời gian gần đây.
Trên thực tế, Goldman phỏng vấn hầu hết là những người nghỉ hưu khá sớm. Theo khảo sát, độ tuổi nghỉ hưu phổ biến nhất là từ 60 đến 64. Trong khi đó, số người nghỉ hưu trước tuổi 55 chỉ chiếm 8%.
Trưởng bộ phận phúc lợi hưu trí về các giải pháp đa tài sản tại công ty Goldman Sachs Asset Management - ông Jeri Savage phát biểu: "Thông điệp quan trọng nhất mà chúng tôi muốn gửi đến những người lao động trẻ là: Họ cần phải đặt ra những giả thuyết mang tính thiết thực hơn nữa cho kế hoạch nghỉ hưu của mình."
Những giả thuyết của họ chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế nghỉ hưu. Hầu hết những người lao động trẻ (những người ở độ tuổi gần 40 và những người thuộc thế hệ Y) cho rằng theo "quy tắc ngón tay cái" (quy tắc thường được rút ra từ kinh nghiệm của số đông): Sau khi nghỉ hưu, người ta sẽ chỉ cần chi tiêu khoảng 80% mức thu nhập trước đây. Trong khi nhiều chuyên gia cho rằng con số 80% vẫn là chưa đủ cho việc nghỉ hưu thì gần một phần ba số người lao động dưới 40 tuổi lại cho rằng chỉ cần khoảng 60% thu nhập trước đây hay thậm chí ít hơn đã đủ để họ chi tiêu.
Người lao động cho biết: mặc dù rất khó khăn nhưng họ phải luôn cố gắng tiết kiệm tiền cho đến tận lúc về hưu. Những tác động của Covid-19 lên tình hình tài chính cũng đã ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tiết kiệm tiền về hưu của 89% lực lượng lao động.
Ngoài ra, việc xoay sở trả nợ các khoản vay hiện hữu cũng ảnh hưởng đến khả năng tiết kiệm của 83% lực lượng lao động, và ảnh hưởng đến 15% những người về hưu. Trong khi đó, những người lao động trẻ còn phải xoay xở để trả khoản vay sinh viên ở mức cao hơn so với thế hệ trước đó.
Trong cuộc khảo sát, cứ ba người được hỏi thì có một người cho rằng họ sẽ phải nghỉ hưu muộn hơn một năm do những tác động tiêu cực về tài chính của đại dịch Covid-19. Sức khỏe không tốt là lý do phổ biến nhất khiến cho những người lao động muốn nghỉ hưu sớm. Còn lý do phổ biến thứ hai? Chỉ là họ đã quá mệt mỏi với công việc của mình.
Chiến lược gia hưu trí cấp cao của công ty Goldman Sachs Asset Management - ông Michael Moran cho biết: "Những phát hiện trong cuộc khảo sát này có thể giúp chủ các công ty lập kế hoạch hưu trí cho nhân viên. Người lao động hiện tại cũng như những người đã về hưu đều đang coi chương trình hưu trí cho người lao động là căn cứ chính cho kế hoạch nghỉ hưu của họ".
Theo các chuyên gia, đây là 4 cách quản lý tài chính thông minh giúp bạn có thể nghỉ hưu ở độ tuổi 55:
1. Bắt đầu tiết kiệm sớm
Để đạt được mục tiêu nghỉ hưu ở tuổi 55, bạn nên bắt đầu tiết kiệm từ sớm. Vì khi đó, bạn có thể nhận được thu nhập từ lãi kép lớn hơn nhiều so với những người đầu tư muộn, hơn nữa số tiền bạn cần bỏ tiết kiệm theo định kỳ cũng sẽ thấp hơn.
Cho ví dụ, bạn đang ở tuổi 20 và muốn trở thành triệu phú USD ở tuổi 50, bạn có thể tiết kiệm 920 USD/tháng, hoặc khoảng 12.000 USD/năm với lãi suất hàng năm giả định là 6% để đạt được điều đó.
Nhà hoạch định tài chính Mahoney cho biết: "Nếu ngay từ khi còn trẻ, bạn tận dụng thời gian bằng cách tiết kiệm một cách thận trọng và đầu tư có trách nhiệm, thì lãi kép thực sự mang lại nhiều lợi ích khác biệt lớn so với những người bắt đầu khi họ đã 30 hoặc 40 tuổi,"
2. Tăng dần các khoản đóng góp khi nghỉ hưu
Khi có những mục tiêu tài chính như: trả khoản vay dành cho sinh viên hay tiết kiệm mua nhà, bạn không thể dành phần lớn số tiền tiết kiệm của mình cho việc nghỉ hưu. Tuy nhiên, bạn có thể giải quyết việc này bằng cách tăng dần số tiền tiết kiệm theo thời gian.
Chiến lược đầu tư này có thể giúp bạn giải quyết những nhu cầu tài chính ngắn hạn, dễ dàng gắn bó với việc tiết kiệm và hình thành thói quen tăng tiết kiệm về lâu dài. Việc tăng tiết kiệm theo thời gian cũng khiến bạn đạt được mục tiêu tài chính nhanh hơn.
3. Hạn chế chi tiêu
Để việc nghỉ hưu sớm trở nên khả thi, bạn cũng cần phải loại bỏ các khoản chi tiêu không cần thiết.
Những người có mục tiêu nghỉ hưu sớm thường duy trì tỷ lệ tiết kiệm cao bằng cách sử dụng ô tô cũ, sống trong những ngôi nhà không quá đắt tiền và theo dõi những khoản chi tiêu nhỏ để giữ chi phí sinh hoạt của họ ở mức thấp.
Điều này có thể giúp bạn nâng cao tài khoản tiết kiệm cho mục tiêu hưu trí của mình cho dù mức lương của bạn là bao nhiêu.
4. Đầu tư vào bản thân
Những người theo phong trào nghỉ hưu sớm cho rằng bạn nên sử dụng 25-70% thu nhập cho việc thu nhập. Còn theo chuyên gia, con số tối thiểu bạn nên dành cho việc tiết kiệm là 20% thu nhập.
Bạn nên có nhiều nguồn thu nhập để thực hiện việc tiết kiệm một cách dễ dàng. Bạn có thể vận dụng những kỹ năng sẵn có của mình để đầu tư kinh doanh. Ví dụ: thuê căn hộ bên ngoài để kinh doanh Airbnb, đầu tư chứng khoán…
Đầu tư vào bản thân là một việc làm hết sức thông minh. Bạn có thể đầu tư vào việc học các chứng chỉ, bằng cấp, trau dồi kinh nghiệm để tăng giá trị của bản thân, từ đó có được thu nhập cao hơn.
Những khoản thu nhập từ các hoạt động kinh doanh hay đầu tư này chắc chắn sẽ giúp cho bạn đạt được mục tiêu nghỉ hưu sớm một cách dễ dàng hơn.
Muốn nghỉ hưu sớm, ‘cần có sự cân bằng’
Nhà hoạch định tài chính Mahoney cho rằng: "Nếu đang sống tiết kiệm quá mức, bạn có thể sẽ phí hoài những ngày tháng đẹp đẽ ở độ tuổi 20, 30 của mình. Chính vì thế, chúng ta cần có sự cân bằng giữa cuộc sống và những mục tiêu tài chính cá nhân."
Hãy cân nhắc những lợi ích và giá trị bạn phải đánh đổi khi tiết kiệm để hướng đến mục tiêu nghỉ hưu sớm.
Khi con người quá tập trung vào một mục tiêu duy nhất, họ thường bỏ quên những giá trị khác trong cuộc sống. Nếu chỉ vì mục tiêu tiết kiệm, bạn từ bỏ nhiều trải nghiệm, không chú ý đến sức khỏe, hãy xem xét lại và tìm cách cân bằng. Nếu bạn vẫn tận hưởng cuộc sống cùng gia đình và bạn bè, chỉ là bạn đang lái một chiếc xe cũ hơn, sống trong một ngôi nhà nhỏ hơn thì chẳng có điều gì phải lo lắng cả.