Gay cấn cuộc đua ngành dược: Long Châu đã "đuổi kịp" Pharmacity với 1.000 nhà thuốc, “người đi sau” An Khang lại sớm “chốt sổ”
Nếu Pharmacity tuyên bố tham vọng lớn với 5.000 nhà thuốc trên toàn quốc vào năm 2025, nâng doanh thu lên hơn 3 tỷ USD thì Long Châu cũng vừa tăng gấp đôi vốn, sau khi có lãi trước kế hoạch vào cao điểm năm 2021.
Long Châu đã "đuổi kịp" Pharmacity với 1.000 nhà thuốc
Pharmacity ra đời vào năm 2011, với nguồn lực mạnh đã sớm dẫn đầu về quy mô và có lúc gần như không có đối thủ. Và chỉ hồi tháng 3 năm nay, khi Pharmacity đạt hơn 1.000 cửa hàng, Long Châu vẫn còn cách khá xa với quy mô chỉ bằng phân nửa.
Như vậy, cuộc đua ngành dược sớm dự báo bùng nổ hồi đầu năm đã và đang ngày càng gay cấn. Nếu Pharmacity tuyên bố tham vọng lớn với 5.000 nhà thuốc trên toàn quốc vào năm 2025, nâng doanh thu lên hơn 3 tỷ USD thì Long Châu cũng vừa tăng gấp đôi vốn, sau khi có lãi trước kế hoạch vào cao điểm năm 2021.
Sau 5 năm FPT Retail “lấn sân” vào thị trường ngành bán lẻ dược phẩm, doanh thu chuỗi Long Châu tính đến quý 3/2022 đạt 6.562 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Thực tế, dù thấp hơn về quy mô, song chỉ số kinh doanh của Long Châu đã sớm vượt xa Pharmacity.
“Long Châu đến 2025 có tham vọng vượt Pharmacity không?"
Chia sẻ tại Đại hội đầu năm nay, trả lời cổ đông về thắc mắc “Long Châu đến 2025 có tham vọng vượt Pharmacity không?”, bà Nguyễn Bạch Điệp cho biết: “Mỗi một chuỗi có hướng đi khác nhau. Pharmacity thiên về tiện lợi còn Long Châu thiên về thuốc, nên rất khó nói việc vượt qua nhau. Chưa kể Pharmacity đi trước nên quy mô hiện rất lớn, và Long Châu lấy đó làm động lực. Ngược lại, Long Châu chú trọng hiệu quả/cửa hàng nên không đánh đổi. Hiện, hiệu suất trên cửa hàng có thể nói Long Châu đang dẫn đầu”.
Thị trường dược bản chất rất rộng, hiện có tổng 57.000 nhà thuốc trong khi các chuỗi hiện nay cộng lại chỉ có 3.000 cửa hàng. Chưa kể, hiện có một cơ hội mới là hàng lậu đang giảm, do đó Long Châu nhấn mạnh vấn đề là sức mình làm tốt tới đâu.
Bà Bạch Điệp nhấn mạnh, FRT không quan tâm hay lo sợ việc đối thủ cũng tăng trưởng, vì “đất rộng người thưa” nên ai vào cũng có cơ hội, chưa kể thị trường nhiều hàng chính hãng hơn cũng là một tín hiệu tốt.
Theo kế hoạch đề ra cho năm 2022, ban lãnh đạo kỳ vọng Long Châu sẽ đóng góp khoảng 50-100 tỷ lợi nhuận, tuỳ thuộc vào tình hình mở rộng chuỗi thực tế. Dài hơi hơn, việc bán thuốc Covid chỉ mang tính thời điểm, Long Châu định định hướng là hỗ trợ chữa bệnh phổ biến, chăm sóc sức khoẻ cho người dân.
“Người đi sau” An Khang lại sớm “chốt sổ”
Một tay chơi lớn khác là An Khang của Thế giới Di động (MWG). Nhận định ngành dược đang vào thời điểm vàng hậu Covid-19, MWG từ cuối năm 2021 đã nâng tỷ lệ sở hữu, lên kế hoạch chạy đua đón đầu cơ hội.
Dù vậy, tại cuộc họp nhà đầu tư mới đây, Công ty cho biết sẽ giữ ở con số 529 nhà thuốc (thay vì kế hoạch năm 2022 là 800 cửa hàng) vì thời điểm này, đặc biệt là những tháng cuối năm thị trường quá nhiều biến đổi, khó khăn nên việc dừng lại là để phù hợp với tình hình thị trường.
"Việc chậm lại 1 nhịp cho hơn 500 cửa hàng như vậy cũng là cơ hội để đánh giá, nhìn nhận lại, tối ưu hóa tất cả mọi thứ với 500 cửa hàng này. Khi làm tốt, có đồng lời thì chúng tôi sẽ tăng tốc ở một thời điểm thuận lợi của năm sau, nhưng thời điểm này chúng tôi quyết định dừng lại ở con số 500”, CEO Đoàn Văn Hiểu Em chia sẻ.
Cuộc đua thị phần của các DN bán lẻ đang mở rộng kênh phân phối qua nhà thuốc
Doanh thu toàn ngành được giới phân tích kỳ vọng sẽ tăng trưởng trong trong ngắn hạn. Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tổng kết, doanh thu TTM (Trailing 12 Months - 12 tháng liên tiếp) tính đến quý 1/2022 của kênh ETC và OTC lần lượt đạt 3,9 tỷ USD và 2,7 tỷ USD (tăng 14% so với cùng kỳ). VDSC cũng dự báp kết quả kinh doanh nửa cuối năm của ngành dược sẽ tương đối khởi sắc, tăng trưởng tích cực từ mức nền thấp của nửa đầu năm qua.
Bên cạnh nhu cầu gia tăng hậu Covid-19, tiềm năng của ngành còn được hỗ trợ bởi Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,5% trong năm 2022. Đây là mục tiêu hoàn toàn khả thi và dự báo sẽ vượt kế hoạch, đạt tăng trưởng 7,3%; qua đó thu nhập bình quân đầu người được cải thiện, tăng trưởng kép 5 năm từ 2022-2026 đạt 6%, hỗ trợ chi tiêu cho sức khoẻ tăng.
Theo Fitch Solutions, chi tiêu bình quân đầu người dành cho dược phẩm năm 2021 là 1,5 triệu đồng và dự báo vào năm 2026F sẽ đạt 2,1 triệu đồng, mức tăng trưởng kép 7,7% trong vòng 5 năm tới.
Về yếu tố chủ quan, cuộc đua thị phần của các doanh nghiệp bán lẻ đang góp phần mở rộng kênh phân phối qua nhà thuốc. Fitch Solutions dự báo doanh thu dược phẩm kênh ETC/OTC năm 2022 và 2026 đạt lần lượt 118 nghìn tỷ đồng/36,7 nghìn tỷ đồng và 166 nghìn tỷ đồng/50 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kép bốn năm là 9%/7%.