Gặp startup công nghệ “Y học tái sinh” điều trị ung thư, Shark Việt hào hứng chốt deal: Tưởng đánh đòn phủ đầu chiếm 50%, ai ngờ founder "cứng như đá", mặc cả qua lại còn 32%

24/05/2021 07:39 AM | Kinh doanh

Hoạt động trong lĩnh vực đặc thù và khá phức tạp nên startup JVM chỉ nhận được lời đề nghị đầu tư của Shark Việt. Tuy nhiên, vị founder vẫn giữ thế chủ động trong cuộc đàm phán và cuối cùng nhận được 20 tỷ đồng cho 32% cổ phần.

Startup mang lại hy vọng cho bệnh nhân ung thư

Từ đầu cầu Nhật Bản, nhà sáng lập Công ty Cổ phần Y học tái sinh Việt Nhật (JVM) – ông Đinh Ngọc Hải trực tiếp thuyết trình và muốn kêu gọi 20 tỷ đồng cho 30% cổ phần. Theo founder, số tiền này sẽ được dùng để mở mới một cơ sở trị liệu tế bào miễn dịch tại Tp.HCM.

Sản phẩm của JVM là công nghệ trị liệu tế bào miễn dịch để chống và điều trị ung thư. Mô tả sơ bộ công nghệ này, founder Ngọc Hải cho biết: "Y học tái sinh là phương pháp dùng cái tế bào miễn dịch được tách ra từ trong máu. Mình lấy máu của bệnh nhân, sau đó lấy những tế bào khoẻ để cho vào phòng thí nghiệm, nuôi tăng trưởng trong vòng khoảng 2-3 tuần để đạt được số lượng và chất lượng tốt. Sau đó chuyền tế bào miễn dịch đã được nuôi cấy lại cho cơ thể bệnh nhân".

Việc này sẽ giúp tăng hệ miễn dịch và giúp bệnh nhân chống chọi lại các tác nhân có hại bên ngoài như virus, vi khuẩn hay các tế bào đột biến như tế bào ung thư. Đây là công nghệ tiên tiến đã được áp dụng tại Nhật Bản, đồng thời thành tựu của liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư cũng đã được thế giới công nhận qua giải Nobel y học năm 2018.

JVM là đơn vị đại diện độc quyền cho một đơn vị phòng khám (clinic) ở Nhật Bản chuyên về công nghệ tái sinh. Dựa vào mô hình đang triển khai ở Hà Nội, JVM muốn mở mới một cơ sở nuôi cấy tế bào tại Tp. HCM. Do kế hoạch "mới chỉ trên giấy" nên chưa có số liệu, phương án kinh doanh chỉ dựa trên mô hình đang triển khai của các đơn vị đối tác ở Hà Nội.

Gặp startup bán công nghệ điều trị ung thư, Shark Việt nhọc nhằn chốt deal đầu tiên: Tưởng đánh đòn phủ đầu chiếm 50% , ai ngờ founder cứng như đá, mặc cả qua lại còn 32% - Ảnh 1.

Founder Đinh Ngọc Hải gọi vốn online từ đầu cầu Nhật Bản.

Tuy nhiên, ông Ngọc Hải đối tác mà công ty hợp tác tại Nhật Bản đã có khoảng 1.000 bệnh nhân được sử dụng phương pháp này. Đồng thời, founder nhận định tiềm năng của thị trường Việt là rất lớn.

"Y học tái sinh giống như là y học 4.0 của thế giới, 8 năm gần đây có đến 3 giải nobel về y học tái sinh. Đối tác bên Nhật của công ty đã ghi nhận doanh thu 60 triệu USD/năm. Tại thị trường Việt Nam, mỗi năm có khoảng 2 tỷ USD chảy vào Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, là tiền người Việt ra nước ngoài chữa bệnh".

Cơ sở mới sẽ hoạt động theo 2 hình thức, một là hợp tác với các cơ sở y tế, bệnh viện để trị liệu cho bệnh nhân tại đó, hai là chuyển giao công nghệ - bán luôn công nghệ cho đối tác.

Theo ông Hải, thực tế ở Việt Nam có khá nhiều đơn vị tiến hành trị liệu bằng phương pháp này rồi nhưng khi đưa về Việt Nam, công ty đã cố gắng đưa ra giá thành cạnh tranh, dự kiến khoảng 95 triệu đồng/lộ trình, thấp hơn mức 150 triệu mà các đơn vị hiện nay đang làm. Nếu ở Nhật thì giá còn cao hơn, khoảng 6.000 – 7.000 USD (tương đương 130 – 160 triệu đồng).

Ở giai đoạn tiếp theo, công ty muốn tự thành lập trung tâm trị liệu y tế chất lượng cao theo tiêu chuẩn của Nhật Bản tại Việt Nam.

Về cơ cấu cổ đông, hiện JVM có hai cổng đông góp vốn là ông Đinh Ngọc Hải và một co-founder khác là bác sĩ người Nhật. Trong đó, ông Hải giữ 65% cổ phần. Tổng tiền đã đầu tư vào JVM ước tính khoảng 15 tỷ đồng.

"Gãi đúng chỗ ngứa" của Shark Việt và màn "mặc cả" căng não

Hoạt động trong một ngành mang tính đặc thù và khá phức tạp, lại không phải là lĩnh vực lợi thế nên không khó hiểu khi cả Shark Phú, Shark Bình, Shark Liên và Shark Hưng đều từ chối đầu tư cho startup này.

Trái lại, lĩnh vực hoạt động của JVM lại "gãi đúng chỗ ngứa" của vị "cá mập ông nội" – người đang sở hữu bệnh viện tư nhân Phương Đông. Shark Việt cho biết bệnh viện của mình sắp triển khai chuyên khoa ung thư giai đoạn 2, nhưng sử dụng phương pháp của Mỹ và châu Âu. Do đó, Shark Việt tỏ ra rất quan tâm và đặt nhiều câu hỏi cho founder.

Shark Việt: "Vốn điều lệ đăng ký là bao nhiêu"?

Founder Đinh Ngọc Hải: "10 tỷ đồng".

Shark Việt: "Có 20 tỷ anh sẽ làm gì"?

Founder Đinh Ngọc Hải: "Để set-up phòng lab trong Tp.HCM. Tôi mong muốn sau này các trung tâm y học tái sinh sẽ được đặt ở các đặc khu kinh tế của Việt Nam như Vân Đồn, Phú Quốc, nơi thu hút nhiều người giàu và người nước ngoài tới".

Dù không đầu tư nhưng Shark Bình vẫn góp ý, cho rằng anh Hải mạnh về công nghệ, cần tìm partner (đối tác) để lo vận hành, marketing ở Việt Nam, vậy thì phải gọi vốn theo tỷ lệ 1:1 để cùng nhau bỏ tiền vào làm, thay vì bản thân nắm quyền chi phối.

Shark Việt đồng tình: "Để điều hành công ty Việt Nam thì phải 51% chứ không phải 49% đâu".

Gặp startup bán công nghệ điều trị ung thư, Shark Việt nhọc nhằn chốt deal đầu tiên: Tưởng đánh đòn phủ đầu chiếm 50% , ai ngờ founder cứng như đá, mặc cả qua lại còn 32% - Ảnh 2.

Dẫu vậy, vị founder lại tỏ ra rất cứng rắn và bảo vệ offer ban đầu của mình: "Việc định giá công ty, ngoài giá trị bỏ tiền ra để đầu tư trang thiết bị, đối tác chúng tôi còn bỏ ra Know-how với 10.000 bệnh nhân rồi, đó là Know-how giá trị lớn. Các giá trị tôi tính ra như vậy hoàn toàn không cao".

Tuy nhiên, Shark Việt cho rằng vì mô hình kinh doanh mới nằm ở ý tưởng, chưa triển khai nên nếu đầu tư thì Shark phải được coi như một người góp vốn từ đầu, nói cách khác là "founder đến muộn".

"Anh mới góp có 10 tỷ, tôi góp 20 tỷ mà được có 30% thì không công bằng lắm", Shark Việt kỳ kèo.

Tuy nhiên, điều này dường như không làm ảnh hưởng đến tâm lý của founder. Ông Hải thắng thắn thể hiện quan điểm không thích "mặc cả" của mình:

"Tôi ở Nhật hai mươi mấy năm rồi, kinh doanh cũng 15 năm nay. Đầu óc có vẻ hơi giống Nhật một chút, khi đưa ra một offer thì đã cân nhắc tương đối kỹ chứ không có muốn đàm phán, nâng lên đặt xuống. Đó không phải phong cách của tôi"

Shark Việt cũng chưa nản lòng và bắt đầu đưa ra offer đầu tiên: "Vốn này đưa vào công ty để góp tăng vốn điều lệ. Tôi góp 20 tỷ đổi lại 50% cổ phần. Bên anh làm chủ tịch. Chúng ta sẽ ăn một phần nhỏ của miếng bánh lớn thay vì phần lớn của miếng bánh nhỏ. Tôi sẵn bệnh viện, độ tin cậy, sẵn chút ảnh hưởng và các vấn đề khác. Tôi còn là tư nhân, nên quyết sách chỉ trong vòng 15 giây".

Không mất nhiều thời gian, founder Ngọc Hải thẳng thừng từ chối offer này, khiến "cá mập" phải xuống nước.

Shark Việt: "50% anh không đồng ý, vậy bao nhiêu thì anh đồng ý"?

Founder Ngọc Hải: "Tôi nghĩ trường hợp tối đa lên thì cũng chỉ thể offer thêm 2-3%" (so với con số 30% - PV)

Sau một hồi tính toán khá kỹ, Shark Việt đưa ra offer mới: "Anh nghĩ sao về số 40%"?

Founder Ngọc Hải vẫn "cứng như đá": "40% không được ạ".

Shark Việt một lần nữa phải hạ giá: "Ý anh là khoảng 35% thì anh đồng ý chứ gì"?

Founder Ngọc Hải vẫn kiên quyết: "Không ạ, 33%".

Gặp startup bán công nghệ điều trị ung thư, Shark Việt nhọc nhằn chốt deal đầu tiên: Tưởng đánh đòn phủ đầu chiếm 50% , ai ngờ founder cứng như đá, mặc cả qua lại còn 32% - Ảnh 3.

Sau đó, founder JVM đưa ra đề xuất mới, hét giá "một bước lên trời" khi tăng thêm 10 tỷ đồng cho 2% cổ phần tăng thêm, tương đương với mức đề nghị 30 tỷ đồng cho 35%. Điều này làm các "cá mập" hết sức ngạc nhiên.

Tuy nhiên, Shark Việt vẫn chưa bỏ cuộc mà tiếp tục đánh vào tâm lý founder: "Em xem đi, em cần người ở đây, hiểu biết thị trường Việt Nam, sao lại đi tiếc một vài phần trăm thế. Tri kỷ người ta có thể trao nhau cả cuộc đời của mình.

Tôi cho rằng đây là cái duyên để hai ta gặp nhau. Tôi lúc đầu muốn 50%, giờ tôi "tụt xuống" hơi nhiều rồi đấy!"

Không hề mủi lòng, Đinh Ngọc Hải vẫn giữ tâm lý vững vàng và chốt đề nghị lần cuối: 20 tỷ thì cho 32%. Đến đây, Shark Việt không "mặc cả" thêm nữa mà quyết định "chốt deal", mang về cho mình thêm một startup trong Shark Tank Việt Nam mùa 4.

Hoàng Thuỳ

Cùng chuyên mục
XEM