Gặp "nữ tư lệnh hồi sức" đưa kỹ thuật ECMO về Việt Nam: Tôi chỉ mong cứu được nhiều người hơn nữa!

20/10/2021 13:50 PM | Sống

Hơn 10 năm trước, từ những trăn trở của một người theo đuổi đam mê về hồi sức, BS. Thảo là người tiên phong thực hiện những nghiên cứu mở đường, đưa ECMO về với Việt Nam. Và nó đã trở thành bước ngoặt quan trọng giúp hồi sinh nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 nặng trước cửa tử thần.

PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo - Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy mở đầu câu chuyện một cách chậm rãi. Gần 30 năm gắn bó với công việc, BS. Thảo luôn đặt bản thân mình vào những thử thách khốc liệt nhất để đi tìm "đáp án mở" cho hành trình cứu chữa bệnh nhân.

 Gặp nữ tư lệnh hồi sức đưa kỹ thuật ECMO về Việt Nam: Tôi chỉ mong cứu được nhiều người hơn nữa! - Ảnh 1.

PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo là 1 trong 10 người vinh dự được nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021

Hơn 30 công trình nghiên cứu lớn về thông khí nhân tạo, lọc máu, ECMO, một số vấn đề liên quan đến kỹ thuật cao, cấp cứu chấn thương, hồi sức ghép tạng… là điều PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo đã làm được, tất cả đều bắt nguồn từ những câu hỏi liên tục trong quá trình điều trị lâm sàng. Đặc biệt, kỹ thuật cao nhất để cứu bệnh nhân ECMO đã giúp Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực, gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Gặp "nữ tư lệnh hồi sức" đưa kỹ thuật ECMO về Việt Nam: Tôi chỉ mong cứu được nhiều người hơn nữa!

Từ cô nữ sinh vùng quê đến "nữ tư lệnh hồi sức"

PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo mở đầu hành trình thực hiện ước mơ của mình bằng tấm giấy báo đỗ vào trường ĐH Y Dược TP.HCM, sau khi tốt nghiệp năm 1992, BS. Thảo chuyển vào Khoa Hồi sức cấp cứu - BV Chợ Rẫy để công tác.

Trong suốt quá trình công tác tại BV Chợ Rẫy, vừa học hỏi chuyên môn, vừa nghiên cứu khoa học, sau đó là quản lý…, chưa một ngày BS. Thảo cho phép mình ngơi nghỉ. Có những đêm 2 - 3h sáng, BS. Thảo vẫn cặm cụi trả lời email, chỉnh sửa từng luận văn cho sinh viên hay cuộc điện thoại hội chẩn từ đồng nghiệp.

Gần 30 năm gắn bó với công tác cứu chữa người bệnh, giảng dạy, nghiên cứu khoa học..., 24 giờ mỗi ngày là một hành trình mới với cô Thảo

Chúng tôi may mắn được gặp cô vào buổi chiều 19/10, sau những bộn bề, gấp gáp của công việc, cô nán lại để chia sẻ cho chúng tôi những điều chưa bao giờ được kể. Từ công việc, niềm đam mê đến nỗi khắc khoải, nhớ nhung của nửa đời người bác sĩ.

Hơn 10 năm trước, từ một người trăn trở về chuyên ngành của mình, trong khi ở Hà Nội đã có ngành Hồi sức cấp cứu chống độc, ở phía Nam thì chưa có, cô Thảo cùng với một số người đã lập một Ban vận động để xin nhà trường (ĐH Y Dược TP.HCM) mở ra một mã số để đào tạo chuyên ngành hồi sức cấp cứu. Và cũng chính từ đây, một lớp bác sĩ giỏi, có tay nghề cao về mặt hồi sức xuất hiện, sẵn sàng triển khai những kỹ thuật mới của chuyên ngành.

 Gặp nữ tư lệnh hồi sức đưa kỹ thuật ECMO về Việt Nam: Tôi chỉ mong cứu được nhiều người hơn nữa! - Ảnh 3.

Nữ bác sĩ chia sẻ về quá trình giảng dạy, truyền lửa cho lớp y bác sĩ kế cận

"Công tác đào tạo rất cần thiết đối với nghề y, mình học ở thầy, ở bạn và cả ở thế hệ đàn em. Hiện nay, việc đào tạo hay học ở trường là học suốt đời, vòng đời của các kiến thức lại rất ngắn, lại được cập nhật, người làm ngành y mà không cập nhật thì lạc hậu về mặt tri thức.

Cách đây hơn 10 năm, chúng tôi được đi học ở nước ngoài về kỹ thuật ECMO, ban đầu không dễ dàng gì khi đòi hỏi rất nhiều thứ về mặt teamwork, sự hỗ trợ từ phía lãnh đạo và phải đối mặt với biến chứng có thể xảy ra", PGS.TS Thảo trải lòng.

PV: Cô Thảo có bao giờ nghĩ kỹ thuật ECMO lại cần thiết và tạo nên nhiều kỳ tích về mặt cứu chữa người bệnh, nhất là trong đại dịch Covid-19?

 Gặp nữ tư lệnh hồi sức đưa kỹ thuật ECMO về Việt Nam: Tôi chỉ mong cứu được nhiều người hơn nữa! - Ảnh 4.

BS. Thảo là một trong những người đầu tiên của BV Chợ Rẫy được cử qua Bệnh viện ĐH Regensburg - Cộng hòa liên bang Đức học kỹ thuật ECMO (trao đổi oxy màng ngoài cơ thể) từ hơn 10 năm trước

Khi mình đi học một kỹ thuật mới thì mình cũng mong kỹ thuật đó cứu được nhiều người. Chúng tôi thấy rằng kỹ thuật ECMO đã ra đời rất lâu nhưng vẫn chưa phát triển được, đến khi các công nghệ bổ trợ cho việc chạy ECMO ra đời thì mọi người thấy kỹ thuật này có thể cứu sống rất nhiều người. Đặc biệt là người tổn thương phổi nặng, viêm cơ tim nặng mà mình không thể điều trị nội khoa được nhưng vẫn có thể "hồi sinh" một cách ngoạn mục nhờ ECMO.

Bao giờ một kỹ thuật đỉnh cao, hiện đại đòi hỏi hệ thống nhân lực đào tạo chuyên sâu, ở phía Nam ban đầu không nhiều, khi đào tạo thì chúng tôi thành lập các team, vừa tiến hành kỹ thuật, vừa đào tạo nâng cao, từ những bệnh nhân mình điều trị để rút kinh nghiệm.

Mình phải đọc, đọc rất nhiều để thấy mình cần phải thêm vấn đề gì. Bên cạnh ECMO, chúng tôi thực hiện nhiều kỹ thuật khác… Hiện nay, đối với các y bác sĩ tại BV Chợ Rẫy, kỹ thuật về ECMO đã gần như thông thạo.

PV: Trong số các bệnh nhân mắc Covid-19 nặng, phải can thiệp ECMO, có câu chuyện xúc động nào không thể quên mà cô cùng đồng nghiệp đã trải qua?

 Gặp nữ tư lệnh hồi sức đưa kỹ thuật ECMO về Việt Nam: Tôi chỉ mong cứu được nhiều người hơn nữa! - Ảnh 5.
 Gặp nữ tư lệnh hồi sức đưa kỹ thuật ECMO về Việt Nam: Tôi chỉ mong cứu được nhiều người hơn nữa! - Ảnh 6.

Những câu chuyện vui, xúc động được cô Thảo kể lại sau gần 2 năm chiến đấu với đại dịch Covid-19

Phải kể đến là việc chữa trị cho phi công người Anh (BN 91) vì nó quá đặc biệt. Đây là bệnh nhân đầu tiên của đợt dịch mình cứu chữa được từ "cõi chết trở về" nhờ vào sự hỗ trợ, đồng lòng của tập thể, chuyên gia của cả nước.

Mọi người đều mất ăn mất ngủ, trong suốt thời gian đó thì tôi cũng chẳng biết mình có ngủ không nữa, cứ liên tục liên tục đặt câu hỏi làm sao để cứu được bệnh nhân. Nhiều thời điểm, chỉ cần ê-kíp bác sĩ chậm một chút bệnh nhân sẽ ngưng tim bất kỳ lúc nào nên chúng tôi đều phải đưa ra nhiều quyết định căng não.

Có rất nhiều group để chữa trị cho phi công người Anh, 116 ngày thì gần 60 ngày phải điều trị ECMO. Đặc biệt đây là lần đầu tiên, bệnh nhân có triệu chứng kháng Hyberrin, thay màng 7 lần, kỷ lục trong những bệnh nhân tôi làm ECMO, vừa kéo dài, vừa phức tạp nhưng cuối cùng thành công. Đó là kỳ tích!

Sau đợt đó thì có nhiều bệnh nhân khác cũng được chạy ECMO và cứu sống. Tuy nhiên, cũng có nhiều bệnh nhân vượt qua được giai đoạn hồi sức nhưng đến giai đoạn sau đó thì mất, không qua khỏi…

 Gặp nữ tư lệnh hồi sức đưa kỹ thuật ECMO về Việt Nam: Tôi chỉ mong cứu được nhiều người hơn nữa! - Ảnh 7.

"Nữ tư lệnh hồi sức" luôn túc trực, trao đổi với các y bác sĩ chuyên môn để đưa ra hướng giải quyết tốt nhất trong việc cứu chữa bệnh nhân nặng

PV: Nhiều người chia sẻ là cô Thảo quá yêu công việc khi 2 - 3h sáng vẫn trả lời email, hỗ trợ mọi người. Vậy có khi nào cô nghĩ mình đang phải hi sinh quá nhiều hay không?

Đối với một bác sĩ về mặt hồi sức cũng như bản thân tôi, quản lý lãnh đạo thì thời gian rất cấp bách, nhiều công việc, nên cái công việc nào giải quyết được liền thì mình giải quyết.

Thực chất là giờ giấc nào thì tôi không biết nhưng khi nào có những nhiệm vụ thì thường tôi rất là nhạy, chỉ cần nghe tiếng tít là biết người ta đang đợi ý kiến của mình.

Ngoài việc điều trị tôi còn giúp các em làm luận văn, luận án, mình phải chỉnh sửa. Các em cũng làm việc giống như mình, nên đến tối mới có thời gian làm.

Mình làm nghề cũng giống như một cái nghiệp luôn rồi nên dù có vừa nghiên cứu khoa học, vừa chữa trị cho bệnh nhân, vừa quản lý… thì mình vẫn có thể làm được. Nhất là những công việc đó nó hoàn toàn bổ trợ cho nhau, giúp ích cho người bác sĩ rất nhiều.

 Gặp nữ tư lệnh hồi sức đưa kỹ thuật ECMO về Việt Nam: Tôi chỉ mong cứu được nhiều người hơn nữa! - Ảnh 8.
 Gặp nữ tư lệnh hồi sức đưa kỹ thuật ECMO về Việt Nam: Tôi chỉ mong cứu được nhiều người hơn nữa! - Ảnh 9.

Gần 2 năm chống dịch, PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo cùng đồng nghiệp đã không ít lần đưa bệnh nhân từ cõi chết trở về

Nhói lòng khi thấy đồng nghiệp nữ mang thai nhiễm Covid-19

Mặc dù từng chinh chiến, trải qua rất nhiều đợt bùng phát dịch, thiên tai… nhưng chưa bao giờ cô Thảo lại chứng kiến nhiều cảnh bi thương xảy ra như đại dịch Covid-19. Công việc của cô và các đồng nghiệp luôn đối mặt với rất nhiều rủi ro, nguy hiểm.

Trong gần 2 năm gồng mình chống dịch, ngoài việc tuân thủ các quy trình, cô Thảo luôn nghĩ trong đầu "mình phải được an toàn thì mới có thể cứu giúp được nhiều người hơn".

Với vai trò quản lý lãnh đạo, ngoài việc chăm lo về các chế độ, chính sách cho nhân viên, BS. Thảo còn luôn quan tâm, động viên đồng nghiệp từ những việc làm nhỏ nhất.

 Gặp nữ tư lệnh hồi sức đưa kỹ thuật ECMO về Việt Nam: Tôi chỉ mong cứu được nhiều người hơn nữa! - Ảnh 10.

Dù luôn bận rộn với công việc, nghiên cứu, quản lý nhưng lúc nào cô Thảo cũng dành thời gian để quan tâm, hỏi han đồng nghiệp

Khi dịch Covid-19 trở nên căng thẳng, các y bác sĩ dường như đã kiệt sức khi phải liên tục làm việc trong môi trường nhiễm bệnh, kín mít đồ bảo hộ, những tin nhắn động viên, an ủi của BS. Thảo trong group chung - riêng phần nào đó đã giúp các nhân viên trẻ dằn lòng để chiến đấu.

"Điều mà tôi xúc động nhất là khi thấy đồng nghiệp nữ mang thai nhiễm bệnh, sau đó nặng lên, nó đau lòng lắm… Đối với lãnh đạo bệnh viện, khi mà đồng nghiệp tuyến đầu bị nhiễm, trở nặng thì mình phải tập trung vô cứu chữa vì họ đã cống hiến quá nhiều rồi, phải làm tất cả để cứu sống đồng nghiệp của mình", BS. Thảo tâm sự.

 Gặp nữ tư lệnh hồi sức đưa kỹ thuật ECMO về Việt Nam: Tôi chỉ mong cứu được nhiều người hơn nữa! - Ảnh 11.
 Gặp nữ tư lệnh hồi sức đưa kỹ thuật ECMO về Việt Nam: Tôi chỉ mong cứu được nhiều người hơn nữa! - Ảnh 12.

Những trăn trở của PGĐ BV Chợ Rẫy khi đã cố gắng hết sức nhưng đôi lúc vẫn không thể giúp bệnh nhân chiến thắng được cửa tử thần...

Có lẽ đối với cô Thảo cũng như tất cả các y bác sĩ trong tuyến đầu chống dịch, khi đã chọn nghề y, mọi người đều hiểu rằng việc hi sinh hạnh phúc cá nhân là điều không thể tránh khỏi.

Một may mắn khi cô Thảo và chồng đều làm trong ngành y nên cả 2 đều có sự cảm thông cho nhau. Riêng với gia đình nội ngoại, ai nấy đều thấu hiểu được sự chưa trọn vẹn của cô Thảo với vai trò của một người mẹ, người vợ, người con trong nhà.

"Có thể nhiều người nghĩ công việc của bác sĩ chỉ đơn giản khám bệnh, cho thuốc là xong. Nhưng đến khi thấy được rồi thì sẽ có cảm nhận khác. Một lần đi trực thì có khi đi bộ hơn 10km, cứ đi tới đi lui, chạy bên này bên kia. Đến khi mình bước ra khỏi đêm trực rồi thì cơ thể lúc đó chỉ còn lê bước…", BS. Thảo nghẹn lời.

PV: Phải đánh đổi hạnh phúc riêng tư quá nhiều để phục vụ cho công việc, có bao giờ cô Thảo nghĩ mình cần dừng lại để chăm lo tốt hơn cho tổ ấm của mình?

"Mình đã chọn nghề này, nó như cái nghiệp rồi", BS. Thảo trải lòng.

Việc bác sĩ đi trực, thường xuyên xa nhà, không thể chăm lo vẹn toàn hết cho gia đình đó là điều mà những người trong ngành y đều gặp phải.

Với tôi, hễ mình làm mệt thì mình "nghỉ giữa hiệp", làm một chuyện khác. Ví dụ như làm quản lý quá căng thẳng, trong đó phải quyết định những vấn đề hệ trọng cho bệnh viện thì mình xuống làm chuyên môn. Mình giải quyết cái căng thẳng này cũng ở trong môi trường bệnh viện nhưng với một vai trò khác, cho nên có mệt mỏi hay gì đó thì nó chỉ là nhất thời.

 Gặp nữ tư lệnh hồi sức đưa kỹ thuật ECMO về Việt Nam: Tôi chỉ mong cứu được nhiều người hơn nữa! - Ảnh 13.

Sự hi sinh hạnh phúc cá nhân, những sinh hoạt riêng tư trong đời sống thường ngày là điều mà các y bác sĩ luôn phải đối mặt

Vì cả 2 vợ chồng đều làm trong ngành y nên con cái cũng hiểu, thông cảm cho bố mẹ. Mình có những buổi họp mặt, ăn cơm chung với nhau là đủ rồi. Với những ông bố, bà mẹ ngành y, con cái chịu thiệt thòi hơn những đứa trẻ khác là có nhưng quan trọng phải giải thích cho con hiểu, tại sao mình lại vắng ở những lúc đó.

Món quà đặc biệt trong ngày 20/10

Đó không phải là những bó hoa, bằng khen hay những lời chúc mừng từ đồng nghiệp, người thân quen. Món quà đặc biệt nhất với cô Thảo là những tin nhắn, động viên, cảm ơn từ người xa lạ.

 Gặp nữ tư lệnh hồi sức đưa kỹ thuật ECMO về Việt Nam: Tôi chỉ mong cứu được nhiều người hơn nữa! - Ảnh 14.

Nụ cười hiền hậu của BS. Thảo khi nhận được những món quà "vô giá" từ bệnh nhân

"Có những bệnh nhân mình đã cứu họ, những người mình đã từng giúp đỡ…, họ gửi chúc mừng, tin nhắn nó vô nườm nượp, mình cảm động lắm. Tôi nghĩ là việc làm của mình đã thể hiện tất cả, những người mình không quen biết, họ nhắn tin rồi kể lại việc ông bà, cha mẹ họ đã được cứu sống ra sao, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với bản thân mình trong dịp lễ như thế này.

Ngày lễ mà, nó vui lắm, bình thường thì bệnh viện sẽ tổ chức, các y bác sĩ nữ được đồng nghiệp nam chúc mừng. Có điều mấy chục năm rồi, những ngày trực chuyên môn, trực lãnh đạo, cứu chữa bệnh nhân…, nó toàn rơi vào ngày lễ thôi em ơi", BS. Thảo cười hiền hậu.

 Gặp nữ tư lệnh hồi sức đưa kỹ thuật ECMO về Việt Nam: Tôi chỉ mong cứu được nhiều người hơn nữa! - Ảnh 15.
 Gặp nữ tư lệnh hồi sức đưa kỹ thuật ECMO về Việt Nam: Tôi chỉ mong cứu được nhiều người hơn nữa! - Ảnh 16.

Những kỷ niệm với bệnh nhân luôn là hồi ức đẹp trong vị nữ tư lệnh hồi sức tài ba của Việt Nam

Trong gần 30 năm làm nghề, có lẽ chưa một ngày nào PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo ngừng học hỏi để luôn cải tiến năng lực cho bản thân, làm sao để cứu chữa bệnh nhân được nhiều nhất có thể. Dù đã ở độ tuổi U50 nhưng trong cô luôn có những ấp ủ, dự định mới mà hiện tại, bản thân cô chưa chạm đến được, nhất là trong lĩnh vực Hồi sức - Cấp cứu - Chống độc.

Làm sao để nghiên cứu, bắt kịp nền y học trên thế giới, làm sao để cấp cứu trước viện, các kỹ thuật cấp cứu chuyên sâu mà nước ngoài đang sử dụng được áp dụng tại Việt Nam. Làm sao để mảng Chống độc được nghiên cứu một cách bài bản nhất…, tất cả là dự định, là ước mơ của người phụ nữ luôn hết mình cống hiến, cho đam mê, cho nhiệt huyết của bản thân và sự phát triển của nền y học nước nhà.

Cảm ơn cô PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo - "nữ tư lệnh hồi sức" đã mang đến rất nhiều điều tốt đẹp, góp phần cứu sống hàng ngàn bệnh nhân nặng, nguy kịch trước lưỡi hái tử thần.

 Gặp nữ tư lệnh hồi sức đưa kỹ thuật ECMO về Việt Nam: Tôi chỉ mong cứu được nhiều người hơn nữa! - Ảnh 17.
 Gặp nữ tư lệnh hồi sức đưa kỹ thuật ECMO về Việt Nam: Tôi chỉ mong cứu được nhiều người hơn nữa! - Ảnh 18.

Cầu chúc những điều tốt đẹp, bình an nhất sẽ đến với cô và tất cả mọi người, nhất là các chị em phụ nữ trong ngày 20/10

 Gặp nữ tư lệnh hồi sức đưa kỹ thuật ECMO về Việt Nam: Tôi chỉ mong cứu được nhiều người hơn nữa! - Ảnh 19.

Trong chuyên ngành hồi sức cấp cứu, cô đóng vai trò là "người tiên phong", thực hiện những nghiên cứu mở đường cho chuyên ngành này. Cô còn được đồng nghiệp và mọi người trìu mến gọi là "chị Hai" hay "nữ tư lệnh hồi sức"

Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021

Là 1 trong 10 cá nhân tiêu biểu được vinh dự nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021, PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo cho biết bản thân cô rất vui khi một lần nữa những đóng góp của cô được xã hội ghi nhận.

"Giống như lời của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Bình Minh nói trong buổi lễ, chúng tôi là người phụ nữ bình thường nhưng làm những điều tốt đẹp cho sự nghiệp của nước nhà. Tôi nghĩ nhiêu đó đủ rồi", PGS.TS Thảo chia sẻ.

Với tư cách là thành viên tổ hội chẩn chuyên môn điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng của cả nước, BS. Thảo là người có nhiều đóng góp cho công tác phòng chống dịch Covid-19 ở Việt Nam trong thời gian qua.

Đặc biệt trong chuyên ngành hồi sức cấp cứu, cô đóng vai trò là "người tiên phong", thực hiện những nghiên cứu mở đường cho chuyên ngành này. Cô còn được đồng nghiệp và mọi người trìu mến gọi là "chị Hai" hay "nữ tư lệnh hồi sức".

Tên tuổi của PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo còn được gắn với đề tài nghiên cứu: "Ứng dụng kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể trong điều trị hội chứng nguy ngập hô hấp cấp và viêm cơ tim cấp", từng tạo nên kỳ tích tại Việt Nam. Ngoài ra, cô còn tham gia rất nhiều đề tài nghiên cứu khác liên quan đến cấp cứu chấn thương, hồi sức ghép tạng, nhiễm khuẩn huyết.

Văn Tiên

Cùng chuyên mục
XEM