Gặp gỡ ‘kỳ lân’ giúp bảo vệ nguồn nước ngầm: Mỗi ngày xử lý 370 triệu lít nước thải, BMW, Coca-Cola và TSMC là khách hàng trung thành
Đây là một trong những 'kỳ lân' nước đầu tiên của hệ sinh thái đầu tư mạo hiểm sau khi huy động thành công 225 triệu USD.
Nước ngầm là nguồn tài nguyên hữu hạn, song lại đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu. Việc ⅔ dân số thế giới có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu nước vào năm 2025 khiến các doanh nghiệp đặc biệt lo lắng vì nước chi phối hầu hết các dây chuyền sản xuất. Theo BI, sản xuất một chiếc quần Jeans và áo phông cần 40.000 lít nước. 1kg bơ lạt cần 2.000 lít nước, trong đào tạo GPT-3 tại các trung tâm dữ liệu hàng đầu của Microsoft có thể tiêu thụ tới 700.000 lít.
Công ty Gradiant của Bajpayee có thể giúp các doanh nghiệp kiểm soát vấn đề này bằng cách xử lý và tái chế nước đã qua sử dụng. Điều này giúp hạn chế lượng nước ngầm bị khai thác quá mức, đồng thời bảo vệ các dòng sông khỏi hóa chất độc hại.
Gradiant, được thành lập vào năm 2013, đã trở thành một trong những kỳ lân nước đầu tiên của hệ sinh thái VC sau khi huy động thành công 225 triệu USD. Đầu năm nay, công ty được định giá ở mức 1 tỷ USD. BMW, Coca-Cola, Pfizer và TSMC là những khách hàng trung thành.
“Mong muốn trả lại nước cho tự nhiên đã thôi thúc chúng tôi làm điều đó”, Bajpayee nói.
Công nghệ giả định quá trình mưa tự nhiên được thiết lập. Gradiant cũng dùng máy tạo độ ẩm và hút ẩm để tạo mây và mưa nhân tạo.
Hiện tại, mỗi ngày, công ty này xử lý 370 triệu lít nước thải tại các nhà máy nhờ hệ thống lọc chuyên nghiệp, khử muối và tái sử dụng. Chúng được cho là có thể giúp loại bỏ hoàn toàn các hóa chất PFAS gây độc.
Trước đây, quá trình khử muối rất tốn kém do yêu cầu rất nhiều năng lượng để tách muối ra khỏi nước. Bajpayee không tiết lộ cụ thể hiệu năng hệ thống, song khẳng định công ty hoạt động tốt hơn các giải pháp thay thế.
Được biết, nhà máy của Gradiant vận hành thông qua các thuật toán được hỗ trợ trí tuệ nhân tạo. Bajpayee cho biết công ty mình sử dụng cực ít, thậm chí “một số trường hợp” còn không sử dụng bất kỳ hóa chất nào trong quá trình xử lý.
Theo BI, Gradiant đã thu hút sự chú ý từ ngành công nghiệp khai thác mỏ vốn rất quan trọng với công cuộc điện khí hóa. Ở Nam Mỹ, lithium được khai thác trong các bãi muối. Toàn bộ quá trình sử dụng rất nhiều nước, vậy nên ảnh hưởng tiêu cực đến những khu vực thường xuyên phải đối mặt với hạn hán.
Thay vì chiết xuất nước ngọt từ dung dịch nước mặn, Gradiant có thể thu hồi lithium từ nước muối và để lại nước khoáng sạch. Quá trình này được gọi là khai thác lithium trực tiếp.
Iris ten Have, trưởng nhóm khoa học tại công ty đầu tư mạo hiểm Extantia, cho biết khai thác khoáng sản từ nước muối đòi hỏi ít năng lượng và chi phí hơn so với khai thác truyền thống. Magiê và kali cũng có thể được chiết xuất theo cách này.
“Nước muối chứa nhiều khoáng chất hòa tan, tạp chất và chất gây ô nhiễm”, ten Have nói, đồng thời cho biết việc tách và tinh chế đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật.
Được thành lập cách đây một thập kỷ, Gradiant là một trong số rất ít công ty dành được sự quan tâm của giới đầu tư. Hội nghị về nước thế hệ đầu tiên của Liên Hợp Quốc vào năm 2023 đã nêu bật được tình trạng báo động.
Một số startup nổi bật khác có thể kể đến như Waterplan, được hậu thuẫn bởi Leonardo DiCaprio và Y Combinator, giúp các doanh nghiệp giám sát và giảm thiểu nước trong quá trình sản xuất.
Lindsey Higgins, trưởng nhóm nghiên cứu tại quỹ đầu tư công nghệ khí hậu Pale Blue Dot, cho biết: “Công nghệ nước giúp đảm bảo nguồn tài nguyên quan trọng, đồng thời góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu. Ngày nay, tình trạng khan hiếm nước trên toàn cầu đang định hình lại nhận thức con người. Chúng ta mới chỉ đang chứng kiến khởi đầu của sự đổi mới. Tôi tin rằng Gradiant sẽ không phải là kỳ lân cuối cùng hoạt động trong lĩnh vực này”.
Theo: BI