Gaokao - kỳ thi ĐH khốc liệt nhất thế giới ở Trung Quốc: Gian lận phạt tù 7 năm, nữ sinh phải uống thuốc hoãn kinh nguyệt để dự thi
Tại Trung Quốc, kỳ thi Đại học kinh khủng đến mức cha mẹ chi rất nhiều tiền cho con cái ôn thi từ... cấp 1; con thi xong là cha mẹ lôi nhau ra toà ly dị vì coi như hết trách nhiệm.
Tại các nước Châu Á, áp lực học hành và phải thi đỗ vào trường top bao giờ cũng rất căng thẳng, có thể nói là khắc nghiệt nhất thế giới. Tại Ấn Độ, thi Đại học có tỷ lệ chọi còn cao hơn cả Harvard, hay như tại Hàn Quốc, Trung Quốc, đây là kỳ thi sinh tử, quyết định số phận và tương lai của một đời người.
Mỗi kỳ thi chỉ diễn ra trong 1 ngày, nhưng quá trình ôn luyện diễn ra hàng năm trời, thậm chí có những người dành cả đời người để ôn thi và thi đến lần thứ 10 vẫn không đỗ đại học. Khoảng cách quá xa vời và vô cùng nghiệt ngã giữa kỳ vọng của mỗi người và thực tế điểm số nhận được khiến nhiều người trẻ tự tử, quyên sinh, bỏ lại gia đình, thanh xuân, cuộc đời.
Học sinh các nước này lớn lên, trưởng thành trong sự cô độc vì họ chỉ biết vùi đầu vào học, vùi đầu vào sách vở, không biết đến thế giới ngoài ra ra sao. Lối sống tách biệt này dẫn đến tình trạng trầm cảm, tự kỷ và tự tử!
Hôm nay, khi chứng kiến kỳ thi đầy nghiệt ngã của gần 600.000 học sinh Hàn Quốc, người ta lại bàn về Gaokao (Cao khảo) kỳ thi Đại học được xếp vào hàng khó, khốc liệt, kinh khủng nhất thế giới tại Trung Quốc.
Hình ảnh học sinh cặm cụi ôn thi cùng những chồng sách, tài liệu cao hơn đầu trong các lớp học ở Trung Quốc
Gaokao bao gồm 4 môn thi, mỗi môn 3 tiếng: Tiếng Trung, tiếng Anh, Toán và một môn khoa học tự chọn (Sinh học, Hóa học, Vật lý) hoặc một môn xã hội tự chọn (Địa Lý, Lịch sử, Chính trị). Đề chủ yếu là câu hỏi trắc nghiệm và điền vào chỗ trống, nổi tiếng là rất khó. Đề Toán được so sánh với chương trình cấp đại học ở Anh. Tuy nhiên, đối với nhiều sinh viên, đáng sợ nhất là bài luận.
Những sinh viên Trung Quốc có điểm số cao trong kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia (gaokao) của Trung Quốc giờ đây có thể đăng ký các chương trình cử nhân của Đại học Birmingham mà không phải làm thêm các bài kiểm tra.
Khoảng 10 triệu học sinh tham dự kỳ thi này hàng năm, nhưng chỉ 2% trong số đó được nhận vào 38 trường đại học hàng đầu của Trung Quốc, và chỉ 0,05% vào được Thanh Hoa và Bắc Kinh – được coi là Oxbridge (Oxford và Cambridge) của Trung Quốc.
Khung cảnh đông khủng khiếp ở một nơi cầu nguyện trước kỳ thi Gaokao
Ôn thi Đại học từ khi còn học lớp 1. Con thi xong Đại học là cha mẹ lôi nhau ra toà ly dị
Số lượng sĩ tử bước vào vào kỳ thi Đại học ở Trung Quốc lên đến 10 triệu người mỗi năm, tỷ lệ chọi cũng cao khủng khiếp. Gaokao là kỳ thi sẽ trực tiếp xác định xem mỗi học sinh sẽ được ngồi ở trường đại học nào, nói một cách "phũ phàng", nó sẽ quyết định học sinh sẽ trở thành công nhân hay nhân viên bàn giấy trong một vài năm tới.
Trong thời đại ngày nay, có rất nhiều nghề có mức lương và khả năng thăng tiến mà chẳng cần học Đại học nhưng cha mẹ Trung Quốc vẫn muốn con theo học ở một ngôi trường nào đó, có một tấm bằng trong tay, nó như một tấm vé thông hành, một thứ khẳng định tầm vóc của gia đình, trí tuệ của cả dòng họ. Học sinh Trung Quốc nhiều khi chẳng phải học cho mình, họ học cho bố mẹ vui lòng, học để hoàn thành giấc mơ con chữ dở dang mà đấng sinh thành ra mình không thể hoàn thành thuở còn trẻ.
Đấu trường sinh tử mang tên "Thi Đại học"
Học sinh vừa thở bình oxy vừa ôn bài trong căn phòng thiết kế hình con nhộng
Cha mẹ tin rằng nếu con cái bắt tay vào ôn luyện Đại học càng sớm thì khả năng đỗ đạt càng cao. Họ cho con mình theo học ở các trung tâm luyện thi Đại học khi chúng chỉ mới học lớp 1, lớp 2. TAL - một nhà cung cấp dịch vụ học thêm lớn nhất Trung Quốc dù đã ra đời từ rất lâu nhưng vẫn ăn nên làm ra, họ có các trung tâm ở 36 thành phố trên khắp Trung Quốc với gần 4 triệu học sinh học trực tiếp và hơn 35 triệu người dùng online.
Lịch học điển hình của một học sinh Tiểu học ở TAL là: mỗi tuần có 4 tiếng để tập piano, 4 tiếng để tập cầu lông, 2 tiếng học tiếng Anh và ít nhất 6 tiếng học Toán và các môn học khác ở TAL.
Nếu cuộc sống giống như một cuộc thi chạy marathon, người Trung Quốc chúng tôi luôn cố gắng giành chiến thắng ngay từ vạch xuất phát
Chị Milanie Shi, một bà mẹ Trung Quốc
Việc luyện thi ở các lớp học thêm ở Trung Quốc có giá chẳng hề rẻ, thậm chí giá càng thấp, phụ huynh càng nghi ngờ về chất lượng giảng dạy nên không cho con theo học. Ai cũng muốn con mình được những giáo viên hàng đầu giảng dạy, truyền tải những kiến thức chuẩn xác nhất để thi đâu đỗ đó. Cha mẹ có thể còng lưng làm việc, nhịn ăn nhịn mặc nhưng việc đầu tư cho con cái học, họ chẳng bao giờ tiếc một đồng.
Gia sư cho học sinh Trung Quốc ôn thi Đại học được gọi là "vú em", thường là các sinh viên có kết quả học tập rất tốt. Họ sẽ chuyển tới sống cùng các học sinh trước kì thi. Các sinh viên được trả mỗi ngày khoảng 45$ (gần 1 triệu đồng) để trao đổi bài vở và thức cùng học sinh trong thời gian ôn thi.
Những hình ảnh được ghi lại ở lò ôn thi đại học lớn nhất châu Á - Trước cổng Trung học Mao Thản Hán (Trung Quốc) cho thấy cha mẹ mang cơm đến tận cổng trường, các bạn học sinh chạy ra ăn liền trong 1, 2 phút rồi quay lại phòng học học tiếp.
Cha mẹ mang cơm cho con ôn thi Đại học ở Trung Quốc. Sĩ tử ăn vội vàng 1, 2 phút rồi quay vào học tiếp.
Con thi, cha mẹ ở bên ngoài cầu nguyện
Maotanchang được coi là nơi luyện thi Gaokao tốt nhất tại Trung Quốc. Có khoảng 20,000 học sinh, gấp 4 lần dân số của thành phố, đến đây mỗi năm để tham dự khóa luyện thi tại trường trung học phổ thông Maotanchang, An Huy.
Số tiền phải chi trả cho một khóa học cũng không rẻ, lên tới hơn 170 triệu đồng. Học sinh tới đây không được phép sử dụng điện thoại và máy tính. Khu vực ký túc xá cũng được thiết kế đặc biệt chỉ để tập trung cho việc học. Không hề có một dịch vụ giải trí nào trong thành phố và học sinh không có lựa chọn nào khác khi tới đây, ngoài học.
Khi kì thi quốc gia của Trung Quốc kết thúc, tỉ lệ ly dị của các cặp vợ chồng tại đất nước này tăng vọt đột biến. Đây không phải là một điều quá đỗi ngạc nhiên, vì thậm chí còn có hẳn một “hội ly dị sau gaokao” dành cho các cặp vợ chồng sau khi “đường ai nấy đi”.
Gaokao là thời điểm căng não nhất đối với các bạn thí sinh cũng như các bậc phụ huynh. Theo hãng truyền thông Trung Quốc Global Times, các bậc cha mẹ không muốn “tích tụ” thêm bất kì nguồn năng lượng tiêu cực nào vào tâm trí con cái của mình. Do đó, họ tạm hoãn lại cuộc ly hôn của mình vì những đứa con.
Các bậc phụ huynh trì hoãn vấn đề ly dị vì họ hoàn toàn cảm thấy hoàn thành trách nhiệm làm cha làm mẹ chỉ sau khi kì thi "gaokao" đầy khắc nghiệt kết thúc.
Kể từ khi kì thi quốc gia kết thúc, mọi người xếp hàng đợi đến lượt mình để lấy hồ sơ ly dị
Các nữ sinh uống thuốc hoãn kinh nguyệt vì sợ ảnh hưởng đến kỳ thi. Thí sinh gian lận bị phạt tù 7 năm
Có rất nhiều phương pháp dự thi oái oăm đã được áp tại đất nước này vào thời điểm thi Gaokao. Điển hình có thể kể tới như: uống thuốc tăng trí nhớ, tiêm thuốc tăng khả năng tập trung,… Thậm chí, còn có những thí sinh nữ, vì lịch thi trùng với kỳ kinh nguyệt, nên đã phải uống thuốc làm chậm chu kỳ gây ảnh hưởng rất xấu cho sức khỏe sinh sản. Trớ trêu nhất là rất nhiều phụ huynh đặt phòng khách sạn gần trường để con cái nghỉ ngơi giữa các bài thi. Nhiều người còn cầu nguyện bên ngoài phòng thi hay chặn đường quanh điểm thi để hạn chế tiếng ồn.
Không khí thi cử tại Trung Quốc cũng được coi là căng thẳng bậc nhất thế giới. Trong những ngày đầu tháng Sáu, các công trình xây dựng gần điểm thi phải tạm hoãn thi công, giao thông cũng được chuyển hướng để tránh làm phiền thí sinh. Xe cứu thương túc trực bên ngoài phòng trường hợp thí sinh suy sụp do căng thẳng thần kinh, cảnh sát đi tuần tra để giữ cho đường phố yên tĩnh.
Học sinh chong nến, thức trắng đêm ôn thi
Học sinh Trung Quốc có truyền thống xé sách vở trước mỗi kỳ thi Đại học để giải toả áp lực
Sách vở xé trắng trời. Chính phủ Trung Quốc đã có rất nhiều biện pháp ngăn cấm điều này
Năm 2016 là năm đầu tiên mà các trường hợp gian lận thi cử sẽ bị phạt tù từ 3-7 năm. Có thể nói, đây là một trong những biện pháp mạnh tay trong một kỳ thi, không chỉ tại riêng Trung Quốc mà trong toàn khu vực.
Các nhà chức trách cũng đã chuyển sang áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong cuộc chiến chống gian lận. Máy bay không người lái và camera hồng ngoại được sử dụng trong nhiều năm nhằm phát hiện các thiết bị được đưa vào phòng thi. Một số tỉnh đang áp dụng biện pháp nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn những người đi thi hộ bởi một số kẻ lừa đảo những năm trước thậm chí còn sử dụng màng phủ vân tay để đánh lừa máy quét.
Trung Quốc thắt chặt an ninh thi cử, sử dụng đến các biện pháp công nghệ cao như máy bay không người lái, máy dò kim loại, máy quét vân tay và máy quét nhãn cầu.
Những hình thức gian lận siêu tinh vi trong kỳ thi Gaokao ở Trung Quốc
Gần 10 triệu thí sinh dự thi nên những ngày diễn ra kỳ Gaokao là những ngày đông đúc, chật chội ở đường phố
Cuộc đời của mỗi người là do họ tự quyết định thế nhưng ở Hàn Quốc, Trung Quốc hay nhiều nơi khác, con cái học hành, cố gắng đỗ đạt chỉ để cho bố mẹ vui lòng. Thực trạng này đang bị xã hội lên án, các quốc gia cũng đang ngày càng cố gắng để kỳ thi Đại học không còn là nỗi ám ánh với học sinh nhưng xem ra vấn đề này còn là một vấn đề dài lâu, cần sự chung tay của cả xã hội, mỗi người nâng cao nhận thức một chút mới có thể thay đổi được.