Gần 67% đại biểu Quốc hội không đồng ý chuyển quyền cấp bằng lái xe sang Bộ Công an

17/11/2020 15:06 PM | Xã hội

Sáng 17/11, đa số đại biểu Quốc hội đã không đồng ý với các đề xuất tách Luật Giao thông Đường bộ thành hai luật và chuyển thẩm quyền quản lý sát hạch lái xe sang Bộ Công an.

Sáng 17/11, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về một số nội dung của hai luật được tách từ Luật Giao thông đường bộ hiện hành là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm an toàn trật tự giao thông đường bộ.

Kết quả xin ý kiến về việc có tách thành hai luật hay không, số đại biểu đồng ý là 104, tương đương 25,12% trên số phiếu và chiếm 21,62% trên tổng số đại biểu Quốc hội.

Số đại biểu không đồng ý tách luật là 302, tương đương, 72,95% trên tổng số phiếu và 62,79% tổng số đại biểu Quốc hội. Không chọn phương án và ý kiến khác chủ có 20 đại biểu.

Nội dung thứ hai được nêu ra trong phiếu xin ý kiến là việc chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an.

Kết quả cho thấy, có 86 phiếu chọn phương án đồng ý chuyển, chiếm 20,77% trên tổng số phiếu và 17,88% tổng số đại biểu Quốc hội.

 Gần 67% đại biểu Quốc hội không đồng ý chuyển quyền cấp bằng lái xe sang Bộ Công an  - Ảnh 1.

Số đại biểu chọn phương án không đồng ý chuyển cao hơn rất nhiều là 321 phiếu, chiếm 77,54% trên tổng số phiếu, tương đương 66,74% tổng số đại biểu Quốc hội.

Nội dung thứ ba được đưa ra lấy phiếu thăm dò là việc chuyển dự thảo luật này sang xem xét tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội nhiệm kỳ sau (khoá XV).

Kết quả, có 251 phiếu xin ý kiến thể hiện quan điểm tán thành phương án này, chiếm 60,63% số phiếu lấy ý kiến, tương đương 52,18% tổng số đại biểu Quốc hội.

Trước đó, ngày 16/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Trong phiên thảo luận, rất nhiều ý kiến ĐBQH đồng tình với việc sửa đổi thống nhất những bất cập trong Luật Giao thông đường bộ hiện hành thay vì tách thành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

So với Luật Giao thông đường bộ 2008, nội dung bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ được tách ra để xây dựng thành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) tập trung quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ và quản lý Nhà nước về giao thông đường bộ.

ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng, việc tách ra làm 2 luật, trước hết không phù hợp với chủ trương của Đảng về việc nhằm tập trung phát huy lực lượng quân đội, công an chính quy.

Trước ý kiến cho rằng chất lượng công tác đào tạo, sát hạch lái xe còn tồn tại là nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn giao thông nên cần phải chuyển sang Bộ công an, ông Sinh bày tỏ quan điểm không ủng hộ.

Theo Hoàng Đan

Cùng chuyên mục
XEM