Bộ Công an: Data của 41 triệu người Việt bị rao bán, 2.600 cổng thông tin, tên miền .vn bị tấn công, ngay cả cổng TTĐT của Bộ Công an cũng bị giả mạo

17/11/2020 09:50 AM | Công nghệ

"Hoạt động tấn công mạng ở Việt Nam diễn ra trong năm 2020 ngày càng phức tạp, với rất nhiều thủ đoạn tinh vi hơn", Đại tá Nguyễn Ngọc Cương, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, chia sẻ.

"Tất cả những chuyện chúng ta hình dung trước đây về những nguy cơ hacker tấn công, và những kịch bản chúng ta mường tượng ra, từ tấn công hàng không, tấn công vào hệ thống tài chính, rồi nhà máy điện hạt nhân... Tất cả những cái chúng ta dự tính trước đây, cơ bản đã thành sự thật", Đại tá Nguyễn Ngọc Cương, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, chia sẻ.

Tham dự sự kiện Vietnam Security Summit 2020, Đại tá Cương cho biết tình hình an ninh mạng Việt Nam năm 2020 có nhiều vấn đề nổi cộm.

Cụ thể, hoạt động tấn công mạng ở Việt Nam diễn ra trong năm 2020 ngày càng phức tạp, với rất nhiều thủ đoạn tinh vi hơn. Tin tặc đã sử dụng rất nhiều mã độc được cải tiến, tập trung nhằm vào các cơ quan tổ chức doanh nghiệp và Chính phủ.

Bộ Công an đã phát hiện 2.600 cổng thông tin, tên miền ".vn" bị tấn công. Đặc biệt, hoạt động giả mạng các cổng thông tin của Nhà nước, lực lượng công an để đánh cắp dữ liệu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra thường xuyên, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan công an.

"Ngay cả Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an cũng bị kẻ xấu giả mạo để đưa thông tin của nước ngoài vào", Đại tá Cương cho biết.

Bộ Công an: Data của 41 triệu người Việt bị rao bán, 2.600 cổng thông tin, tên miền .vn bị tấn công, ngay cả cổng TTĐT của Bộ Công an cũng bị giả mạo - Ảnh 1.

Đại tá Nguyễn Ngọc Cương, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an. Ảnh: ICTNews.

Hoạt động tấn công mạng, cài cắm mã độc, gián điệp kinh tế, lộ mất thông tin dữ liệu tại hệ thống thông tin của các công ty, tập đoàn tài chính tiếp tục được phát hiện. Đặc biệt, khi Covid-19 diễn ra, người dân sử dụng nhiều dịch vụ trực tuyến tại nhà, Bộ Công an đã phát hiện 2 vụ tấn công mã độc, trong đó đính kèm email chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về công tác phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, tội phạm cũng sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự, an toàn xã hội. Trong 2020 diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương và cả nước.

"Chúng tôi thống kê có tới 540 vụ lừa đảo tại 56 địa phương với thủ đoạn giả danh lực lượng công an. Dù cảnh báo rất nhiều nhưng vẫn tiếp diễn, hàng ngày chúng tôi vẫn phải xử lý", Đại tá Cương cho biết.

"Đối tượng giả danh là công an, cơ quan thực thi pháp luật, gọi điện chuyển bưu kiện để người bị hại nhận được, nói rằng "phải chuyển đến tài khoản này cho cơ quan công an giám sát, khi không có vấn đề gì thì tiền được trả lại"".

Tình hình mua bán, lộ, lọt dữ liệu cá nhân diễn biến rất phức tạp. 

Trong tháng 3/2020, Bộ Công an đã phát hiện gói dữ liệu được rao bán gồm 41 triệu người dùng trên mạng xã hội, mà theo ông Cương, chứa những thông tin tuy không bí mật, nhưng nếu rơi vào tay tội phạm sẽ gây nhiều thiệt hại cho người dùng. 

Những thông tin về tài khoản, họ tên người dùng, ngày sinh, địa chỉ, email… cũng được rao bán trên không gian mạng.

Trong thời buổi khó khăn kinh tế trong Covid-19, thủ phạm càng không từ mọi thủ đoạn, lợi dụng bất cứ cái gì có thể lợi dụng, kể cả từ thiện nhân đạo, để chiếm đoạt tiền.

Đại tá Cương nhắc lại câu chuyện một cá nhân đã lừa đảo làm từ thiện để chiếm đoạt 100 triệu đồng của vợ một nạn nhân tử vong trong vụ thủy điện Rào Trăng.

"2021 dự báo sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi Covid-19, kinh tế khó khăn, cho nên tiền vẫn là đích nhắm của tội phạm".

"Hacker gia tăng tấn công có chủ đích vào dữ liệu, sử dụng nhiều mã độc mới, mục tiêu nhằm vào cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp lớn, đặc biệt các ngân hàng", Đại tá Cương chia sẻ và nhấn mạnh: Những thế mạnh của nền kinh tế số như IoT (Internet of Things) là mối de dọa rất lớn. Dữ liệu nằm trên đám mây, đi qua các quốc gia khác nhau, và mỗi quốc gia lại có một chính sách khác nhau, trong khi thời gian bảo tồn trên không gian mạng không nhiều, gây khó khăn cho quá trình điều tra.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM