Gần 25 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam trong 9 tháng
Việt Nam tiếp tục là điểm đến quan trọng của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI và được thể hiện qua số vốn thu hút liên tục tăng.
Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 9 tháng qua đạt gần 25 tỷ USD, tăng hơn 11,6% so với cùng kỳ. Không ít các tập đoàn lớn trên thế giới đã cam kết và từng bước thực hiện cam kết, biến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất lớn trong chuỗi toàn cầu của họ.
Lựa chọn một doanh nghiệp đã có lịch sử 35 năm phát triển là đối tác tại Việt Nam, Tập đoàn này có mục tiêu xây dựng ở đây trung tâm sản xuất lớn để chiếm lĩnh thị trường khu vực, cung cấp sản phẩm cho hệ thống toàn cầu với dự kiến đến năm 2028 đạt khả năng sản xuất 3 tỷ sản phẩm/năm. Để làm được điều đó, doanh nghiệp đã liên tục rót vốn vào nghiên cứu và phát triển.
Ông Stéphane Jacqmin - Phó Chủ tịch cấp cao Điều hành thị trường mới nổi, Tập đoàn STADA cho biết: "Ưu tiên đầu tư nghiên cứu của chúng tôi tại Việt Nam là hướng đến sự cam kết chăm sóc cộng đồng, qua đó nâng vị thế của Việt Nam thành một trung tâm sản xuất tiêu chuẩn cao, với khả năng đáp ứng cho cả thị trường trong nước và cho xuất khẩu".
Các quy định pháp lý về đầu tư kinh doanh được hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư
FDI không chỉ là nguồn lực tài chính mà còn là nguồn lực công nghệ, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Giải ngân vốn FDI đạt 17,3 tỷ USD, đạt giá trị cao nhất cùng kỳ 5 năm qua. Nhưng muốn tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư, chính chúng ta cũng phải cải thiện mạnh mẽ về nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.
Đây là khu vực thi công hầm nút giao Phú Thứ, trên cao tốc Bắc Nam, một trong 4 nút giao của tỉnh Hà Nam, kết nối liên thông trực tiếp với đường vành đai 5 vùng Thủ đô và Cao tốc Bắc - Nam, tạo sự đồng bộ giao thông, logistics giữa các khu, cụm công nghiệp của tỉnh với các tỉnh thành trong vùng, sân bay, cảng biển. Đây là thỏi nam châm thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Trần Xuân Dương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam nhận định: "Tỉnh đã đầu tư nhiều tuyến kết nối từ phía Đông sang phía Tây, các tuyến đường dọc trục theo quy định của Chính phủ, phát triển hệ thống đường gom đường cao tốc kết nối giữa các tuyến đường Trung ương đầu tư cũng như các tuyến đường do địa phương đầu tư".
Cùng với chính sách khuyến khích đầu tư, các quy định pháp lý về đầu tư kinh doanh đang được sửa đổi, hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra nhận định: "Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động tham mưu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Đầu tư công, kịp thời tháo gỡ khó khăn về thể chế, pháp luật, khơi thông phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội, giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc cấp bách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát".
Theo các tổ chức quốc tế, ba yếu tố là kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, chiến lược đa dạng hoá chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất toàn cầu tiếp tục giúp Việt Nam thu hút vốn FDI khả quan cả năm nay.