Gần 1,5 triệu tỷ vốn đầu tư “rót” vào nền kinh tế năm 2016

30/12/2016 09:25 AM | Kinh tế vĩ mô

Vốn đầu tư vào nền kinh tế từ nhà nước, tư nhân và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài bằng 33% GDP cả nước...

Báo cáo thống kê tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 của Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng 28/12 cho thấy, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đầu tư vào nền kinh tế năm 2016 đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2015 và bằng 33% GDP.

3 nguồn rót vốn lớn nhất là vốn khu vực Nhà nước đạt 557.500 tỷ đồng, chiếm 37,6% tổng vốn và tăng 7,2%; vốn khu vực ngoài Nhà nước đạt 579.700 tỷ đồng, chiếm 39% và tăng 9,7%; vốn khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 347.900 tỷ đồng, chiếm 23,4% và tăng 9,4%.

"Tình hình thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước những tháng cuối năm đạt khá. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân các công trình dự án theo chỉ đạo của Chính phủ và Quốc hội”, báo cáo nêu.

Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện năm 2016 ước tính đạt 268.600 tỷ đồng, bằng 97,8% kế hoạch năm và tăng 15,1% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn Trung ương quản lý đạt 62.600 tỷ đồng, tăng 14,9% so với năm trước.

Về nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến 26, Việt Nam đã thu hút 2.556 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 15,2 tỷ USD, tăng 27% về số dự án và giảm 2,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Ngoài ra, có 1.225 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 5,76 tỷ USD, tăng 50,5% về số dự án và giảm 19,7% về vốn tăng thêm so với cùng kỳ.

Trong năm 2016 có 2.547 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần (với tỷ lệ vốn lớn hơn 50% vốn điều lệ hoặc thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện) với tổng vốn đầu tư là 3.425,3 triệu USD.

Như vậy, tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần trong năm 2016 đạt 24,37 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm trước.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2016 ước tính đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015, đạt mức giải ngân vốn FDI cao nhất từ trước đến nay.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 9,8 tỷ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,5 tỷ USD, chiếm 10,1%; ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 367 triệu USD, chiếm 2,4%…

Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước và góp vốn, mua cổ phần thì tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm nay đạt 15,5 tỷ USD USD, chiếm 63,8% tổng vốn đăng ký.

Cả nước có 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong năm 2016, trong đó Hải Phòng có số vốn đăng ký lớn nhất gần 2,5 tỷ USD, tiếp đến là Hà Nội 1,9 tỷ USD, chiếm 12,7%, Bình Dương 1,6 tỷ USD, chiếm 10,7%…

Trong số 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam năm nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 5,5 tỷ USD, tiếp đến là Singapore với 1,59 tỷ USD; Trung Quốc 1,26 tỷ USD...

Tổng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi ký kết trong năm 2016 ước tính đạt 5,38 tỷ USD, tăng 39,7% so với năm 2015. Giá trị giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi từ đầu năm đến 21/12/2016 đạt khoảng 3,5 tỷ USD.

Ước tính cả năm 2016, giải ngân ODA và vốn vay ưu đãi đạt 3,7 tỷ USD, bằng 80,4% mức giải ngân năm 2015.

Theo Bạch Dương

Cùng chuyên mục
XEM