Gần 1,1 triệu người đã chết, nhưng Covid-19 còn khiến một loài vật khác bị tàn sát tới cả triệu con

15/10/2020 16:03 PM | Xã hội

Phần lớn con số 1 triệu ấy không chết vì virus, mà là do loài người xuống tay.

Ở thời điểm hiện tại, đại dịch toàn cầu Covid-19 đã tước đi sinh mạng của gần 1,1 triệu người (tính đến ngày 15/10), và lây nhiễm cho hơn 29 triệu người trên thế giới. Sự nguy hiểm Covid-19 đã quá rõ ràng, chẳng ai có thể phủ nhận nữa.

Tuy nhiên, con người không phải sinh vật duy nhất chịu ảnh hưởng từ đại dịch lần này. Còn một loài vật nữa cũng đang bị chết hàng loạt với số lượng hàng chục ngàn, và ước tính lên tới cả triệu con. Đó là chồn.

Gần 1,1 triệu người đã chết, nhưng Covid-19 còn khiến một loài vật khác bị tàn sát tới cả triệu con - Ảnh 1.

Chồn nuôi trong các trang trại đang bị tàn sát hàng loạt

Theo NBC News ghi nhận, có khoảng 10.000 con chồn trong các trang trại tại bang Utah (Mỹ) đã chết, và con số ở châu Âu thậm chí còn kinh khủng hơn nữa. Ví dụ như tại Tây Ban Nha, ít nhất 92.000 con chồn đã tử vong, với ước tính tỉ lệ nhiễm virus lên tới 90%. Riêng tại Hà Lan, con số chồn bị tiêu diệt thậm chí có thể gây ám ảnh: lên tới hơn 1 triệu con.

Cần nói cho rõ rằng phần lớn số này không chết vì virus, mà do con người xuống tay. Nhưng nhiều người cho rằng đây là điều bắt buộc bởi nỗi lo chồn sau khi nhiễm virus có thể lây ngược cho con người. Dẫu vậy theo Maria Van Kerkhove, chuyên gia dịch tễ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rủi ro nhiễm Covid-19 từ động vật đang dừng ở mức rất hạn chế.

Với trường hợp bang Utah, ở đây có khoảng 9 trang trại nuôi chồn lấy lông, và số chồn ở đây được cho là đã nhiễm virus do chủ nuôi mắc bệnh.

Gần 1,1 triệu người đã chết, nhưng Covid-19 còn khiến một loài vật khác bị tàn sát tới cả triệu con - Ảnh 2.

WHO cho biết, Covid-19 gây ảnh hưởng đến chồn tương tự như với con người, gây ra các triệu chứng về hô hấp và thường sẽ nặng hơn đối với các cá thể cao tuổi. Trên thực tế, các loài vật họ chồn đều được nhận định có rủi ro nhiễm virus corona.

"Chồn xuất hiện dấu hiệu thở há miệng, mũi và mắt chảy nước, nhưng có vẻ không đổ bệnh trong nhiều ngày trước khi tử vong," - Dean Taylor, bác sĩ thú y tại Utah cho biết. Còn theo Tom Baldwin, nhà nghiên cứu bệnh học của ĐH Bang Utah, phổi của những cá thể chết bệnh thường "ẩm ướt, nặng nề và sưng tấy". Nó tương tự như chứng viêm phổi và trùng khớp với những khám nghiệm tại châu Âu.

Các nhà khoa học hiện tại đang cố gắng tìm hiểu về khả năng các loài vật lây virus ngược lại cho con người. Điều này không phải chưa từng xảy ra, nhưng WHO nhận định rủi ro là rất thấp (thấp hơn rất nhiều so với lây từ người sang người).

Tuy nhiên, việc lây truyền từ người sang các loài khác thì có thể, và nó vô tình gây ra thảm kịch đối với loài chồn được nuôi trong các trang trại.

Nguồn: Science Alert

JD

Cùng chuyên mục
XEM