G20 có thể sẽ đánh thuế giao dịch tiền số
Các quốc gia nhóm G20 đang hướng đến đồng thuận rằng tiền số không phải là tiền, nhưng là tài sản. Điều đó có nghĩa rằng các giao dịch tài sản phải bị đánh thuế.
Hôm nay và ngày mai tại thủ đô Buenos Aires, Argentina sẽ diễn ra hai cuộc họp bàn về vấn đề tiền số .
Klaas Knot - Thống đốc Ngân hàng trung ương Hà Lan cho biết: "Bạn có thể gọi chúng là tài sản số hóa, token số hóa, nhưng chắc chắn không phải là tiền - hãy rõ ràng điều đó". Ông Knot cũng đang là chủ tịch ban tiêu chuẩn đánh giá tính dễ bị tổn thương trực thuộc FSB. "Tôi không cho rằng bất cứ sản phẩm số hóa nào thỏa mãn 3 vai trò của tiền tệ trong nền kinh tế".
Thực tế ở Mỹ đã chứng minh rằng chỉ một bộ phận nhỏ giao dịch được thực hiện bằng đồng tiền số. Theo Credit Karma, chưa đến 100 trong số 250.000 tờ khai thuế liên bang đầu tiên được đệ trình trong tháng 2/2018 có liên quan tới một khoản lợi nhuận hoặc lỗ từ tiền số.
Khoảng nửa năm trước, câu chuyện về tiền số chỉ có một vài quan chức trong G20 để mắt tới, nhưng giờ đây thật khó để ngó lơ một cuộc thảo luận nghiêm túc, đầy đủ về loại sản phẩm tài chính này trong năm nay, sau một đà tăng giá chóng mặt hồi cuối năm ngoái và đà giảm giá mạnh đầu năm nay.
Sức hấp dẫn của tiền số đã thu hút được làn sóng đầu tư đông đảo từ khắp các quốc gia trên thế giới, kéo theo những lo lắng về rửa tiền, tội phạm mạng, đầu cơ phi mã và nhiều vấn đề khác.
Ủy ban Ổn định Tài chính (FSB) do Thống đốc NHTW Anh đứng đầu - ông Mark Carney ngày hôm qua đã gửi thư đến các Bộ trưởng Tài chính và NHTW trong nhóm G20. Phía này nhận định rằng tiền số không gây rủi ro cho thị trường tài chính.
Các quốc gia G20 cũng đang mong muốn thiết lập một khuôn khổ pháp lý quốc tế trong khi ngành công nghiệp tiền số vẫn đang trong giai đoạn đầu, hy vọng tránh lặp lại trường hợp khó đánh thuế như gã khổng lồ công nghệ Alphabet.
Sau đây là quan điểm của một số quốc gia thành viên G20 trong thời gian qua:
- Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh cấm các giao dịch với đồng tiền số do chính phủ Venezuela phát hành.
- Thống đốc NHTW Brazil tuyên bố tại G20 rằng: "Tiền số có tính chất tài sản nhiều hơn là tiền tệ".
- Bộ Tài chính Anh cùng với NHTW Anh và Cơ quan Quản lý Tài chính đang thiết lập một nhóm đặc nhiệm nhằm xem xét các rủi ro của tiền số.
- Thống đốc NHTW NHật Bản cũng tuyên bố cần phải ngăn chặn các giao dịch không thích hợp mang tính chất rửa tiền và bảo vệ người tiêu dùng cũng như nhà đầu tư. Bên cạnh đó, công nghệ mới như blockchain có thể có một hiệu quả tích cực.
- Bộ trưởng Tài chính Pháp cũng nhận định tiền số có tính chất của tài sản nhiều hơn là tiền. "Nếu chúng ta muốn bảo vệ người dân khỏi mọi hình thức đầu cơ hoặc rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố, chúng ta cần luật lệ".
- "Chức năng đầu tiên của tiền tệ là một phương tiện trao đổi ổn định và những gì mà tài sản số đang thể hiện này hôm nay không hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu đó", Thống đốc Cơ quan giám sát tiền tệ Ả-rập xê-út Ahmed Alkholifey cho biết tại hội thảo IIF bên lề các cuộc họp G20.