FPT mở toang cánh cửa vào ngành công nghiệp phần mềm ô tô
Tổng doanh thu của ngành công nghiệp ô tô đến năm 2030 đạt 6.700 tỷ USD, trong đó có tới 1.500 tỷ USD được đóng góp từ các dịch vụ sáng tạo dựa trên công nghệ mới.
Một trong những ngành được xem là có những thay đổi nhanh và mạnh mẽ nhất trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chính là công nghiệp ô tô với 90% sáng tạo thuộc về ứng dụng phần mềm. Theo dự báo của các hãng nghiên cứu, ngành công nghiệp này sẽ phát triển theo 4 xu hướng chính gồm tự động hóa, kết nối, xe điện và chia sẻ xe như một dịch vụ. Các xu hướng này sẽ mang đến sự thay đổi lớn chưa từng có và ngành công nghiệp ô tô truyền thống có thể bị “phá vỡ”.
Các hãng nghiên cứu cũng dự báo, tổng doanh thu của ngành công nghiệp ô tô đến năm 2030 đạt 6.700 tỷ USD, trong đó có tới 1.500 tỷ USD được đóng góp từ các dịch vụ sáng tạo dựa trên công nghệ mới. Đến năm 2030, 70% xe ô tô bán ra thị trường được tích hợp công nghệ tự lái.
Khi các phần mềm, ứng dụng mới làm chủ các sáng tạo của ngành công nghiệp ô tô thì các nhà sản xuất ô tô hiểu rằng, xe hơi không còn là “lãnh địa bất khả xâm phạm” của Ford, GM, Honda, Daimler, Toyota, Jaguar Land Rover hay Volkswagen nữa mà là lãnh địa của các công ty công nghệ.
Tại Việt Nam, sau 20 năm kể từ khi các liên doanh sản xuất ôtô đầu tiên xuất hiện, Bộ Công thương đã từng thừa nhận gián tiếp trong báo cáo rằng: mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô đã thất bại. Tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt bình quân 7-10% trong khi mục tiêu đặt ra là 60%. Gần đây nhất có sự ra đời của nhà máy sản xuất ô tô thương hiệu Việt, Vinfast nhưng câu chuyện vẫn còn ở thời tương lai.
Tuy nhiên, với sự dịch chuyển theo xu hướng nói trên, có thể xem FPT là công ty công nghệ đi đầu và có những đầu tư mạnh mẽ “mở lối” cho ngành công nghiệp phần mềm ô tô. Đầu năm 2016, FPT thành lập một công ty chỉ chuyên hoạt động trong lĩnh vực công nghệ ô tô với quy mô 700 người. FPT đầu tư hàng triệu USD cho nghiên cứu phát triển hầu hết các mảng quan trọng của lĩnh vực công nghệ này, trong đó tập trung chủ yếu vào 3 mảng chính gồm xe tự hành, hệ thống an toàn và hệ thống thông tin giải trí. Tập đoàn này cũng chi hàng tỷ đồng và thực hiện hàng loạt các hoạt động, chương trình tuyển dụng nhân sự từ hợp tác với các trường ĐH; hướng dẫn sinh viên thực tập, làm đồ án tốt nghiệp đến tổ chức các hội thảo công nghệ chuyên sâu…
Tháng 10/2017, bản đồ công nghệ ô tô thế giới có thêm một chấm sáng Việt Nam khi Tập đoàn công nghệ này chính thức đưa chiếc ô tô thương mại 4 chỗ tích hợp công nghệ tự hành do chính FPT nghiên cứu phát triển vào chạy thử nghiệm. Và vào thời điểm hiện tại, FPT đã nộp đơn xin phép để chiếc ô tô này có thể chạy thử nghiệm trên đường phố. Quy mô nhân sự của mảng công nghệ ô tô cũng đã đạt con số 2.000 người và trong năm nay, FPT dự định sẽ tuyển thêm khoảng 1.000 nhân sự nữa cho riêng mảng công nghệ này.
Không chỉ có vậy, theo người đứng đầu FPT Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình, “thường các đơn vị cung cấp phần mềm phải tự đi tìm "khách" nhưng với mảng công nghệ này, chúng tôi tự hào khi có một doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất ôtô của Nhật Bản tự tìm đến FPT để hợp tác phát triển phần mềm. Rồi một hãng ôtô lớn của Đức cũng mới nói với FPT rằng "chúng tôi cần bạn". Thậm chí, có một hợp đồng đối tác đề nghị ký kết với quy mô lớn ngay từ đầu".
Xe ô tô thương mại 4 chỗ đầu tiên tích hợp công nghệ xe tự hành do FPT nghiên cứu và phát triển chạy thử nghiệm trên thực tế
Hiện tại FPT đang triển khai các dự án liên quan đến công nghệ xe tự hành nói riêng và công nghệ ô tô nói chung cho khoảng 40 khách hàng lớn trên toàn cầu. Tập đoàn này kỳ vọng trong vòng 3 năm tới mảng công nghệ này đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 50-60%/năm. FPT còn đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, trải nghiệm công nghệ mới nhất trong lĩnh vực tự hành cho các bạn trẻ Việt Nam thông qua cuộc thi Cuộc đua số với chủ đề Xe tự hành. “Cuộc thi cuộc đua số là một trong những hành động để chia sẻ những cơ hội to lớn này với các bạn sinh viên VN, các bạn có thể theo đuổi và đóng góp một phần của mình cho sự thay đổi của ngành công nghiệp ô tô”, ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ FPT chia sẻ.