Founder Got It Hùng Trần: Ở Silicon Valley, có thời gian lúc nào cũng để 1.000 USD trong balo sẵn sàng về nước!
Một thời gian dài, trong balo của Hùng Trần, Founder Got It luôn có 1.000 USD. Số tiền này là để nếu startup bị phá sản, anh có tiền mua vé máy bay từ Mỹ về Việt Nam.
Hùng Trần đã có những chia sẻ rất thực tế cho các bạn sinh viên về quá trình khởi nghiệp tại SoICT Talk – Episode 2: Symphony of Startup do Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông, ĐH Bách Khoa tổ chức.
Là cựu sinh viên Bách khoa khoá 42, Hùng nói rằng trước đây khi tốt nghiệp chỉ nghĩ làm sao nhanh chóng kiếm việc làm vì khổ quá. "Bao giờ bố mẹ gửi tiền lên đầu tháng cũng phải dành tiền để mua thùng mỳ tôm, phòng cuối tháng đói", anh nhớ lại.
Tuy nhiên, khi bước vào thị trường lao động, mọi thứ không như Hùng tưởng tượng. Hùng từng có thời gian làm kỹ sư cho Vietkey, một nhóm công nghệ tương đối mạnh. Môi trường tương đối tốt, nhưng anh vẫn muốn tìm kiếm một thứ gì đó khác, vì thế, anh luôn thường trực câu hỏi: "Nếu không làm nữa thì đi đâu". Đi đâu ở đây có thể là làm cho công ty nước ngoài, nhưng tiếng Anh của Hùng lúc này không tốt.
"Đó là một giai đoạn gần như không lối thoát, không biết có nên tiếp tục làm việc ở đây không. Nếu nghỉ thì đi đâu… Cuối cùng lằng nhằng mãi mình quyết định nghỉ 1 năm để học tiếng Anh. Trước đó mình cũng nghĩ đến con đường du học nữa", Hùng Trần nói.
May mắn đã mỉm cười với Hùng khi anh nhận được học bổng của Chính phủ Mỹ. Với những lý tưởng ban đầu, khi đặt chân đến Mỹ, anh cho biết bản thân đã bị shock vì có nhiều sự khác biệt so với những thứ mà anh từng trải nghiệm: từ môi trường, con người, giáo dục…
"Mình quyết định dành hết tất cả thời gian để học những thứ mình không có cơ hội học ở Việt Nam", anh nói.
Năm thứ 2 ở Mỹ, bên cạnh chuyên ngành chính về công nghệ, Hùng lọ mọ sang trường kinh doanh để học thêm một số môn. Anh cũng có cơ hội tiếp xúc với các giáo sư, doanh nghiệp.... "Các ý tưởng liên quan đến khởi nghiệp cũng từ từ ngấm vào, chứ không phải bùng một cái mà mình nghĩ đến việc thành lập công ty", anh cho biết.
Hùng kể lại rằng ý tưởng khởi nghiệp của anh bắt đầu từ việc quan sát nhu cầu của các du học sinh.
"Đơn giản thôi, các bạn Việt Nam ra nước ngoài hay làm gia sư vì những công việc khác chỉ kiếm được 8 – 10 đồng/ giờ, còn làm gia sư thì được 50 đồng/giờ. Vì thế mình mới nghĩ là sao không xây dựng nền tảng công nghệ cho nhu cầu này. May mắn là nó hoạt động, có người đầu tư. Khi đi test thử ở các cuộc thi khởi nghiệp thì thắng tất cả các giải".
Năm 2013, khi tốt nghiệp Tiến sĩ, Hùng Trần mang startup sang Silicon Valley mà như anh bảo, đấy mới là thời điểm mọi thứ thực sự bắt đầu.
"Trải nghiệm từ đó đến giờ không như mọi người đọc trên báo đâu, công ty chết đi sống lại mấy lần. Có những giai đoạn không biết tuần sau mình còn tiền để hoạt động hay không", anh nói.
Bởi ở Mỹ, khi không còn tiền trong tài khoản ngân hàng, chủ doanh nghiệp buộc phải thông báo để nhân viên nghỉ. "Nhân viên không được đến văn phòng, nếu đến là mình vi phạm, bị bắt và có thể bị trục xuất ngay lập tức", Hùng Trần cho biết. "Nhiều khi cuối tuần mình phải đi đâu đấy xoay được 15.000 – 20.000 USD cho vào tài khoản để chiều chủ nhật không phải nói nhân viên thôi mai đừng đi làm nữa".
Một câu chuyện khác được anh nhắc lại là lý do một nhà đầu tư từ chối rót vốn vào Got It. Thời điểm đó, nhà đầu tư đã ở trạng thái 50/50. Tuy nhiên, họ quyết định rút lui vì: "Chưa thấy một startup Việt Nam nào sang mà thành công cả".
"Đó là những thứ rất shock. Sau này có nhà đầu tư khác rót vốn nhưng đó là thứ không giống những gì mọi người tửng tượng. Nó là cả quá trình".
Việc cạnh tranh ở Silicon Valley rất khốc liệt. Nhà đầu tư thường cam kết một khoản cho statup nhưng giải ngân theo giai đoạn. "Nếu đạt được tiêu chí đặt ra thì họ mới cung cấp tiền tiếp, nếu không thì lúc ấy vừa hết tiền cũ, vừa không có tiền mới là mình trắng tay hoàn toàn", Hùng nói.
Và nếu phá sản, theo Hùng, chủ doanh nghiệp buộc phải rời đi khỏi Mỹ trong 30 ngày. Do không biết công ty sẽ như thế nào, bản thân có xin được công việc mới trong 1 tháng nếu công ty phá sản hay không, nên trong balo của Hùng luôn có sẵn 1.000 USD, phòng trường hợp xấu nhất là vẫn còn tiền để về Việt Nam...
Khởi nghiệp, theo đó, với Hùng không phải là một chặng đường toàn màu hồng, dễ đi mà là cả một quá trình học hỏi và thử sức. Chính vì thế, anh nói với các bạn sinh viên rằng phải luôn tìm kiếm các cơ hội mới, phải mở rộng suy nghĩ, biến mình thành công dân toàn cầu để có thể làm việc ở bất cứ môi trường nào, với ai. "Những thứ đó sẽ khiến mình tạo ra được cơ hội xây dựng công ty", anh nhấn mạnh.
Got It ở thời điểm hiện tại đã có được một số thành công nhất định, ví dụ như có được 20 triệu USD tiền vốn, làm ra một số sản phẩm toàn cầu hay kết quả nghiên cứu của nhóm AI về xử lý giọng nói đứng thứ 4 thế giới, chỉ xếp sau Google, Microsoft và một công ty ẩn danh.
1.000 USD để dành mua vé máy bay trở lại Việt Nam nếu thất bại của Hùng Trần cũng được tiêu sạch, cho một bữa nhậu của cả nhóm, khi Got It gọi được vốn.