Forbes: Toàn cầu hóa do Trung Quốc dẫn đầu đang đến hồi kết

24/05/2020 07:32 AM | Xã hội

Xu thế toàn cầu hóa do Trung Quốc dẫn đầu chắc chắn sẽ phải thay đổi sau dịch Covid-19 cũng như chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Một số quốc gia sẽ là người giành phần thắng trong khi một số khác sẽ bị bỏ lại phía sau.

Hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng nếu làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 lần thứ 2 bùng phát tại Trung Quốc, nền kinh tế này sẽ gặp nhiều rắc rối, nhất là với các đối tác thương mại Phương Tây, vốn đóng vai trò chủ chốt trong hệ thống giao thương, tài chính cùng nhiều mặt khác của đất nước.

Mặc dù làn sóng lây lan thứ 2 của dịch Covid-19 có thể không gây nhiều thiệt hại về người như lần đầu nhưng kể cả như vậy, xu thế dẫn đầu toàn cầu hóa của Trung Quốc cũng đang bị lung lay mạnh mẽ.

"Những công ty mà tôi đại diện hoặc có liên hệ hiện nay phần lớn đang sản xuất xe hơi ở Trung Quốc. Hiện họ đều đang nghĩ về việc tái cơ cấu nguồn cung bằng việc giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc cũng như phân bổ các luồng rủi ro xuống mức thấp nhất. Để làm được điều đó, họ cần dịch chuyển nhà máy sang nơi khác ngoài Trung Quốc", Luật sư thương mại John Scannapieco của hãng luật Baker Donelson nhận định.

(Bài CN) Tiến trình toàn cầu hóa do Trung Quốc dẫn đầu đã đến hồi kết - Ảnh 1.

Trong nhiều năm, Trung Quốc đã cố gắng phát triển để trở thành công xưởng của thế giới, điều này đồng nghĩa họ sẽ cần xây dựng rất nhiều nhà máy, kéo theo đó là những công trình cầu đường, sân bay, nhà ga… Bởi vậy, Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu thêm quặng sắt từ Brazil và Australia, thêm đồng từ Chile...

Khi ngày càng nhiều lao động bỏ quê lên thành phố tìm việc, họ sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào những cửa hàng thực phẩm thay vì tự trồng tự ăn như trước, kéo theo đó Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu thêm lương thực. Điều này đồng nghĩa họ sẽ phải xây nhiều bến cảng lớn để nhập khẩu vô vàn hàng hóa cho công cuộc phát triển kinh tế. Hiện Trung Quốc có 7/10 cảng lớn nhất thế giới.

Toàn bộ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong suốt nhiều thập niên qua đã hưởng lợi nhờ toàn cầu hóa thông qua những lợi thế to lớn. Họ có lực lượng lao động dồi dào, rẻ mạt. Họ không có nhiều quy định khắt khe về môi trường hay đảm bảo an toàn lao động hoặc vệ sinh an toàn thực phẩm. Những khoản phí, thuế cho các vấn đề phụ phát sinh trong quá trình sản xuất gần như không có. Nhà máy sản xuất có rác thải độc hại ư? Cứ đổ thẳng ra sông ngòi chẳng sao hết.

Tuy vậy, khi chất lượng sống của người dân ngày một nâng cao, Trung Quốc lại đang tiệm cận dần với những tiêu chuẩn của Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) về luật lao động, môi trường cùng nhiều thứ khác. Hệ quả là chi phí sản xuất tại Trung Quốc ngày một đắt đỏ hơn.

Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều nhà máy của người Trung Quốc lại dịch chuyển sang các thị trường khác như Việt Nam, Bangladesh… nhất là những công xưởng dệt may. Thế nhưng Việt Nam không có cơ sở hạ tầng được như Trung Quốc. Lực lượng lao động của Việt Nam không dồi dào được như láng giềng, hệ thống logistic kém hơn và điều này khiến nhiều nhà máy phân vân.

Bất chấp những điều đó, xu thế toàn cầu hóa do Trung Quốc dẫn đầu chắc chắn sẽ phải thay đổi sau dịch Covid-19 cũng như chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Một số quốc gia sẽ là người giành phần thắng trong khi một số khác sẽ bị bỏ lại phía sau.

(Bài CN) Tiến trình toàn cầu hóa do Trung Quốc dẫn đầu đã đến hồi kết - Ảnh 2.

Hãng BNP Paribas mới đây đã xây dựng một bảng chỉ số đo lường khả năng phục hồi của các nền kinh tế khi đảo ngược toàn cầu hóa (Deglobalization), một xu thế mà những chuyên gia như George Soros đều nhìn thấy sau khi dịch Covid-19 qua đi.

Bảng chỉ số này đo lường 3 yếu tố trên mỗi nền kinh tế: Khả năng đối đầu đại dịch của nền kinh tế vĩ mô, mối liên kết hiện tại của nền kinh tế với toàn cầu hóa và cuối cùng là sức mạnh của các thể chế chính trị.

Theo BNP, những nền kinh tế như Hàn Quốc hay Israel sẽ tồn tại tốt trong môi trường đảo ngược toàn cầu hóa, trong khi những nước như Argentina hay Ai Cập thì không. Đối với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này có thể vượt qua cơn bão nhờ thị trường nội địa lớn nhất toàn cầu.

Tuy nhiên với những nền kinh tế khác như Brazil hay Nga, họ có thể sẽ chẳng vượt qua được thời kỳ mới của đảo ngược toàn cầu hóa. Thậm chí những nước phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa thô như Chile cũng chả mấy khá khẩm hơn.

Vĩnh biệt toàn cầu hóa, xin chào nội địa hóa

Bản báo cáo dài 7 trang của BNP cũng cho thấy thế giới ngày càng cách xa xu thế toàn cầu hóa dẫn đầu bởi Trung Quốc. Ví dụ điển hình nhất là sau dịch Covid-19, Mỹ sẽ buộc ngành dược phẩm xây dựng thêm các nhà máy trong nước thay vì phụ thuộc vào Trung Quốc như trước đây, qua đó tăng thêm việc làm và ổn định xã hội sau dịch.

Theo BNP, những nền kinh tế có cấu trúc đa dạng, lực lượng lao động dồi dào, nhiều đối tác thương mại, thể chế chính trị vững chắc và cấu trúc kinh tế vững mạnh sẽ vượt qua được cơn bão đảo ngược toàn cầu hóa. Ngược lại, những nền kinh tế có nền tảng yếu như Argentina hay Ukraine đều sẽ bị bỏ lại phía sau.

(Bài CN) Tiến trình toàn cầu hóa do Trung Quốc dẫn đầu đã đến hồi kết - Ảnh 3.

Kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008, thương mại toàn cầu gặp nhiều trở ngại trong một xu thế mà người ta gọi là "hậu đỉnh" thời kỳ toàn cầu hóa. Với dịch Covid-19 khiến các cửa khẩu bị chặn và chuỗi cung ứng chịu ảnh hưởng như hiện nay, BNP cho rằng tỷ lệ đóng góp của thương mại thế giới cho GDP toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng.

Từ Thế chiến II đến nay, sự phát triển của thương mại luôn đi kèm với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người. Mặc dù tỷ lệ có thể không hoàn toàn chính xác nhưng giao thương càng nhiều thì người dân càng giàu.

Bởi vậy những nước không bắt kịp xu thế đảo ngược toàn cầu hóa sẽ bị giảm giao thương và thường có những dấu hiệu như nghèo đói, gánh nặng nợ nần cao và doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn. Ví dụ như Brazil hiện đang có mức thuế doanh nghiệp cao đến 34% kể từ khi nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước này mất giá do không bắt kịp xu thế thị trường.

Những quốc gia có chính sách tài khóa tốt như Hàn Quốc, Philippines hay Thái Lan được đánh giá là sẽ vượt qua được cơn bão đảo ngược toàn cầu hóa nhờ chi tiêu ngân sách hợp lý và mức thuế thấp.

Trong khi đó, những nền kinh tế như Peru, Chile hay Nga đều thắt chặt chính sách tài khóa nhưng tỷ lệ tín dụng vẫn thấp, mức thuế còn cao. Tại Nga, may mắn thay người dân vẫn còn trông chờ được vào nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ sau nhiều năm kinh doanh dầu mỏ.

Hãng BNP cho rằng những nền kinh tế bảo hộ như Trung Quốc vẫn sẽ ổn định, phục hồi mà không chịu quá nhiều ảnh hưởng từ suy giảm thương mại. Trong khi đó những quốc gia hưởng lợi từ chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ chịu thiệt khi toàn cầu hóa đảo ngược. Những thiệt hại này là không dễ đo đếm.

(Bài CN) Tiến trình toàn cầu hóa do Trung Quốc dẫn đầu đã đến hồi kết - Ảnh 4.

Với nhiều quốc gia khác, đây sẽ là cơ hội tốt khi các công ty dịch chuyển nhà máy sang những thị trường mới nổi khác. Ví dụ như Hungary, Cộng hòa Séc hay Ba Lan đang đứng trước cơ hội trở thành công xưởng sản xuất tại Châu Âu khi nhiều nhà máy dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Mexico cũng sẽ hưởng lợi khi các tập đoàn Mỹ chuyển nhà máy sang các thị trường gần Mỹ hơn.

"Chắc chắn chúng ta sẽ không thể trở về hiện trạng như trước sau khi cuộc khủng hoảng này chấm dứt", Chuyên gia cấp cao Jamie Matzl của Tổ chức nghiên cứu chính sách Hội đồng Đại Tây Dương nhận định.

Chuyên gia Matzl cũng cho rằng Mỹ và Trung sẽ nối lại thương mại với nhau vì họ đều đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, nhưng bản chất của mối quan hệ sẽ khác và không bao giờ trở lại được như trước đây.

AB

Cùng chuyên mục
XEM