Forbes: Chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam còn nhiều rào cản, nguy cơ gian lận nhãn hiệu xuất xứ cao

13/07/2019 08:18 AM | Xã hội

Tạp chí Forbes mới đây đã nêu ra những thách thức và nguy cơ đối với các doanh nghiệp nước ngoài đang dự định chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra không chỉ khiến kinh tế 2 nước tổn thương mà các quốc gia khác cũng đang phải gánh chịu ảnh hưởng không nhỏ. Những đòn thuế quan cùng chi phí bổ sung đang gây cản trở sản xuất và hoạt động xuất – nhập khẩu.

Nhưng vẫn có những quốc gia được cho là sẽ hưởng lợi từ cuộc căng thẳng này. Áp lực thuế quan đã tạo nên làn sóng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Theo báo cáo từ Nikkei Asian Review, Apple đã bắt đầu tìm kiếm địa điểm sản xuất thay thế cho một số sản phẩm của mình, dự kiến chuyển từ 15% đến 30% sản lượng phần cứng ra khỏi Trung Quốc. Việt Nam là một trong những ứng cử viên sáng giá được nhà sản xuất táo khuyết cân nhắc.

Bên cạnh đó, hồi tháng 5 vừa qua, Giám đốc điều hành Brooks Running Jim Webe cũng tuyên bố chuyển phần lớn sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam vào cuối năm nay để đối phó với các mối đe dọa về thuế quan.

Tuy nhiên, cơ hội này cũng khiến Việt Nam đối mặt với mối nguy gian lận nhãn hiệu xuất xứ.

Một trong những câu hỏi, thách thức được đặt ra là nguy cơ gian lận thương mại gia tăng, nơi một số nhãn hiệu sử dụng xuất xứ hàng Việt Nam để tránh các hạn chế thương mại. Bộ Công thương Việt Nam trong một lần chia sẻ với tờ Tạp chí Phố Wall cho biết gian lận thương mại không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm và người tiêu dùng mà còn làm giảm đáng kể uy tín cũng như khả năng cạnh tranh của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Forbes: Chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam còn nhiều rào cản, nguy cơ gian lận nhãn hiệu xuất xứ cao - Ảnh 1.

Còn Forbes trích dẫn quan điểm của nhà kinh tế Phil Levy rằng: "Việc chuyển dịch không nhất thiết phải di chuyển tất cả các công đoạn sản xuất. Nếu một hàng hóa hầu hết được sản xuất tại Trung Quốc, nhưng có một sự chuyển đổi đáng kể cuối cùng xảy ra ở Việt Nam, thì hàng hóa vẫn có thể được tính là hàng Việt Nam."

Bên cạnh đó, chuyên gia của Forbes cũng chỉ ra những rào cản còn tồn tại đối với quá trình chuyển dịch sản xuất.

Đầu tiên, cảnh quan thuế quan vẫn không chắc chắn, thay đổi gần như hàng ngày. Trung Quốc và Hoa Kỳ đã nhiều lần gia tăng các hạn chế thương mại để trả đũa lẫn nhau và ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác.

Đã có những đợt thuế quan trừng phạt mới rồi sau đó 2 bên lại tuyên bố "ngừng bắn", tạm dừng trả đũa lẫn nhau. Điều này khiến cho tình hình kinh tế thiếu ổn định và các công ty càng thêm bối rối.

Hai là, cơ sở hạ tầng của Việt Nam, từ đường bộ đến cảng, đường sắt còn tụt hậu nhiều so với sự phát triển toàn diện của Trung Quốc. Khi nhu cầu sản xuất tăng lên, nhu cầu xây dựng một hệ thống vận tải mạnh mẽ hơn để vận chuyển hàng cũng gia tăng. Việt Nam đang xây dựng một cảng nước sâu mới nhưng phải mất ba năm nữa mới hoàn thành. Trong khi đó, các tuyến đường sắt mỏng và đường cao tốc nhỏ cũng là hạn chế ở một đất nước mà nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp.

Forbes: Chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam còn nhiều rào cản, nguy cơ gian lận nhãn hiệu xuất xứ cao - Ảnh 2.

Levy cũng lưu ý: "Đây là thách thức lớn trong việc quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu trong kỷ nguyên chính sách thương mại đầy biến động, gây khó khăn cho các công ty để tìm kiếm một bến cảng an toàn và đủ cảnh báo trước, cho phép đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt."

Nhưng cũng không ngẫu nhiên mà Việt Nam lại lọt vào "mắt xanh" của nhiều công ty đang có ý định chuyển dịch sản xuất. Những lợi ích như tránh thuế quan leo thang trong cuộc xung đột vẫn đang diễn ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đa dạng hóa và tổ chức lại chuỗi cung ứng là đáng để xem xét.

Forbes cũng lưu ý rằng các công ty phải dự tính trước những rào cản, khó khăn, bao gồm cơ sở hạ tầng giao thông non trẻ so với Trung Quốc, môi trường chính sách hạn chế trong bối cảnh tình hình thương mại thay đổi nhanh chóng và thời gian cần thiết để thay đổi hoàn toàn chuỗi cung ứng.

T.Dương

Cùng chuyên mục
XEM