FLC được Quảng Bình đồng ý chủ trương nâng cấp sân bay Đồng Hới thành sân bay quốc tế, dọn đường cho Bamboo Airways cất cánh

18/04/2018 10:57 AM | Kinh doanh

Như vậy, tại Quảng Bình hiện nay, FLC có 2 dự án đầu tư lớn, là nâng cấp sân bay Đồng Hới thành sân bay quốc tế và dự án quần thể nghỉ dưỡng quy mô gần 2.000 ha, tổng vốn 20.000 tỷ đồng.

Đầu tháng 4 vừa qua, Tập đoàn FLC đã gửi công văn tới Bộ Giao thông Vận tải, Cục hàng không Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Bình, với mong muốn tham gia đầu tư, xây dựng, nâng cấp sân bay quốc tế Đồng Hới.

Đến ngày 17/4, UBND tỉnh Quảng Bình đã chính thức có công văn số 533/UBND- KTTH đồng ý chủ trương để Tập đoàn FLC đầu tư, nâng cấp sân bay Đồng Hới thành sân bay quốc tế theo hình thức đối tác công tư PPP.

"Cảng Hàng không Đồng Hới là đơn vị thuộc Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam, trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Do đó, UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị Tập đoàn FLC làm việc cụ thể với Bộ Giao thông Vận tải, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam; UBND tỉnh Quảng Bình sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Tập đoàn FLC triển khai thực hiện dự án", công văn nêu rõ.

Như vậy, tại Quảng Bình, Tập đoàn FLC đang đầu tư hai dự án lớn: quần thể nghỉ dưỡng FLC Quang Binh Beach & Golf Resort quy mô gần 2.000 ha, tổng vốn 20.000 tỷ, được xem là hạ tầng du lịch lớn nhất miền Trung cho đến thời điểm hiện tại và dự án đầu tư, xây dựng sân bay Đồng Hới thành sân bay quốc tế.

Đề xuất của FLC được cho là bắt nguồn từ chiến lược hoạt động của thương hiệu hàng không Bamboo Airways (thuộc sở hữu Tập đoàn FLC), vốn đang trong giai đoạn "nước rút" cho mục tiêu cất cánh vào cuối năm 2018, sau khi ký thỏa thuận mua 24 máy bay A321NEO với Airbus dưới sự chứng kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Pháp François de Rugy hồi cuối tháng 3 vừa qua.

Sau khi ký thỏa thuận mua máy bay, FLC cũng đã lên kế hoạch tuyển dụng ồ ạt nhân sự cho hãng hàng không Bamboo Airways, gồm 90 nhân sự kỹ thuật, 92 phi công, 250 tiếp viên, trong đó tiếp viên trưởng là 45 người và nhân sự khối thương mại là gần 50 người.

Theo chia sẻ từ đại diện FLC, Bamboo Airways là hãng hàng không có hướng đi riêng. Thay vì tập trung vào các thành phố lớn vốn có cơ sở hạ tầng hàng không đã phát triển, Bamboo Airways tập trung khai thác thị trường ngách, bao gồm các tuyến bay thẳng từ quốc tế và trong nước tới các điểm du lịch mới nổi của Việt Nam, chủ yếu là những nơi FLC có quần thể khu du lịch, nghỉ dưỡng.

Trong hai năm đầu tiên, Bamboo Airways sẽ hoạt động trong nước khoảng 8 - 10 tuyến bay với các điểm đến ưu tiên như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Quy Nhơn hay Nha Trang… Từ năm thứ ba, các tuyến bay quốc tế sẽ được triển khai kết nối trong nước với các vùng lãnh thổ Đông Bắc Á quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Hong Kong, Đài Loan… Dự kiến đến năm 2023, Bamboo Airways sẽ mở 24 đường bay nội địa và 16 đường bay quốc tế.

PV

Cùng chuyên mục
XEM