Fiin Credit tham gia "giải cứu" VO247, hứa sẽ đứng ra trả lại tiền cho nhà đầu tư trong lộ trình 12 tháng
Cuộc họp giữa Fiin Credit và VO247 ngày 30/11 đã đưa ra được những tín hiệu tích cực với nhà đầu tư.
Mới đây, thị trường cho vay ngang hàng P2P Việt Nam đang xôn xao với vụ việc khủng hoảng của Công ty cổ phần Công nghệ tài chính VO247 . Đây là ứng dụng kết nối người vay và người cho vay được thành lập từ năm 2019.
Phương thức P2P (Peer-to-Peer) Lending hay còn gọi là cho vay ngang hàng, là phương thức cho vay được thiết kế và xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay mà không thông qua các tổ chức trung gian tài chính.
Mô hình hoạt động của các công ty P2P Lending là làm trung gian kết nối giữa người vay và người cho vay, thông qua ứng dụng nền tảng công nghệ kỹ thuật số. Quy trình cho vay, giải ngân được tối giản, tiết kiệm thời gian hơn so với thủ tục vay qua các tổ chức tín dụng hay công ty tài chính.
Tại Việt Nam, mô hình P2P Lending (Peer-to-Peer Lending/P2P Lending) đang dần trở nên "quen mặt" hơn với sự xuất hiện của nhiều cái tên như Tima, Trust Circle, Vay mượn, Lendmo, Wecash, InterLoan, Vo247, Fiin Credit,...
Trong thông báo mới nhất, VO247 cho biết sẽ tạm ngừng cho phép người đầu tư rút tiền về. Nguyên nhân vì nguồn vốn lưu động của Vo247 liên tục chạm mốc báo động trong một tháng thị trường biến động vừa qua dẫn tới tình trạng dòng vốn lưu động không đủ đáp ứng nhu cầu rút tiền của nhà đầu tư.
Sự việc của VO247 đang tạo nên những hoang mang, ảnh hưởng chung đến thị trường vay ngang hàng và tâm lý của các nhà đầu tư tài chính.
Ngày 30/11, Công ty cổ phần Đổi Mới Công Nghệ Tài Chính Fiin (thương hiệu Fiin Credit) một ứng dụng kết nối tài chính số được thành lập từ năm 2018 đã tổ chức họp với VO247, qua đó tuyên bố sẽ tham gia tìm phương án giải quyết cho người đầu tư trong vụ việc của VO247.
Theo ông Trần Việt Vĩnh – CEO Fiin Credit, việc Fiin tham gia giải quyết vụ việc của VO247 có nhiều nguyên nhân. Fiin muốn giúp đỡ doanh nghiệp cùng ngành, góp phần bảo vệ thị trường chung bởi các khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực này vẫn chưa được hình thành đầy đủ.
“Trong trường hợp VO247 phá sản, rất có thể điều này sẽ tác động tới cả thị trường chung, dẫn đến sự sụp đổ chung của thị trường và tâm lý của người đầu tư, đó là lý do Fiin vào cuộc trợ giúp”, ông Trần Việt Vĩnh cho hay.
Hiện tài sản cầm cố trên hệ thống của VO247 ước tính còn khoảng 120 tỷ đồng. Số tiền mà VO247 cần phải trả cho nhà đầu tư trên hệ thống là khoảng 150 tỷ đồng. Vốn điều lệ trên đăng ký kinh doanh của VO247 theo tìm hiểu của chúng tôi là 2,5 tỷ đồng.
Fiin sẽ tham gia vào việc duy trì hoạt động của VO247 để thực hiện việc thu hồi nợ, thanh lý tài sản và hoàn trả tiền. Nếu VO247 không trả được hết số tiền mà nhà đầu tư tham gia vào hệ thống, cá nhân ông Vĩnh và công ty Fiin sẽ đứng ra trả lại số tiền này cho nhà đầu tư trong lộ trình 12 tháng.
Bình luận về đề nghị trên, theo ông Tạ Thanh Long – CEO VO247, trước khi có sự trợ giúp của Fiin, ông từng có dự định để công ty VO247 phá sản sau sự cố mất thanh khoản.
Trước đó, ngày 29/11, CEO của Fiin Credit đã gửi tâm thư tới các khách hàng và nhà đầu tư, cho biết Fiin Credit tập trung cho vay vào nhóm khách hàng chính là các tiểu thương, hộ kinh doanh nhỏ hoạt động kinh doanh có doanh thu hằng ngày và số vốn vay không quá lớn, khả năng thanh toán nợ vay tốt. Vì vậy, việc trả nợ và bảo đảm tỷ lệ trả nợ luôn được đảm bảo trong sự kiểm soát.
Fiin Credit khẳng định hoạt động luôn ổn định, an toàn cho công ty và nhà đầu tư đồng thời không có mối quan hệ cổ đông, đối tác, hợp tác với bất cứ công ty nào đang có vấn đề tiêu cực ảnh hưởng tới các nhà đầu tư trên thị trường hiện nay.