FED tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm, kinh tế Việt Nam bị tác động như thế nào?
"Việc tăng lãi suất của FED nằm trong lộ trình dự đoán trước nên thị trường quốc tế và trong nước cũng không có nhiều xáo động, tuy nhiên cũng có những phản ứng trái chiều", TS Cấn Văn Lực nói với Trí Thức Trẻ.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 26/9 thông báo tăng lãi suất thêm 0,25%. Đây là lần nâng lãi suất thứ 3 trong năm 2018 của FED. Hành động của FED, dù được báo trước, nhưng vẫn có những tác động đáng kể đến không chỉ kinh tế Mỹ mà còn ảnh hưởng đến thế giới, trong đó có Việt Nam. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Ông đánh giá như thế nào về lần tăng lãi suất thứ 3 của FED trong năm nay?
Lần tăng thứ 3 này thực tế nằm trong lộ trình và đã được tiên đoán trước nên thị trường quốc tế và trong nước cũng không có nhiều xáo động, tuy nhiên cũng có những phản ứng trái chiều.
Hành động của FED đang được đặt trong bối cảnh thị trường quốc tế có những diễn biến phức tạp như là chiến tranh thương mại hay việc một số ngân hàng trung ương khác cũng rục rịch thắt chặt tiền tệ.
Tuy nhiên, FED cũng khá thuận lợi trong việc tăng lãi suất khi kinh tế Mỹ khởi sắc, nhiều việc làm được tạo ra... Cơ quan này cũng dự kiến có thêm 1 lần tăng nữa, vào tháng 12 năm nay.
Về tác động, thứ nhất, tôi cho rằng do đã được tiên đoán trước nên tác động đối là không nhiều. Nhưng cũng có thể dễ dàng thấy được thị trường chứng khoán thế giới đã ngay lập tức giảm điểm, đồng USD tăng nhẹ. USD tăng là do lãi suất kinh tế thế giới cơ bản ổn, thị trường Mỹ tăng trưởng tốt.
Thứ hai, mỗi lần FED tăng lãi suất, dù cho mức độ tác động khác nhau nhưng cũng có một vài điểm cơ bản như những lần tăng trước. Cụ thể, USD tăng giá, thực tế thì đồng tiền này đã tăng từ hôm qua. Việc tăng giá USD khiến tỷ giá của các đồng tiền khác trong khu vực, đương nhiên có Việt Nam bị ảnh hưởng. Điều này làm lãi suất đồng USD nói riêng và lãi suất thế giới nói chung trong đà tăng lên.
Với biến động về tỷ giá, lãi suất như thế sẽ tạo ra áp lực cho lãi suất, ngoại tệ của Việt Nam cũng như tỷ giá như phân tích, kể cả nợ vay bằng đồng USD của Chính phủ và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hành động của FED cũng phần nào đó tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Khi USD tăng giá, thông thường dòng tiền sẽ có sự dịch chuyển từ chỗ lãi suất thấp sang chỗ có lãi suất cao hơn, như vậy sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn.
Một ảnh hưởng nữa với thị trường tài chính quốc tế, trong đó có Việt Nam là thanh khoản thị trường trở nên "căng thẳng" hơn do nhu cầu tìm đến các nơi an toàn hơn.
Như phân tích của ông thì sự xáo trộn có vẻ cũng không ít đối với Việt Nam?
Tôi cho rằng không nên quá lo lắng với thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam. Kinh tế vĩ mô trong nước cơ bản là ổn định, phát triển tốt. Lãi suất đồng USD, vay ngoại tệ dư nợ cũng không nhiều, khoảng 8% trên tổng dư nợ.
Đối với nợ nước ngoài, đồng USD chiếm tỷ trọng không phải quá lớn, vào khoảng 1/3 tổng dư nợ nước ngoài. Khi USD tăng giá sẽ có các đồng tiền khác giảm giá nên có sự bù trừ, hỗ trợ nhau. Như vậy trách nhiệm trả nợ nước ngoài có thể bị tăng lên nhưng không đáng kể.
Tỷ giá thì tôi được biết NHNN vẫn kiên định với chính sách tỷ giá trung tâm và dùng nhiều công cụ khác nhau để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối.
Mặt khác, chúng ta cũng đang đón nhận tin tốt với thị trường chứng khoán khi nhà cung cấp chỉ sổ FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách xem xét nâng hạng thị trường mới nổi hạng 2.
Trong 9 tháng qua, các nhà đầu tư ngoại tính tổng thể vẫn mua ròng 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, dù nói vậy, chúng ta vẫn cần phải theo dõi và có những dự báo, kịch bản phù hợp do bối cảnh kinh tế hiện nay phức tạp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước hoặc năm trước nữa.
Tại cuộc họp hôm qua, phía ADB cho rằng tỷ giá Việt Nam từ giờ đến cuối năm sẽ chịu tác động kép khi USD tăng giá và NDT giảm giá. Điều này cũng gây áp lực lên lạm phát. Quan điểm của ông như thế nào?
Đấy là 1 cảnh báo cần phải theo dõi, không được chủ quan. Việc USD tăng giá thì chúng ta đã thấy nhưng tôi cho rằng đồng tiền này tăng không mạnh như trước đây. Từ đầu năm đến nay chỉ số USD chỉ lên khoảng 2,8%.
Còn đối với NDT hiện đã mất giá 5% kể từ đầu năm đến nay. Dù vậy, tôi đánh giá NDT có thể giảm nhưng giảm không đáng kể như trước vì 2 lý do.
Thứ nhất, Trung Quốc không muốn bị Mỹ "kết tội" là thao túng tiền tệ rồi dùng cớ này tiếp tục trả đũa thương mại.
Thứ hai, nước này đang trong quá trình thúc đẩy quốc tế hoá NDT, do đó, việc cần làm là phải giữ ổn định đồng tiền. Họ đang kiên định với hành động của mình nên NDT trong thời gian tới sẽ không giảm giá mạnh cho dù USD có tăng vọt.
Do đó, tôi cho rằng VNĐ và lạm phát của Việt Nam sẽ không phải chịu áp lực quá lớn.
Ông có nhắc đến vấn đề chính sách điều hành, vậy cụ thể chính sách cần phải đáp ứng được những gì?
Tôi cho rằng cần phải tiếp tục bám sát, theo dõi, phân tích đánh giá thị trường tài chính tiền tệ quốc tế. Năm nay, chúng ta cũng phải hết sức chú trọng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo lạm phát quanh mục tiêu 4%.
Bên cạnh đó, phải sử dụng nhiều công cụ khác nhau để ổn định tỷ giá, lãi suất và thị trường ngoại hối, tránh tạo ra tâm lý hoang mang trên thị trường.
Cuối cùng, chúng ta cần phải theo dõi và có kịch bản đối với chiến tranh thương mại để một mặt tận dụng cơ hội, một mặt tránh đi những rủi ro, thách thức.
Cảm ơn ông!