FE Credit mất ngôi quán quân lợi nhuận, công ty tài chính nào đã thay thế?
Với mức lợi nhuận chỉ hơn 600 tỷ đồng trong năm 2021, FE Credit không còn là công ty tài chính có lãi nhiều nhất - điều mà FE Credit đã duy trì liên tục trong nhiều năm liền.
Năm 2021 là một năm khó khăn với FE Credit – công ty tài chính tiêu dùng có thị phần lớn nhất Việt Nam trước tác động của đại dịch Covid-19. Lợi nhuận trước thuế năm 2021 của công ty này chỉ đạt 610 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 3.710 tỷ đồng năm 2020 và 4.490 tỷ đồng năm 2019.
Trong đó, lợi nhuận chủ yếu nhờ nửa đầu năm và công ty bị lỗ liên tiếp 2 quý cuối năm: quý III lỗ 300 tỷ, quý IV lỗ 290 tỷ. Khá dễ hiểu khi từ tháng 6, đại dịch bùng phát tại nhiều tỉnh thành đã ảnh hưởng tới hoạt động cho vay của FE Credit. Khách hàng chính của công ty tài chính tiêu dùng đa số là phân khúc người lao động thu nhập thấp, là nhóm khách hàng chịu tác động mạnh nhất trong những tháng giãn cách kéo dài, thu nhập sụt giảm, thất nghiệp không có nguồn thu để trả nợ. Ngoài ra, nửa cuối năm cũng là lúc FE Credit đẩy mạnh việc cơ cấu nợ, giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng.
Doanh thu năm 2021 của FE Credit đạt 15.330 tỷ đồng, giảm so với mức 17.420 tỷ đồng năm 2020. NIM giảm từ 27,2% xuống còn 21,1%.
Tuy nhiên, điểm tích cực là hoạt động cho vay đã phục hồi trở lại trong những tháng cuối năm, nhờ đó cả năm 2021, dư nợ tín dụng của FE Credit vẫn tăng 14,2% so với năm 2020. Công ty giải ngân được 67.000 tỷ đồng trong năm qua, trong đó riêng quý IV giải ngân tới 35.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, công ty này duy trì được tỷ lệ an toàn vốn ở mức ấn tượng 17,8%. Tỷ lệ chi phí hoạt động/doanh thu (CIR) ở mức 30,5%.
Với mức lợi nhuận chỉ hơn 600 tỷ đồng, FE Credit không còn là công ty tài chính có lãi nhiều nhất - điều mà FE Credit đã duy trì liên tục trong nhiều năm liền.
Vậy, vị trí quán quân lợi nhuận trong các công ty tài chính đã thuộc về ai? Ứng viên cho vị trí này có thể kể đến một số công ty tài chính có quy mô lớn, hoạt động nổi bật trên thị trường như Home Credit, HD Saison, MCredit,…
Cùng là công ty con của ngân hàng, trong khi FE Credit thụt lùi thì HD Saison và M Credit có kết quả kinh doanh tích cực hơn trong năm qua.
Cụ thể, HD Saison ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 1001 tỷ đồng, ngang với mức đạt được năm 2020, thấp hơn một chút so với mức 1.040 tỷ đồng năm 2019. Trong năm qua, bất chấp dịch bệnh, doanh thu của công ty tài chính này vẫn đạt 4.682 tỷ đồng, tăng so với 4.476 tỷ đồng năm 2020. Tuy nhiên, dư nợ cho vay sụt giảm xuống còn 13.376 tỷ đồng, giảm 6% so với năm 2020.
Kết quả kinh doanh HD Saison năm 2021. Nguồn: HD Saison
ROAE của HD Saison đạt 25,3%, ROAA đạt 5,8%. CIR được cải thiện mạnh mẽ, giảm từ 50,6% năm 2020 xuống còn 44% năm 2021. NIM công ty ở mức 26,8%, chi phí vốn là 5,9%. Tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh từ 5,8% lên 7,3%.
HD Saison hiện có 8,3 triệu khách hàng trên toàn quốc, có 22.306 điểm giới thiệu dịch vụ (POS), phủ khắp 63/63 tỉnh và thành phố.
Còn tại M-Credit, công ty có nhận doanh thu đạt 4.595 tỷ đồng trong năm 2021, tăng 21% so với năm 2020. Lợi nhuận trước thuế của công ty tài chính tiêu dùng này đạt 601 tỷ đồng, tăng tới 87%. Trong đó, lợi nhuận quý III là 86 tỷ, quý IV đạt khoảng 169 tỷ đồng.
Việc FE Credit bị soán ngôi lợi nhuận năm 2021 có thể chỉ là tạm thời. Vị thế của FE Credit trên thị trường vẫn là công ty có thị phần lớn nhất với dư nợ đạt 75.400 tỷ đồng. Số lượng khách hàng hoạt động của công ty này cuối năm 2021 là 5,9 triệu khách hàng, trong số 13 triệu khách đã tiếp cận. Số lượng khách hàng thẻ đạt 600.000 người.
Lãnh đạo VPBank - ngân hàng mẹ của FE Credit cho biết, năm 2021, lợi nhuận công ty bị hụt 4.000 tỷ nhưng không phải mất hoàn toàn mà đưa vào dự phòng, hỗ trợ giảm lãi suất. Sự hỗ trợ này sẽ đem lại giá trị quan trọng trong tương lai. Ngoài ra, sự tham gia của SMBC - định chế tài chính hàng đầu Nhật Bản sẽ hỗ trợ tích cực cho hoạt động kinh doanh của FE Credit. Trong năm 2022, FE Credit có thể quay lại lãi 5.000-6.000 tỷ trong kịch bản tích cực. "Có nhiều kịch bản, nhưng kịch bản nào cũng sẽ tốt hơn năm 2021", vị này khẳng định.