Facebook tuyên bố không áp dụng các tiêu chuẩn quyền riêng tư tại châu Âu cho các khu vực khác, 1,5 tỷ người dùng bị bỏ rơi
Điều này cho thấy Facebook sẽ không bao giờ quan tâm một cách nghiêm túc tới quyền riêng tư của người dùng.
Trong thời gian vừa qua, Facebook đã giả vờ rằng họ quan tâm tới việc bảo vệ dữ liệu của người dùng. Tuy nhiên, màn kịch ấy vừa chấm dứt. Mới đây, công ty mạng xã hội lớn nhất thế giới đã tuyên bố với Reuters rằng họ sẽ không mở rộng Quy định Bảo vệ Dữ liệu Tổng quát của Liên minh Châu Âu (GDPR) trên phạm vi toàn cầu.
Điều đó có nghĩa là 1,5 tỷ người dùng Facebook ở châu Á, Châu Phi, Châu Úc và Mỹ Latinh sẽ không nhận được sự bảo vệ giống như ở 28 quốc gia EU.
GDPR, sẽ có hiệu lực vào ngày 25/5, yêu cầu các công ty phải được sự đồng ý của người dùng trước khi thu thập, sử dụng và chia sẻ dữ liệu với các công ty quảng cáo và những đối tác khác. Ngoài ra, nếu không đảm bảo sự an toàn cho những dữ liệu trên và để xảy ra bê bối như vụ Cambridge Analytica vừa rồi, các công ty như Facebook có thể bị phạt rất nặng (trong trường hợp của Facebook là 4% doanh thu hàng năm trên toàn cầu).
Về cơ bản, nếu là người dùng Facebook ở các quốc gia không phải Mỹ, Châu Âu và Canada, bạn sẽ không thể nộp đơn khiếu nại về các hành vi thu thập dữ liệu của Facebook lên tòa án ở Ireland. Thay vào đó, bộ luật có phần lỏng tay của Mỹ sẽ được áp dụng và giúp Facebook thoải mái hơn với những rắc rối pháp lý tiềm ẩn từ 1,5 tỷ người dùng.
Facebook giải thích rằng họ không áp dụng thay đổi điều khoản dịch vụ theo GDPR trên toàn cầu vì nó có những quy định riêng được ban hành bởi luật pháp EU. Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng Facebook đang muosn tự bảo vệ mình bởi mô hình kinh doanh của họ phụ thuộc rất nhiều vào việc thu thập càng nhiều dữ liệu càng tốt. Vì thế, Facebook sẽ không bao giờ quan tâm một cách nghiêm túc tới quyền riêng tư của người dùng.