Facebook, Google, Apple, IBM đã kinh doanh quyền riêng tư của người dùng ra sao?
Trong nền kinh tế số của thế kỷ 21, dữ liệu cá nhân đã trở thành tài nguyên quý giá cho gần như tất cả các doanh nghiệp. Nhưng các công ty công nghệ khai thác nguồn tài nguyên này có thể phải sớm định nghĩa xem họ là những kẻ bán dạo dữ liệu hay người quản lý dữ liệu.
Có phải các công ty công nghệ đang theo theo dõi chúng ta rồi bán thông tin cá nhân của chúng ta cho những người trả giá cao nhất, như cách mà Google và Facebook đang làm? Hay họ có một mô hình kinh doanh khác, dữ liệu có thể được đúc thành tiền theo cách ít để lộ thông tin nhất, tránh những chỉ trích của xã hội và khả năng kiểm soát tăng lên.
Thời gian gần đây, cả Apple và IBM bắt đầu tiến hành các chiến dịch truyền thông để định vị thương hiệu của mình trong mảng này. Apple ra mắt website mới về bảo mật thông tin, thể hiện các tính năng mà công ty tin rằng sẽ tạo nên sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh như Google. Các tính năng này bao gồm thuật toán tìm kiếm hoạt động ở thiết bị cá nhân thay vì lưu trữ "đám mây", cho phép người dùng kiểm soát những gì công ty có thể thấy.
Trong khi đó, Ginni Rometty, Giám đốc điều hành của IBM đã gặp ủy viên Hội đồng châu Âu và thành viên của Nghị viện châu Âu để thông báo những nguyên tắc và thông lệ mới về dữ liệu nhằm nâng cao sự tin cậy đối với các công ty công nghệ lớn. Các nguyên tắc này bao gồm cam kết không cung cấp thông tin của khách hàng cho bất cứ chương trình giám sát nào của chính phủ ở bất kỳ quốc gia nào. Đồng thời, hãng hứa hẹn rằng khách hàng không chỉ có quyền sở hữu đối với dữ liệu của mình, mà còn có quyền với thông tin khai thác từ dữ liệu này bằng cách sử dụng thuật toán.
Thông điệp rõ ràng và rất thú vị ở đây: Trong một thế giới mà các công ty có nhiều thông tin cá nhân hơn chính chúng ta và họ nắm giữ những dữ liệu có thể được sử dụng theo vô vàn mục đích bất chính (như scandal của Facebook liên quan đến Nga) thì quyền riêng tư trở thành một lợi thế cạnh tranh.
Facebook bị nghi vấn liên quan đến Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua
"Chúng ta đang bước vào một kỉ nguyên nơi dữ liệu có thể được sử dụng để giải quyết hầu như tất cả các vấn đề cấp bách, nhưng chỉ khi nào chúng ta có niềm tin vào cách dữ liệu được sử dụng", bà Rometty nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại vào tuần trước. "Chúng tôi thấy mình là những người quản lý dữ liệu cho khách hàng. Và chúng tôi không cần phải chịu sự kiểm soát để làm những điều đúng đắn. Chúng tôi vẫn làm những điều đúng đắn hơn một trăm năm qua".
Bình luận trên như một cú đánh mạnh vào Google và Facebook. Cả hai công ty này đều bị phạt bởi Cơ quan giám sát bảo vệ quyền riêng tư quốc gia vì phương pháp thu thập dữ liệu của họ. Theo như quy định mới của Anh và EU, Quy định bảo vệ dữ liệu chung, sẽ nghiêm khắc hơn đối với các công ty trong việc xử lý, mua bán hoặc cho phép bên thứ ba truy cập dữ liệu cá nhân, mà không có sự đồng thuận rõ ràng của khách hàng.
Nhưng cũng có một kiểu marketing khác: trong một thế giới khi hầu hết các giá trị kinh tế đều dựa trên quyền sở hữu trí tuệ, chúng ta không chỉ bảo vệ các giá trị đó mà chúng ta còn cung cấp thêm nhiều lợi nhuận từ quyền sở hữu đó cho khách hàng.
Việc này sẽ hoạt động như thế nào? IBM, chủ yếu phục vụ các công ty và chính phủ, nói rằng họ sẽ không giữ bất cứ dữ liệu nào của khách hàng trong các server lâu hơn thời gian ghi trên hợp đồng. Ngoài ra, dữ liệu được thu thập bằng việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích và khách hàng sở hữu chính dữ liệu của họ. Nếu dịch vụ sức khỏe quốc gia cung cấp cho IBM các hồ sơ sức khỏe, công ty không thể kiếm tiền từ thông tin này, ví dụ số liệu cho thấy dân cư tại một vài vùng nhất định có tỉ lệ ung thư cao hơn tỉ lệ mắc ung thư trung bình.
Google và Facebook lại sử dụng một mô hình rất khác, các công ty này đơn giản là tập trung vào quảng cáo. Họ kiếm tiền từ việc bán các thông tin cá nhân của người dùng nhiều nhất có thể.
Tương tự, Apple, một công ty bán hàng, đang mời chào khách hàng một kĩ thuật được biết đến là "bảo mật thông tin khác nhau". Kĩ thuật này cho phép Apple biết được khách hàng đang làm gì, trong khi lưu giữ một lượng thông tin cá nhân nhất định bằng cách chuyển đổi dữ liệu theo thuật toán trước khi rời khỏi thiết bị của người dùng. Theo cách này, Apple không thể liên kết dữ liệu nó nhận được với một người dùng cụ thể nào.
Những dữ liệu này được sử dụng để cải thiện các thiết bị và dịch vụ trong hệ sinh thái các sản phẩm Apple cung cấp, thay vì cung cấp quảng cáo cho khách hàng từ các công ty mà khách hàng không hề biết. Một lần nữa, đây là mô hình kinh doanh hoàn toàn khác với cách tiếp cận của Google và Facebook.
Một thế giới mà chúng ta có thể bị theo dõi thông qua các dữ liệu. (Ảnh: Michael Brandon Myers)
Những điều này khiến chúng ta đặt câu hỏi về quyền lực kinh tế và chính trị của những công ty công nghệ lớn. Có và Không. Mô hình kinh doanh của Apple không tự thuê nó để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử như cách mà Nga cố gắng làm với bầu cử ở Mỹ thông qua Facebook.
Thật tuyệt khi nghe Tim Cook nói rằng ông tin tưởng "quyền riêng tư là quyền cơ bản của con người". Nhưng công ty này có vẻ vẫn chưa có cái nhìn nhận sâu sắc về cách chia sẻ lợi nhuận trong hệ sinh thái của Apple (hãy nhìn vào cuộc chiến của Apple với Qualcomm và các nhà cung cấp khác về vấn đề bản quyền). Cũng chẳng kì vọng gì vào việc họ sẽ ngừng chuyển thuế ra nước ngoài.
IBM có vẻ là trường hợp thú vị hơn cho thấy nền kinh tế số có thể tránh khỏi việc trở thành một cuộc chơi mà các bên cùng không có lợi. Trong khi quyền lực của trí tuệ nhân tạo của Watson (Watson là siêu trí tuệ nhân tạo của IBM) đang phình to quá mức, một tuyên bố đơn giản và rõ ràng với khách hàng rằng "bạn sở hữu dữ liệu, bạn cũng sở hữu thông tin khai thác từ dữ liệu" thật là một tuyên ngôn độc đáo.
Ở một mức độ nào đó, khách hàng có thể thực sự kiếm tiền bằng thông tin khai thác từ dữ liệu của họ. Hoặc cách khác, các công ty sử dụng tốt quan hệ công chúng, và đó là cách các công ty công nghệ lớn có thể làm hiện nay.