Facebook dần chấp nhận nộp thuế ở nước sở tại

14/12/2017 10:47 AM | Xã hội

Facebook vừa tuyên bố sẽ thay đổi đáng kể cấu trúc thuế của mình theo hướng chấp nhận nộp thuế tại những quốc gia phát sinh doanh thu, thay vì chuyển toàn bộ về công ty con tại Ai-len như hiện nay, dưới sức ép từ chính phủ nhiều nước suốt thời gian qua.

Facebook có thể sẽ phải nộp thuế nhiều hơn ở một số quốc gia có thuế suất cao như Pháp, Đức và Italia song tổng nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp này trên toàn cầu có thể không tăng thêm là bao.

Tăng cường tính minh bạch

Mạng xã hội lớn nhất thế giới cho biết kể từ năm 2018, doanh nghiệp này sẽ chuyển sang mô hình “thu tiền ở đâu, nộp thuế ở đó”. Doanh thu quảng cáo sẽ được ghi nhận ngay tại chỗ ở 25 quốc gia trên toàn thế giới mà Facebook đang hoạt động, chứ không dồn cả về Ai-len nữa.

Động thái trên cũng đồng nghĩa Facebook có thể sẽ phải nộp thuế nhiều hơn khi ghi nhận doanh thu ở một số quốc gia có thuế suất cao như Pháp, Đức và Italia. Tuy nhiên, cũng còn tùy thuộc vào cách hạch toán chi phí mà vẫn có khả năng tổng nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp này trên toàn cầu không tăng thêm là bao.

Về lộ trình thực hiện, theo lời Giám đốc Tài chính Dave Wehner, công việc này đòi hỏi nhiều “nguồn lực quan trọng” để thực hiện và sớm nhất có lẽ cũng phải đợi đến nửa sau của năm 2019. Ông Wehner khẳng định việc chuyển sang áp dụng cơ cấu thuế mới sẽ giúp tăng cường minh bạch các hoạt động của Facebook.

Facebook hiện có hơn 30 văn phòng quốc tế và trong tương lai vẫn sẽ đặt trụ sở chính tại Menlo Park (California, Mỹ) trong khi văn phòng tại Dublin (Ai-len) tiếp tục là trụ sở cho các hoạt động quốc tế.

Facebook và nhiều công ty công nghệ khác từ nhiều năm qua đã là tâm điểm chỉ trích của nhiều nước trên thế giới trong các cáo buộc trốn thuế thông qua mô hình luân chuyển doanh thu, chi phí rất phức tạp và tinh vi nhằm giảm thiểu lợi nhuận chịu thuế.

Tháng trước, Italia đã đề xuất một chính sách thuế mới áp dụng cho các khoản doanh thu phát sinh từ nền tảng kỹ thuật số, buộc các đơn vị quảng cáo bán hàng trên Google và Facebook phải tự khấu trừ 6% giá trị mỗi giao dịch để nộp vào kho bạc nước này.

Facebook dần chấp nhận nộp thuế ở nước sở tại - Ảnh 1.

Cơ cấu thuế mới sẽ giúp tăng cường minh bạch các hoạt động của Facebook

Lùi một bước  trước sức ép

Trong khi đó, tại nước Pháp, Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire từng lên tiếng thúc giục cả châu Âu đòi quyền lợi cho chính mình và “buộc Google, Amazon và Facebook nộp đủ số tiền đang giữ của những người đóng thuế châu Âu”.

Những công ty công nghệ lớn như Facebook hay Google đang rất chuộng mô hình “Hai công ty Ai-len” (Double Irish) để giảm số thuế phải nộp xuống mức tối thiểu.

Theo mô hình này, một doanh nghiệp Mỹ có thể lập ra hai chi nhánh ở Ai-len, trong đó một chi nhánh (A) chịu thuế ở Ai-len, chi nhánh còn lại (B) đăng ký ở Ai-len nhưng chịu thuế ở một thiên đường thuế nào đó.

Công ty A thu tiền của khách hàng, rồi lại dùng tiền đó để trả phí sử dụng tài sản trí tuệ cho công ty B (theo thỏa thuận của công ty B với công ty mẹ, cho phép công ty B sử dụng tài sản trí tuệ). Phần lời lãi còn lại đối với công ty A sẽ chịu thuế của Ai-len, nhưng phần lợi nhuận này không đáng kể và thuế suất của Ai-len cũng rất hấp dẫn. Lợi nhuận của công ty mẹ ở Mỹ cuối cùng được thể hiện ở lợi nhuận của công ty B, mà công ty này lại đặt ở thiên đường thuế, nơi có thuế suất cực kỳ thấp, thậm chí 0%.

Tuy nhiên đến năm 2020, mô hình này sẽ không được phép áp dụng nữa, chính vì thế mà các tập đoàn lớn đang phải đi tìm các giải pháp thay thế. Và Facebook là một trong những công ty công nghệ đầu tiên thay đổi cơ cấu thuế của mình theo hướng “phát sinh doanh thu ở đâu, chấp nhận nộp thuế ở đó”, mà hai quốc gia thí điểm là Anh và Australia.

Năm 2016, Facebook từng tuyên bố sẽ hạch toán tại chỗ doanh thu quảng cáo ở Anh thay vì điều chuyển qua Ai-len. Số thuế phải nộp ngay lập tức tăng 900.000 Bảng, lên 5,1 triệu Bảng - một mức điều chỉnh không đáng kể nếu so với mức tăng 4 lần về doanh thu.

Tuy nhiên, Facebook lẽ ra phải nộp nhiều hơn nếu không được hưởng ưu đãi liên quan đến chính sách thưởng cho nhân viên.

Một đại gia công nghệ khác là Google, cũng tỏ ra thiện chí nộp thuế nhiều hơn ở châu Âu khi chấp nhận truy nộp 130 triệu Bảng cho chính phủ Anh cho giai đoạn 10 năm trước đó nộp thiếu.

Theo Hải Châu

Cùng chuyên mục
XEM