Elon Musk: 'TikTok đang đẩy nhanh quá trình thoái trào của một nền văn minh'
“Có phải TikTok đang phá hủy nền văn minh không? Một số người nghĩ như vậy đấy. Hoặc có lẽ là mạng xã hội nói chung’’, Elon Musk chia sẻ.
Theo The New York Post, Elon Musk hồi tháng trước đã “khuấy đảo” mạng xã hội bằng giả thuyết cho rằng TikTok có thể đang đẩy nhanh quá trình thoái trào của một nền văn minh nhân loại. Chiếc Tweet này thu hút sự quan tâm của đông đảo cộng đồng mạng và nhanh chóng đạt hơn 425.000 lượt thích.
“Có phải TikTok đang phá hủy nền văn minh không? Một số người nghĩ như vậy đấy. Hoặc có lẽ là mạng xã hội nói chung’’, Elon Musk chia sẻ trên trang Twitter cá nhân. Trước đó, ứng dụng chia sẻ video của Trung Quốc cũng từng bị cho là tạo ra những xu hướng “ngớ ngẩn” và “nguy hiểm” thông qua các thử thách với hashtag #challenge thu hút giới trẻ.
Dẫu vậy, trong một cuộc họp trực tuyến mới đây với các nhân viên Twitter về thương vụ mua lại nền tảng truyền thông xã hội Twitter, Elon Musk vẫn khen ngợi TikTok vì hoàn thành tốt vai trò của mình khi giúp người dùng không còn cảm thấy buồn chán, theo BI. Ông muốn Twitter cũng có được sự tương tác như vậy, song “theo một cách khác’’.
“Tôi thấy một số video của họ gây khó chịu, nhưng chúng không hề nhàm chán”, Elon Musk cho biết, đồng thời đặt ra giả thuyết rằng TikTok đã “tạo ra những thuật toán hấp dẫn nhất có thể” để lôi kéo lượng người dùng trẻ khổng lồ.
Mô tả về việc sử dụng nền tảng video nhắm mục tiêu tới thế hệ Z, Musk cho biết: “Đây giống như một dạng ADD, hay rối loạn thiếu tập trung’’.
“Đặc tính gây nghiện” của TikTok được giáo sư Galloway thuộc Đại học New York ví như một dạng "cocaine kỹ thuật số"
Hồi năm ngoái, các bác sĩ tâm lý đã cảnh báo về một căn bệnh đáng sợ, khi các cô gái trẻ bắt đầu có những triệu chứng của TIC - một dạng rối loạn khiến trẻ lặp đi lặp lại các hành động không chủ ý và không kiểm soát được được hành động của cơ thể.
Trước đó, “đặc tính gây nghiện” của TikTok được giáo sư Galloway thuộc Đại học New York ví như một dạng "cocaine kỹ thuật số". Quan điểm này cũng được nhà báo John Koetsier của Forbes ủng hộ. Ông cho biết mình từng trải nghiệm TikTok và thấy mạng xã hội này gây nghiện "đến mức đáng sợ".
"Tôi thử tải ứng dụng, tìm hiểu nó và bắt đầu xem các video ngắn 15 giây. Một tiếng sau, tôi giật mình và tự hỏi buổi chiều của mình đã trôi qua quá nhanh", Koetsier nói. "Bằng một cách nào đó, tôi bị nghiện ngay từ lần thử đầu tiên".
Nếu xét tới tổng lượng người dùng hoạt động hàng tháng, TikTok có phần kém cạnh hơn Facebook (2,9 tỷ) và Instagram (2 tỷ). Tuy nhiên, các video ngắn trên nền tảng này lại rất có sức hấp dẫn, đặc biệt với thế hệ trẻ.
Elon Musk cho rằng TikTok có thể đang đẩy nhanh quá trình thoái trào của một nền văn minh
Theo số liệu của Omni Core Agency hồi tháng 3, người dùng TikTok chủ yếu là thế hệ trẻ. Trong đó 43% ở độ tuổi từ 18 đến 24; 3,4% trên 55 tuổi và giới nữ chiếm 57%. Trung bình mỗi người sẽ dành 11 phút mỗi lần truy cập để "lướt" 26 video TikTok, mỗi video kéo dài 15 giây. Theo Galloway, 26 là con số hoàn hảo để TikTok có thể thu thập nhiều dữ liệu từ người dùng, hơn hẳn các công ty khác.
"Nếu ví dữ liệu là loại dầu mỏ mới, thì chắc chắn, TikTok đang cung cấp loại dầu có chất lượng cao nhất thế giới", tờ Guardian nhận xét.
Theo Bloomberg, thời gian trung bình sử dụng TikTok của người dùng Mỹ rơi vào khoảng 29 giờ/tháng, nhiều hơn cả Facebook (16 giờ) và Instagram (8 giờ) cộng lại, theo nhà nghiên cứu di động Data.ai. TikTok theo đó bị ví như một dạng “thuốc phiện” khiến người dùng bị thu hút ngay từ lần đầu tiên.
Theo: New York Post