Economist: Tiền số và dấu hiệu ngày tàn của các ngân hàng thương mại?
Chào mừng đến với thế giới với sự xuất hiện của Fedcoin và e-Euro.
Sự thay đổi về công nghệ đang tác động mạnh đến ngành tài chính. Những đồng tiền số như Bitcoin đang từ một ý tưởng trở thành thị trường có tổng giá trị hơn 1 nghìn tỷ USD mà nhiều nhà quỹ đầu tư tài chính không thể không liếc nhìn.
Tại Phố Wall, những nhà giao dịch tiền số ngày một nhiều hơn khi những công ty nổi tiếng như Paypal cũng tham gia cuộc chơi. Trong khi đó, Trung Quốc lại đang thử nghiệm đồng tiền số của riêng mình trước nối lo ngại về sự bành trướng của Bitcoin.
Theo tờ The Economist, sự bùng nổ của công nghệ Blockchain và tiền số đang đe dọa mạnh đến sự tồn tại của các ngân hàng thương mại khi chính phủ cho phát hành những đồng tiền số được quản lý bởi ngân hàng trung ương. Nếu điều này xảy ra, người dân có thể gửi tiền trực tiếp đến ngân hàng trung ương và bỏ qua trung gian là các ngân hàng thương mại.
Cuộc cách mạng Fedcoin
Ngân hàng ngày nay đang toàn cầu hóa và mở rộng hơn bao giờ hết. Tổng tài sản của 1.000 ngân hàng lớn nhất thế giới đạt 128 nghìn tỷ USD năm 2020. Vậy nhưng từ cách đây hơn 10 năm khi cuộc khủng hoảng 2008 diễn ra với sự sụp đổ của Lehman Brothers, Cựu chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) Paul Volcker đã phải thốt lên rằng ngành ngân hàng không còn sự đổi mới nữa.
Lần cuối cùng mà ngân hàng đem lại điều mới mẻ thực sự cho thế giới là những chiếc máy rút tiền ATM, còn lại chỉ là các hoạt động truyền thống mà chẳng có gì thay đổi. Bất chấp việc ngân hàng ngày càng công nghệ hóa dịch vụ của mình nhưng các kỹ sư vẫn liên tục tìm cách loại bỏ bớt chi phí cũng như tăng hiệu quả trong ngành tài chính bằng các kỹ thuật mới mà tiêu biểu là Blockchain và tiền số.
Các nền tảng tài chính điện tử trên thế giới hiện nay đã có đến hơn 3 tỷ người dùng, chiếm gần một nửa tổng dân số toàn cầu. Trong khi đó hàng loạt công ty như Ant Group, Grab, Paypal hay thậm chí là Visa và Facebook cũng đang đua nhau tham dự cuộc chơi tiền số và tài chính điện tử.
Thậm chí các ngân hàng trung ương cũng đã bắt đầu tham gia cuộc chơi với phát súng đầu tiên thuộc về Trung Quốc. Ý tưởng mới này vô cùng đơn giản khi thay vì mở tài khoản ngân hàng thương mại, người dân có thể mở tài khoản với ngân hàng trung ương qua những ứng dụng tương tự như Alipay hay Venmo. Thay vì phải mất công viết séc thanh toán hay trả tiền bằng thẻ, mọi người có thể giao dịch bằng tiền số trên điện thoại trực tiếp từ ngân hàng trung ương.
Việc các ngân hàng trung ương phát hành tiền số khiến người dân có thể giữ tài sản trực tiếp vào chính phủ thay vì những ngân hàng thương mại có thể phá sản bất cứ lúc nào. Muốn vay tiền kinh doanh ư? Bạn chẳng cần phải nói chuyện với Citigroup hay thanh toán phí cho Mastercard đâu, các ngân hàng trung ương sẽ sẵn sàng phục vụ.
Câu chuyện này không hề viển vông khi hơn 50 định chế tài chính đang nghiên cứu việc phát triển đồng tiền số của nhà nước. Trong khi Trung Quốc đã phát hành đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số cho hơn 500.000 người dân dùng thử thì Liên minh Châu Âu (EU) đang nghiên cứu để phát hành tiền số của riêng họ vào năm 2025. Nước Anh đã thành lập đội chuyên viên để nghiên cứu tiền số chính phủ còn Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới đang xây dựng mô hình học thuyết đồng USD số.
Trong tương lai không xa, việc FED phát hành đồng tiền số Fedcoin hay EU cho ra đời e-Euro có lẽ là một khả năng không hề nhỏ.
Ngày tàn của ngân hàng thương mại?
Thế giới ngày nay khó mà tồn tại nếu thiếu ngành ngân hàng. Chi nhánh ngân hàng xuất hiện hầu như khắp mọi nơi và con người sử dụng dịch vụ ngân hàng trong gần như mọi hoạt động đời sống.
Tờ The Economist nhận định chừng nào còn có tiền thì chừng đó những tổ chức tài chính cất giữ tài sản cho cá nhân, doanh nghiệp vẫn sẽ tồn tại. Thế nhưng liệu các ngân hàng thương mại có tiếp tục trở thành những người trung gian giữa chính phủ và người dân trên thị trường tài chính hay không vẫn còn là câu hỏi trước sự bùng nổ của tiền số.
Những ngân hàng trung ương đã chứng kiến các công nghệ chuyển tiền và giao dịch mới hiệu quả hơn là dùng ngân hàng truyền thống. Hệ quả tất yếu là những nhà hoạch định chính sách sợ tiền mặt sẽ dần chấm dứt, và tệ hơn nữa là họ mất sự kiểm soát với hệ thống tài chính của đất nước.
Việc mọi người giao dịch hay đầu cơ bằng tiền số sẽ khiến ngân hàng khó truy tra, kiểm soát cũng như có các công cụ hữu hiệu để trợ giúp nền kinh tế. Nếu vai trò trung gian của các ngân hàng thương mại bị xói mòn bởi tiền số và không có tác dụng truyền tải hiệu quả những công cụ điều tiết của ngân hàng trung ương nữa thì chính phủ sẽ phải tạo nên một đồng tiền số của riêng mình nhằm giữ sự kiểm soát.
Đây có thể là một trong những nguyên nhân chính khiến Trung Quốc phát hành thử nghiệm tiền số của riêng mình đồng thời siết chặt quản lý các công ty tài chính trực tuyến như Ant Group của Alibaba.
Tiền số đang tác động mạnh đến ngành tài chính
Thêm vào đó, nhiều chuyên gia đánh giá một đồng tiền số của ngân hàng trung ương sẽ hiệu quả và ổn định hơn việc để mặc Bitcoin bành trướng. Những đồng Fedcoin hay e-Euro nếu được phát hành sẽ tiết kiệm khoảng 350 tỷ USD phí giao dịch qua ngân hàng thương mại mỗi năm và giúp 1,7 tỷ người không tiếp cận được ngân hàng có thể giao dịch trực tuyến.
Đối với chính phủ, việc dùng tiền số khiến họ có thể hạ lãi suất xuống dưới 0% để thúc đẩy đầu tư, chi tiêu dễ dàng. Đi kèm với đó là khả năng kiểm soát, truy tra thuế hiệu quả. Tất nhiên, sự ra đời của tiền số chính phủ cũng đồng nghĩa các ngân hàng thương mại truyền thống mất dần vị thế. Thay vào đó là những công ty công nghệ tài chính hay thậm chí là chính ngân hàng trung ương với các ứng dụng của mình.
Liệu có thực sự tốt?
Ngành ngân hàng hiện nay có khá nhiều nhược điểm, từ quá chậm và thu phí quá cao cho đến việc trở thành nguyên nhân chính trong các cuộc khủng hoảng trước đây. Thế nhưng liệu nền kinh tế có thể tồn tại nếu thiếu họ?
Hiện nay các ngân hàng trung ương hiện hữu rất ít trong nền kinh tế, khoảng 90% số tiền mặt trên thị trường nằm trong các ngân hàng thương mại. Bởi vậy sẽ rất khó để nói rằng các ngân hàng thương mại sẽ biến mất dần trước tiền số. Công nghệ mới dù hiệu quả nhưng vẫn còn nhược điểm, ví dụ như các cuộc tấn công tin tặc hay những vùng kinh tế xám không sử dụng được tiền số sẽ chuyển qua các loại hình giao dịch khác.
Do đó, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải xây dựng cả một hệ thống quy định mới cũng như cải tổ hoạt động của ngân hàng trung ương nếu muốn dùng tiền số. Họ cũng sẽ phải tìm cách giải quyết cho các ngân hàng thương mại khi tiền số chính phủ được phát hành và người dân không cần thông qua những tổ chức trung gian nữa.
Theo The Economist, một thế giới không ngân hàng thương mại có thể là một giấc mơ đẹp cho nền kinh tế, nhưng nó cũng có thể là cơn ác mộng nếu không có sự chuẩn bị đúng cách.
*Theo The Economist