Đứt dây chằng đầu gối: Trường hợp nào nên phẫu thuật?
Khi đứt, rách dây chằng, việc phẫu thuật hay không phải dựa trên nhiều yếu tố như độ tuổi bệnh nhân, cơ chế chấn thương, mức độ nghiêm trọng của chấn thương và nhu cầu vận động của người bệnh trong tương lai.
Đứt dây chằng đầu gối là chấn thương thường gặp trong tai nạn sinh hoạt hoặc khi vận động, tập luyện thể thao mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải, từ già đến trẻ, từ người bình thường cho đến các vận động viên chuyên nghiệp. Trong việc điều trị, phẫu thuật là một trong những phương pháp chính, nhằm tái tạo dây chằng giống với các đặc điểm và chức năng nguyên bản. Mặc dù mang lại hiệu quả cao, song không phải lúc nào việc phẫu thuật cũng luôn là lựa chọn lý tưởng cho mọi trường hợp điều trị đứt dây chằng.
Có phải cứ đứt, rách dây chằng là phẫu thuật?
Chủ tịch Hội Nội soi khớp và Thay khớp Việt Nam - TS.BS Tăng Hà Nam Anh - Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Tâm Anh cho biết, chỉ định mổ đứt dây chằng dựa trên nhiều yếu tố như độ tuổi bệnh nhân, cơ chế chấn thương, mức độ nghiêm trọng của chấn thương và nhu cầu vận động của người bệnh trong tương lai.
Theo đó, với những trường hợp chỉ bị rách bán phần dây chằng, đứt dây chằng ở trẻ em hoặc bệnh nhân lớn tuổi, phương pháp điều trị bảo tồn kết hợp phục hồi chức năng được đánh giá cao hơn việc phẫu thuật. Khi thực hiện cách điều trị này, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi và các bài tập phục hồi được bác sĩ thiết kế riêng. Ngoài ra, những bệnh nhân đã được xác định là đứt dây chằng nhưng không có nhu cầu vận động mạnh, không có triệu chứng mất vững khớp gối cũng ít khi được chỉ định phẫu thuật.
Còn đối với các trường hợp dây chằng bị đứt hoàn toàn, không thể tự lành và mất vững khớp gối, ảnh hưởng đến khả năng vận động, sinh hoạt, chơi thể thao... sẽ buộc phải tiến hành phẫu thuật. Điển hình như trường hợp nghệ sĩ biểu diễn tâng bóng nghệ thuật Trọng Thy, bị đứt toàn phần dây chằng, không thể tập luyện cũng như đi lại, do đó, phẫu thuật là phương pháp tối ưu nhất. Chỉ sau 1 ngày cấy ghép dây chằng nhân tạo tại BVĐK Tâm Anh, Trọng Thy đã có thể đi lại nhẹ nhàng.
"Phù thủy tâng bóng" Trọng Thy phẫu thuật ghép dây chằng nhân tạo tại BVĐK Tâm Anh
Bên cạnh đó, dây chằng đứt kéo theo những tổn thương nghiêm trọng khác như rách sụn chêm, ảnh hưởng các dây chằng kế cận... cũng là trưởng hợp cần phải phẫu thuật. Chẳng hạn các cầu thủ chuyên nghiệp, với đặc thù vận động cường độ mạnh nên việc rách, đứt dây chằng thường dẫn đến các tổn thương khác trong khớp gối, nếu không phẫu thuật sẽ biến chứng khó lường.
Các phương pháp phẫu thuật dây chằng đầu gối tối ưu
Tùy vào tình trạng tổn thương của dây chằng, các bác sĩ sẽ đưa ra phương án phẫu thuật phù hợp. Nếu dây chằng chỉ đứt bán phần hoặc đứt toàn phần nhưng ở sát lồi cầu xương đùi, trong vòng 21 ngày – thời điểm "vàng" khi vẫn còn các mạch máu nuôi, hoàn toàn có thể khâu nối lại dây chằng.
Phương pháp này phục hồi và tái tạo dây chằng rất tốt, giúp giữ được điểm bám nguyên thủy tự nhiên của dây chằng. ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ - Trưởng khoa Y học thể thao và Nội soi, Phó Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình - BVĐK Tâm Anh là người tiên phong tại Việt Nam thành công trong việc nối dây chằng và đưa kỹ thuật này thực hiện thường quy tại hệ thống BVĐK Tâm Anh từ năm 2021.
ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ đang phẫu thuật nối dây chằng cho bệnh nhân
Với phương pháp trên, người bệnh cần lưu ý khái niệm "cấp cứu dây chằng", khi có tổn thương khớp gối nên thăm khám ngay. Nếu thấy vẫn còn đi lại được mà chủ quan, dễ bỏ qua thời điểm "vàng" để cấp cứu dây chằng, khiến dây chằng tự nhiên bị xơ hóa, do đó phải buộc dùng đến phương pháp cấy ghép gân cho, gân tự thân hoặc gân nhân tạo.
Còn với trường hợp đứt hoàn toàn ở giữa dây chằng, bệnh nhân có thể cấy ghép gân tự thân hoặc gân cho từ người khác để thay thế cho dây chằng đã bị đứt. Nhược điểm lớn nhất của phương pháp này là thời gian phục hồi khá lâu (6 đến 9 tháng). Nếu dùng gân tự thân, bệnh nhân phải trải qua 2 lần tổn thương, mất thời gian để phục hồi cả vị trí cho lẫn vị trí nhận.
Hiện nay, cấy ghép dây chằng nhân tạo đang là phương pháp mang lại hiệu quả hàng đầu trong việc điều trị đứt hoàn toàn dây chằng khớp gối, được Y học thể thao hiện đại sử dụng rộng rãi. Cách điều trị này giúp rút ngắn thời gian phục hồi, đồng thời hạn chế tổn thương lần 2 từ việc lấy gân tự thân. Tại Việt Nam, BVĐK Tâm Anh là đơn vị tiên phong thực hiện thành công nhiều ca cấy ghép dây chằng nhân tạo cho các bệnh nhân thông thường lẫn cầu thủ chuyên nghiệp.
Trước kia, nhiều người bị chấn thương dây chằng thường phải ra nước ngoài phẫu thuật. Nguyên nhân là do nước ngoài có ngân hàng gân cho lẫn gân nhân tạo. Ngoài ra, những quốc gia phát triển cũng có máy móc đánh giá sức mạnh và mức độ tổn thương khớp gối, còn đánh giá lâm sàng tại Việt Nam thường dựa nhiều vào trình độ và kinh nghiệm chuyên gia.
Robot lượng giá dây chằng tại BVĐK Tâm Anh
Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam đã có BVĐK Tâm Anh sở hữu chính thức ngân hàng dây chằng nhân tạo thế hệ mới nhất (thế hệ thứ 3), có khả năng cung cấp các dịch vụ thay dây chằng tối ưu. Đồng thời, đơn vị này cũng thực hiện đánh giá sức mạnh dây chằng bằng robot lượng giá dây chằng. Thiết bị này hiện nay chỉ có 1 máy tại Việt Nam. Những câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp trên thế giới như Juventus, Barcelona, Monaco,… đều đang sử dụng robot nói trên.