Đường sắt Thống Nhất của Việt Nam đứng đầu trong các hành trình xe lửa tuyệt vời nhất thế giới, tỷ lệ khởi hành đúng giờ "ăn đứt" các hãng hàng không

30/05/2023 10:30 AM | Kinh doanh

Lonely Planet - nhà xuất bản chuyên về du lịch lớn nhất thế giới vừa ra mắt cuốn sách “Amazing Train Journeys”, tập hợp những chuyến đi bằng đường sắt vĩ đại nhất thế giới. Trong số 8 hành trình xe lửa tuyệt vời nhất được giới thiệu, đứng đầu tiên là tuyến đường sắt Bắc Nam - đường sắt Thống Nhất.

Đường sắt Thống Nhất của Việt Nam đứng đầu trong các hành trình xe lửa tuyệt vời nhất thế giới, khởi hành đúng giờ lên tới 98,9% - Ảnh 1.

"Một số tuyến đường sắt chạy qua các thành phố lịch sử, chạy lướt qua những bờ biển đẹp ngoạn mục, du khách sẽ được tận mắt nhìn thấy một Việt Nam đa sắc màu, hội tụ đầy đủ những tinh hoa của cảnh quan, nhiên nhiên và con người. Tuyến đường sắt Thống Nhất (hay còn được gọi là Đường sắt Bắc-Nam) đáp ứng tất cả các tiêu chí này." - Lonely Planet viết.

Đường sắt Bắc - Nam, Việt Nam được bắt đầu từ thủ đô Hà Nội và kết thúc tại Thành phố Hồ Chí Minh; với quãng đường dài 1.726 km. Thời gian di chuyển là 32 giờ.

Tuyến đường sắt uốn cong suốt chiều dài đất nước, di chuyển hơn 1.700 km chạy qua các thành phố lịch sử khám phá tất cả các địa điểm nổi tiếng ở giữa hai miền Việt . Đây còn là một trong những tuyến đường sắt được yêu thích nhất ở Đông Nam Á - và là tuyến đường sắt xuyên đêm hoành tráng nhất trên thế giới.

Đường sắt Thống Nhất của Việt Nam đứng đầu trong các hành trình xe lửa tuyệt vời nhất thế giới, khởi hành đúng giờ lên tới 98,9% - Ảnh 2.

Tuyến đường sắt đầu tiên của Việt Nam được xây dựng vào năm 1881 với chiều dài 71km nối Sài Gòn với Mỹ Tho. Sau đó tuyến đường sắt xuyên Việt bắt đầu được khai thác vào năm 1936. Đến nay, mạng đường sắt đã có 7 tuyến chính nối liền 35 tỉnh thành qua nhiều địa hình đặc biệt.

Với hơn 130 năm khai thác, ĐSVN liên tục phát triển, hiện trở thành Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, khai thác và duy trì toàn bộ cơ sở hạ tầng của mạng đường sắt quốc gia.

Đường sắt Thống Nhất của Việt Nam đứng đầu trong các hành trình xe lửa tuyệt vời nhất thế giới, khởi hành đúng giờ lên tới 98,9% - Ảnh 3.

Hình ảnh minh họa

Trải qua 2 năm khó khăn do Covid -19, năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã bắt đầu phục hồi và có lãi từ kinh doanh vận tải.

Cụ thể, doanh thu của VNR đạt hơn 7.700 tỷ đồng, bằng 113,8% so cùng kỳ và đạt 115,8% kế hoạch năm. Tuy lợi nhuận sau thuế ở mức âm 130,5 tỷ đồng, song kết quả trên ngiúp doanh nghiệp giảm lỗ 407 tỷ đồng so với năm 2021.

Bên cạnh sự tăng trưởng so với cùng kỳ của vận tải hàng hóa, vận tải hành khách cũng đạt kết quả nổi bật. Vận chuyển hành khách của đường sắt năm 2022 đạt 4,52 triệu lượt hành khách lên tàu, bằng 310,7% cùng kỳ; vận chuyển hàng hoá đạt 5,7 triệu tấn, bằng 100,8% so với cùng kỳ. Vận tải hành khách bằng đường sắt tăng mạnh do bố trí biểu đồ, lịch trình và lựa chọn tuyến vận tải hợp lý, khoa học phù hợp với nhu cầu của hành khách và năng lực phục vụ.

Tỷ lệ tàu đi đúng giờ đối với tàu khách Thống nhất chạy tuyến Bắc - Nam đạt 98,9%; đến đúng giờ đạt 77,4%. Tàu khách khu đoạn đi đúng giờ đạt 97,7% (tăng 1,3% so cùng kỳ năm 2021); đến đúng giờ đạt 84,6% (tăng 3,6% so cùng kỳ năm 2021).

Một số liệu tham khảo đối với tỷ lệ cất cánh đúng giờ (OTP) của ngành hàng không: Năm 2022, Bamboo Airways là hãng bay có tỷ lệ OTP cao nhất toàn ngành, đạt 95,2%, cao hơn 5,5% so với tỷ lệ đúng giờ trung bình của toàn ngành hàng không.

Hệ số sử dụng chỗ của tàu khách dịp hè 2022 đạt mức cao hơn các năm trước (kể cả năm chưa có dịch) nhờ tổ chức chạy tàu hợp lý, khoa học, đáp ứng nhu cầu của các tuyến ngắn, các điểm đến có khu du lịch; luồng khách nước ngoài cũng dần phục hồi.

Đường sắt Thống Nhất của Việt Nam đứng đầu trong các hành trình xe lửa tuyệt vời nhất thế giới, khởi hành đúng giờ lên tới 98,9% - Ảnh 4.

Hình ảnh minh họa

Về kế hoạch hoạt động trong năm 2023, Tổng Giám đốc VNR Đặng Sỹ Mạnh cho biết: Xác định trong năm nay hoạt động sản xuất kinh doanh vận tải đường sắt còn chưa phục hồi hoàn toàn sau dịch Covid-19, trong khi vẫn gặp nhiều áp lực cạnh tranh từ vận tải hàng không và đường bộ về vận tải khách; vận tải hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng do vận tải đường biển sau giai đoạn biến động cước tăng cao đã giảm trở lại mức cước cũ và cung tải tàu biển đã tăng trở lại như trước dịch.

VNR tiếp tục xác định mục tiêu số một là đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, lấy khách hàng làm trung tâm để tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, điều chỉnh linh hoạt cơ cấu, quy mô tổ chức sản xuất, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp và khai thác tối đa các nguồn lực, không ngừng cải thiện năng suất lao động.

Trên cơ sở này, đường sắt phấn đấu không lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính. Phấn đấu tỉ lệ tàu khách đi đúng giờ đạt 99%, đến đúng giờ đạt 77% trở lên. Cải tiến chất lượng dịch vụ vận tải đường sắt, đặc biệt công tác phục vụ hành khách trên tàu, dưới ga và công tác xếp dỡ tại các ga vận tải hàng hóa. Ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng nhân lực hiệu quả... nhằm giảm chi phí sản xuất để tăng khả năng cạnh tranh với các loại hình vận tải khác.

Bên cạnh đó, duy trì các mác tàu, tuyến đường hiệu quả cao; tăng cường vận tải container, vận tải liên vận quốc tế và tích cực tham gia vào chuỗi logistics; tăng cường thu hút hàng xuất khẩu sang châu Âu... bằng đường sắt. Nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ tàu chuyên tuyến, tàu container Bắc - Nam, container lạnh…

An Vũ

Cùng chuyên mục
XEM