Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Chạy thêm 3 đoàn tàu, chỉ chờ 6 phút/chuyến

18/10/2022 14:15 PM | Xã hội

Bộ GTVT cho hay, hiện tàu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) đã tăng khai thác từ 6 lên 9 đoàn tàu/ngày, giúp giảm thời gian chờ giữa các chuyến tàu từ 10 phút xuống còn 6 phút/chuyến.

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), từ khi đi vào hoạt động thương mại tới nay (từ tháng 11/2021), tàu đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đã vận chuyển hơn hơn 5,4 triệu lượt khách , bình quân 18.300 khách/ngày.

Sau 10 tháng vận hành khai thác 6 đoàn tàu (mỗi chuyến tàu chạy cách nhau 10 phút), hiện đơn vị khai thác đã tăng số đoàn tàu khai thác lên 9 đoàn. Việc tăng số đoàn tàu chạy đã giúp giảm thời gian chờ giữa các chuyến tàu chạy xuống còn 6 phút/chuyến. Dự án đường sắt đô thị này có tổng cộng 13 đoàn tàu và đã được nhập về toàn bộ.

Dù đã khai thác thương mại gần 1 năm nay, nhưng Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa thực hiện được hết các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán vào năm 2018.

Lý giải về vấn đề hậu kiểm toán, Bộ GTVT cho biết, do đây là dự án đầu tiên triển khai ở Việt Nam nên một số hạng mục, công việc đặc biệt liên quan tới định mức, đơn giá chưa có khung quy định, cũng chưa có tiền lệ để tham chiếu.

Dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC (hợp đồng trọn gói), tổng thầu là nhà thầu nước ngoài (nhà thầu Trung Quốc) theo hiệp định vay vốn. Theo Bộ GTVT, tổng thầu cho rằng không có nghĩa vụ và từ chối thực hiện các kết luận của Kiểm toán Nhà nước; đặc biệt là với các nội dung liên quan chi phí bổ sung, phát sinh, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục…

“Đây là dự án đường sắt đô thị lần đầu tiên được thí điểm thực hiện tại Việt Nam, một số định mức đơn giá chưa được ban hành; không thể lập lại tại thời điểm dự án đã hoàn thành công tác thi công, xây dựng dẫn đến việc hoàn thiện theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước gặp nhiều khó khăn”, Bộ GTVT giải thích.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chia làm 14 gói thầu, tới nay còn 6 gói thầu đang thực hiện, gồm: Gói thầu về thiết kế, cung cấp vật tư, thiết bị, xây lắp toàn dự án; gói thầu tư vấn giám sát thi công và lắp đặt; gói thầu tư vấn thẩm tra thiết kế kỹ thuật (hoàn thành 90%); gói thầu bảo hiểm công trình (hoàn thành 53%); gói thầu kiểm toán quyết toán dự án hoàn thành; gói thầu đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng, trong đó vay ODA Trung Quốc 13.867 tỷ đồng, vốn đối ứng của Việt Nam hơn 4.134 tỷ đồng. Tới nay, dự án đã giải ngân hơn 16.300 tỷ đồng, trong đó vốn ODA giải ngân hơn 13.400 tỷ đồng, vốn đối ứng giải ngân hơn 2.800 tỷ đồng.

Theo Lê Hữu Việt

Cùng chuyên mục
XEM