Đường Khuất Duy Tiến qua hành trình gần 40 năm lập nghiệp của ông lão sửa chữa đồng hồ

28/05/2022 15:15 PM | Kinh doanh

Từ vùng ngoại ô lên Hà Nội học tập từ năm 1984, giờ đây ông lão sửa chữa đồng hồ trên đường Khuất Duy Tiến cũng chưa thể nào ngờ được, lại có con đường đẹp đến thế.

Trong hành trình hiểu về sự lột xác lạ kỳ của tuyến đường Vành đai 3 trong suốt 20 năm qua, phóng viên tình cờ gặp ông Nguyễn Văn Vũ (76 tuổi, trú tại nhà B10, Khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Q. Thanh Xuân, Hà Nội).

Tiệm sửa chữa đồng hồ của ông Vũ nằm giản dị ở một góc sân chơi giữa nhà B10 và B11 của khu tập thể hướng ra mặt đường Khuất Duy Tiến đông đúc vào giờ cao điểm buổi chiều.

Đường Khuất Duy Tiến qua hành trình gần 40 năm lập nghiệp của ông lão sửa chữa đồng hồ

"Tuổi trẻ chúng tôi không nghĩ tới có con đường đẹp như thế này!"

Cách đây gần 40 năm, ông Vũ từ một thôn quê ven sông Đáy thuộc huyện Mỹ Đức (Hà Tây, nay thuộc Hà Nội) lên nhập học tại Trường Nguyễn Ái Quốc I (nay là Học viện Chính trị Khu vực I, trụ sở đặt tại số 15 Khuất Duy Tiến, Q. Thanh Xuân, Hà Nội).

Thời điểm đó, đường Khuất Duy Tiến chưa được rộng như bây giờ, chỉ là một đường xóm nhỏ giáp ranh giữa hai phường Thanh Xuân Bắc và Thanh Xuân Nam, phục vụ chủ yếu cho việc vận chuyển vật liệu xây dựng của các cơ sở sản xuất gạch thủ công quanh đó, vừa đủ cho xe công nông di chuyển.

Đường Khuất Duy Tiến qua hành trình gần 40 năm lập nghiệp của ông lão sửa chữa đồng hồ - Ảnh 2.

Ông Vũ chăm chú làm việc.

"Vào những ngày nghỉ, chúng tôi thường vượt tường của trường chạy sang ao bên lò gạch đó để đánh cá", ông Vũ nhớ lại.

Sau đó ít năm, khu nhà 5 tầng của Khu tập thể (KTT) Thanh Xuân Bắc được hoàn thành. Con đường đất này được sửa sang thành một đường bê tông, phục vụ chủ yếu cho việc đi lại của người dân trong khu.

Vào những năm 90 mới có kế hoạch làm tuyến đường Vành đai 3, chạy từ phía Nam cầu Thăng Long cho tới phía Nam cầu Thanh Trì. Đến năm 2001, đường được khởi công, đoạn từ nút giao thông Trung Hòa đến ngã tư Nguyễn Trãi được đặt tên là đường Khuất Duy Tiến.

Nhưng do vướng mắc về vấn đề giải phóng mặt bằng nên cho đến trước dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010), đường Khuất Duy Tiến dài 1,7km – thuộc đường Vành đai 3 mới được hoàn thành phần dưới đất, phần trên cao tới 2012 mới hoàn thành.

Đường Khuất Duy Tiến qua hành trình gần 40 năm lập nghiệp của ông lão sửa chữa đồng hồ - Ảnh 3.

Hiện trạng đường Vành đai 3, đường Khuất Duy Tiến khi xưa

"Giờ đây là một đường hiện đại, có thể nói vào bậc nhất Thủ đô, vì có đường cao tốc trên cao, phía dưới là đường đô thị với nhiều làn xe", ông Vũ kể. Cũng theo ông, nhiều người xa Hà Nội cỡ 20 năm, khi trở lại họ không nhận ra được khu vực này.

Chứng kiến sự phát triển thần kỳ đó của đường Khuất Duy Tiến nói riêng cả đường Vành đai 3 nói chung trong suốt 40 năm, ông Vũ không khỏi giật mình: "Tuổi trẻ chúng tôi chưa từng nghĩ có một con đường đẹp như thế này! Hà Nội là đại diện cho bộ mặt của đất nước, nên nó thể hiện sự phát triển nhanh, lớn mạnh của đất nước".

Đường Khuất Duy Tiến qua hành trình gần 40 năm lập nghiệp của ông lão sửa chữa đồng hồ - Ảnh 4.

Đường Khuất Duy Tiến đoạn qua Khu tập thể Thanh Xuân Bắc (bên trái).

Đường Khuất Duy Tiến qua hành trình gần 40 năm lập nghiệp của ông lão sửa chữa đồng hồ - Ảnh 5.

Phần đường đô thị rộng thênh thang trên đường Khuất Duy Tiến.

Sẽ có những con đường Vành đai 5, Vành đai 6

Vào đầu những năm 2000, sau khi nghỉ hưu tại một doanh nghiệp cơ khí, ông Vũ mở một tiệm sửa chữa đồng hồ nho nhỏ tại sân chơi kể trên. Mối gắn bó của ông và con đường Khuất Duy Tiến ngày càng trở nên khăng khít hơn.

Thời điểm đầu đường mới mở rộng, các phương tiện giao thông di chuyển rất thoải mái, nhưng một thời gian ngắn sau đó lại đông lên rất nhanh, diễn ra cảnh tắc đường. Buổi chiều, kể từ 3h30 cho tới 8h30 tối, các phương tiện di chuyển chậm, việc ách tắc xảy ra thường xuyên.

Đường Khuất Duy Tiến qua hành trình gần 40 năm lập nghiệp của ông lão sửa chữa đồng hồ - Ảnh 6.

Ông Vũ sửa chữa đồng hồ cho khách.

"Nếu có sự sắp xếp tốt hơn, có lẽ cũng đỡ tắc. Nhưng tính cách của người dân mình, ai cũng vội cả, cứ chen lấn. Trên vỉa hè, các xe máy cũng leo lên, thành ra ùn tắc kéo dài hơn", ông Vũ bày tỏ.

Tình trạng này cũng hợp lẽ với vai trò, vị trí quan trọng của tuyến đường trong việc là cửa ngõ của Thủ đô, kết nối các phương tiện ở các tỉnh phía Bắc, Tây Bắc, phía Nam về trung tâm thành phố.

Để giải quyết tình trạng này, UBND TP Hà Nội đã duyệt thêm vốn để hoàn thiện đường Vành đai 3, Vành đai 3.5, cùng với đó chủ trương đầu tư xây dựng Vành đai 4 (dài 112,8km).

"Chắc chắn sẽ còn có thêm những con đường nữa, đường Vành đai 5, đường Vành đai 6 chẳng hạn, để giảm thiểu lưu lượng phương tiện giao thông trên đường Khuất Duy Tiến, Vành đai 3", ông Vũ chia sẻ.

Trước nỗi lo lắng tuổi cao, công việc lại phải thường xuyên đối diện với tiếng ồn giao thông của đường Khuất Duy Tiến, ông Vũ cười vui: "Thực ra khi làm việc, tôi chả để ý ra bên ngoài được nữa. Đâm ra đã thành một thói quen rồi, nên không ảnh hưởng đến sức khỏe hay cuộc sống gì cả".

Theo Trường Hùng

Cùng chuyên mục
XEM