Đường dây cho vay lãi nặng hơn 1.800 tỷ đồng được triệt phá như thế nào?

23/07/2022 09:13 AM | Xã hội

Ngày 22/7, Công an TP Lào Cai (Lào Cai) đã thông tin thêm về đường dây cho vay lãi nặng qua ứng dụng điện thoại di động, hoạt động xuyên biên giới vào Việt Nam.

Theo lãnh đạo Công an TP Lào Cai, trước đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công an về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP Lào Cai đã tăng cường lực lượng nắm địa bàn, nắm tình hình.

Đường dây cho vay lãi nặng hơn 1.800 tỷ đồng được triệt phá như thế nào? - Ảnh 1.

Đại tá Trần Quốc Huy, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lào Cai có mặt tại hiện trường, tham gia chỉ đạo việc phá án.

Quá trình rà soát, ngày 26/1/2021, Công an TP Lào Cai đã xác lập chuyên án đấu tranh với nhóm đối tượng có dấu hiệu cho vay lãi nặng (tín dụng đen) qua ứng dụng (APP) điện thoại di động trên địa bàn TP Lào Cai. Để nắm bắt tình hình, các mũi trinh sát dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an TP đã tăng cường công tác nắm tình hình. Qua các tài liệu thu thập được, Công an TP Lào Cai đã xác định quy mô, tính chất hoạt động của nhóm đối tượng liên quan đến địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước gồm: TP Lào Cai, TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội với phương thức hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao; có sự chỉ đạo, điều hành của đối tượng người nước ngoài.

Trước tình hình trên, Công an TP Lào Cai đã báo cáo lãnh đạo Công an tỉnh Lào Cai và đề xuất phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, triệt phá. Với sự phối hợp của Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an, Ban chuyên án đã xác định quy mô, tính chất của nhóm tội phạm rất nghiêm trọng, phức tạp.

Đường dây cho vay lãi nặng hơn 1.800 tỷ đồng được triệt phá như thế nào? - Ảnh 2.

Các thành viên Ban chuyên án thu thập tài liệu chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng.

Do vậy, lãnh đạo Công an tỉnh Lào Cai đã cùng các đơn vị nghiệp vụ báo cáo lãnh đạo Bộ Công an nâng chuyên án do Công an TP Lào Cai xác lập thành chuyên án cấp Bộ; Trưởng Ban Chuyên án là Trung tướng Nguyễn Minh Chính - Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Phó trưởng Ban Chuyên án là Thiếu tướng Hồ Sỹ Niêm, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự và Đại tá Lưu Hồng Quảng, Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai. Thành viên Ban Chuyên án là Công an TP Lào Cai; Phòng 5, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự.

Quá trình điều tra, Ban chuyên án xác định đây là đường dây phạm tội có tổ chức xuyên quốc gia, được tổ chức chặt chẽ, do các đối tượng người nước ngoài cầm đầu, móc nối với các đối tượng trong nước. Chúng lập các bộ phận chuyên trách đặt tại địa bàn 3 tỉnh, thành phố, gồm: Bộ phận quản lý, điều hành, thẩm định, hỗ trợ hoạt động vay tại TP Hồ Chí Minh; bộ phận trung gian thanh toán hoạt động chi hộ/thu hộ tại TP Hà Nội; bộ phận nhắc nợ/thu hồi nợ tại tỉnh Lào Cai do Nguyễn Thị Hoài Thương (SN 1993, trú tại Long Thạnh Mỹ, quận 9, TP Hồ Chí Minh), Phạm Thị Huyền (SN 1990, trú tại Vạn Hòa, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai), Chống Ngọc Phụng (SN 1999, trú tại phường 11, Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) điều hành.

Đường dây cho vay lãi nặng hơn 1.800 tỷ đồng được triệt phá như thế nào? - Ảnh 3.

Một số hình ảnh trong quá trình phá án.

Xác định thời điểm triệt phá chuyên án chín muồi, vào 9h ngày 12/7, ba tổ công tác tại tỉnh Lào Cai, TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đồng loạt ra quân thực hiện nhiệm vụ. Tại TP Lào Cai, tổ công tác phối hợp gồm 120 cán bộ, chiến sỹ thuộc các lực lượng Công an TP Lào Cai, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, các đơn vị nghiệp vụ được chia thành 5 mũi đồng loạt triệu tập; khám xét tại phòng 601, 602, 603 của số nhà 055, đường Hoàng Văn Thụ, tổ 22, phường Cốc Lếu. Quá trình khám xét đã bắt giữ đối tượng Phạm Thị Huyền cùng 17 đối tượng nhân viên đang có hành vi đòi nợ, nhắc nợ, thu hồi nợ và thu giữ toàn bộ tài liệu, vật chứng, dữ liệu điện tử liên quan đến hoạt động đòi nợ, nhắc nợ, thu hồi nợ của nhóm đối tượng tại Lào Cai.

Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng tiến hành khám xét tại nhà riêng của đối tượng Phạm Thị Huyền tại thôn Giang Đông 2, xã Vạn Hòa, TP Lào Cai; triệu tập 11 đối tượng có liên quan. Qua đó, đã phát hiện thu giữ nhiều tài liệu, vật chứng, dữ liệu điện tử liên quan đến hoạt động đòi nợ, nhắc nợ, thu hồi nợ của nhóm đối tượng tại Lào Cai.

Tại cơ quan Công an, bước đầu Huyền khai nhận: Cuối năm 2019, trong quá trình làm phiên dịch tại Hà Khẩu, Trung Quốc, Huyền nhìn thấy nhiều hình ảnh đăng tin tuyển người làm việc tại đây nên liên hệ và được hướng dẫn đến trụ sở. Sau đó, Huyền được một phụ nữ người Trung Quốc tên là Qial Jia YI phỏng vấn và tuyển dụng. Huyền làm việc ở đây khoảng 1 tuần thì gặp Nguyễn Thị Hoài Thương. Sau đó, Thương là người phỏng vấn lại và tuyển dụng Huyền vào công ty, với nhiệm vụ vừa phiên dịch vừa chỉ đạo các nhân viên thu hồi nợ trên các app (ứng dụng) “Hitien” và app “Vndong” với mức lương 7 triệu đồng. Huyền làm được khoảng hơn 1 tháng, nhận được 7 triệu đồng thì nghỉ việc do dịch bệnh COVID-19, bên phía Trung Quốc đóng biên. Tại thời điểm Huyền làm việc tại Hà Khẩu, Trung Quốc thì bộ phận chị ta quản lý là thu hồi nợ, với khoảng 7 đến 8 người Việt Nam hoạt động thu hồi nợ trên 2 app trên.

Đến khoảng giữa năm 2020, người phụ nữ Trung Quốc trên liên hệ lại với Huyền bằng Wechat; đề nghị Huyền thuê nhà, gọi những nhân viên cũ đã từng làm và giao cho Huyền nhiệm vụ tuyển người và điều hành quản lý nhân viên nhắc nợ, thu hồi nợ. Đến khoảng tháng 8 (hoặc tháng 9), Huyền đã tìm và thuê (đứng tên làm hợp đồng thuê) phòng 601 để đặt làm văn phòng thu hồi nợ. Tiếp đó, đến khoảng tháng 1 năm 2021 thuê phòng 602 để làm văn phòng thu hồi nợ và nhắc nợ; khoảng cuối năm 2021 thuê tiếp 603 để làm văn phòng thẩm định hồ sơ (đều tại số nhà 055, đường Hoàng Văn Thụ, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai).

Trong đó, Huyền là người trực tiếp tuyển nhân viên nhắc nợ, thu hồi nợ và nhân viên thẩm định (Huyền là người tuyển nhân viên thẩm định, còn việc quản lý nhân viên và trả tiền cho nhân viên thẩm định là do người khác quản lý). Đến khoảng tháng cuối tháng 5 năm 2022, bộ phận thẩm định nghỉ, còn các bộ phận nhắc nợ và thu hồi nợ tại các phòng 601 và 602 vẫn tiếp tục hoạt động đến thời điểm cơ quan Công an phát hiện.

Hiện vụ án đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.

Theo Xuân Mai

Cùng chuyên mục
XEM