Dương Công Minh – ông chủ giàu có và đầy bí ẩn của Him Lam và Ngân hàng Liên Việt

29/06/2016 09:58 AM | Kinh doanh

Ông Dương Công Minh đã từng tuyên bố: “Him Lam không phải là công ty gia đình trị mà là độc trị. Chỉ mình Dương Công Minh là người quyết định thôi”.

Vài ngày gần đây, việc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt ( LienVietPostBank ) ưu tiên tuyển dụng người có cùng họ Dương với ông chủ tịch Hội đồng quản trị Dương Công Minh đã ít nhiều gây xôn xao dư luận. Đây cũng là lần đầu tiên sau một thời gian khá dài ông Dương Công Minh mới được nhắc đến rộng rãi trên báo chí.

Là chủ tịch của một ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn cũng như là ông chủ của một loạt doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản nhưng ông Minh là người cực kỳ kín tiếng trước truyền thông.

Một số thông tin ít ỏi về bản thân đã được ông Minh chia sẻ khi đến chia sẻ tại FPT cách đây 6 năm. Chủ trương ưu tiên của ông Minh phần nào được thể hiện qua câu nói của ông Minh khi đó: “Him Lam không phải là công ty gia đình trị mà là độc trị. Chỉ mình Dương Công Minh là người quyết định thôi. Người đứng đầu của Him Lam sau này sẽ là con trai tôi! Trong 10 người cao nhất của Him Lam chỉ có 3 người trong gia đình tôi. Nhưng Chủ của Him Lam sau này chỉ có thể là con trai tôi”.

Khi ông Minh phát biểu câu này vào cuối năm 2010, con trai ông mới có 3 tuổi rưỡi.

Từ Minh Xoài đến Minh Him Lam

Vị doanh nhân 55 tuổi gốc Bắc Ninh này từ lâu được biết đến với biệt danh “Minh Him Lam” nhưng trước đó từng có biệt danh “Minh Xoài”. Cái tên này bắt nguồn từ việc ông Minh kinh doanh xoài xuất khẩu sang Trung Quốc trong những năm đầu thập niên 1990.

Trong một phi vụ thua lỗ, ông Minh đã phải bán nhà để trả nợ. Tuy nhiên, chính trong lúc lo thủ tục giấy tờ bán nhà ông Minh đã nhận thấy những cơ hội làm giàu từ bất động sản. Những ý tưởng lúc đó về sau đã hình thành nên CTCP Him Lam – Him Lam Group, một trong những tập đoàn phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam cho đến hiện nay.

Thành lập từ năm 1994, theo công bố từ Him Lam, hiện công ty đã đầu tư và xây dựng trên 70 dự án nhà ở, khu du lịch và khu đô thị mới; tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam. Một trong những dự án “để đời” mà Him Lam đã thực hiện là khu đô thị mới Him Lam Tân Hưng tại Phường Tân Hưng, Quận 7 với quy mô gần 60ha. Trong thời gian gần đây, công ty bắt tay vào triển khai một loạt dự án mới như Him Lam Riverside, Him Lam Chợ Lớn, Him Lam Phú Đông…

Hiện Him Lam có vốn điều lệ 6.500 tỷ đồng, trong đó ông Minh sở hữu 99% cổ phần. Theo số liệu mà CafeF có được, tính đến cuối năm 2014, công ty mẹ Him Lam có tổng tài sản lên đến gần 34.000 tỷ đồng, nhỉnh hơn một chút so với Tổng công ty Becamex IDC (33.000 tỷ) và vượt trội so với hầu hết các doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam.

Từ lĩnh vực chính là phát triển nhà ở và khu đô thị, hiện Him Lam đã vươn sang nhiều lĩnh vực khác như Du lịch – nghỉ dưỡng, Đầu tư tài chính – Ngân hàng, Phát triển nguồn nhân lực và Nông Lâm thủy sản…

Trong lĩnh vực nghỉ dưỡng, hệ thống Him Lam hiện sở hữu 2 sân golf có vị trí đắc địa ngay gần trung tâm là Sân golf Long Biên và sân golf Tân Sơn Nhất do CTCP Đầu tư Long Biên trực tiếp triển khai. Mới đây, vào đầu tháng 5/2016, Him Lam đã khởi công 2 dự án khu du lịch – nghỉ dưỡng cao cấp có tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng, quy mô 50ha tại đảo Hòn Dấu tại quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng.

Tại ngân hàng Liên Việt, Him Lam là cổ đông sáng lập đồng thời là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu xấp xỉ 15%. Cá nhân ông Dương Công Minh không nắm giữ cổ phần của ngân hàng nhưng vợ ông Minh, bà Lê Thị Vân Thảo cùng em gái Dương Thị Liêm sở hữu gần 5% cổ phần. Với tổng tài sản tính đến cuối năm 2015 đạt 108.000 nghìn tỷ đồng, Liên Việt có quy mô ở mức trung bình trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, tương đương với tổng tài sản của HDBank.

Trong số những ngân hàng cuối cùng được cấp giấy phép thành lập, cùng với Bảo Việt Bank và Tiên Phong Bank thì đến lúc này Lienvietpostbank là ngân hàng thành công nhất.

Dự án trồng cây mắc ca

Từ năm 2014, ông Dương Công Minh cùng với ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực của Liên Việt đã đặt nhiều kỳ vọng vào dự án trồng cây mắc ca tại Tây Nguyên. Mục tiêu của dự án này là đưa cây mắc ca vào thay thế, trồng thuần hoặc trồng xen với cây cà phê.

Sau khi công bố, dự án này đã gặp phải rất nhiều ý kiến trái chiều nhưng ông chủ của Him Lam và Liên Việt vẫn quyết tâm thực hiện và đứng ra vận động thành lập Hiệp hội Mắc ca Việt Nam. Hiệp hội này đã chính thức được thành lập vào tháng 4/2016 và ông Minh được bầu làm chủ tịch Hiệp hội.

Theo Kinh Kha

Cùng chuyên mục
XEM