Dược Hậu Giang đang thu về hàng trăm tỷ đồng mỗi năm từ thực phẩm chức năng
Dược Hậu Giang đặt mục tiêu đến năm 2020 tỷ trọng đóng góp của nhóm thực phẩm chức năng sẽ lên đến 12% doanh thu, gấp đôi so năm 2015.
Dược phẩm là loại sản phẩm đặc biệt, không thể thiếu được trong đời sống con người. Bởi vậy, không quá bất ngờ khi các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dược thường có được kết quả kinh doanh ổn định, ngay cả trong thời điểm nền kinh tế gặp khó khăn.
Dược Hậu Giang ( DHG ) hiện là doanh nghiệp dược nội lớn nhất với hệ thống phân phối rộng khắp, bao phủ hầu hết cửa hàng bán lẻ và bệnh viện trên toàn quốc. Trong top 10 công ty dược lớn nhất Việt Nam, Dược Hậu Giang là gương mặt nội địa duy nhất góp mặt.
Theo báo cáo KQKD năm 2015, doanh thu Dược Hậu Giang đạt doanh thu 3.608 tỷ đồng, giảm hơn 300 tỷ đồng so với năm trước đó. Đây cũng là lần đầu tiên Dược Hậu Giang sụt giảm doanh thu sau nhiều năm hoạt động bởi ảnh hưởng của Thông tư 01 liên quan tới quy trình đấu giá thuốc vào bệnh viện (ETC) khiến công ty rớt đấu thầu cung cấp thuốc cho một số bệnh viện. Ngoài ra, một số sản phẩm thuốc generics của Dược Hậu Giang đã hết hạn đăng ký cũng khiến doanh thu công ty bị ảnh hưởng.
Tuy vậy, kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2016 của Dược Hậu Giang đã tích cực trở lại với doanh thu 1.691 tỷ đồng – tăng 15%; lợi nhuận sau thuế đạt 307 tỷ đồng – tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Cơ cấu sản phẩm Dược Hậu Giang nhìn chung khá đa dạng nhưng tập trung chủ yếu ở 2 nhóm kháng sinh giảm đau và hạ sốt. Ngoài ra, thực phẩm chức (TPCN) năng dù không phải mảng kinh doanh chủ lực nhưng cũng mang về hàng trăm tỷ đồng doanh thu mỗi năm cho Dược Hậu Giang. Trong năm 2015, doanh thu TPCN đạt 228 tỷ đồng, chiếm 6,3% tổng doanh thu.
Có thể thấy, TPCN là mảng kinh doanh khá hấp dẫn khi người Việt ngày càng ưa chuộng. Hàng loạt các doanh nghiệp quốc tế như Amway, Tiens Vietnam, Herbalife, Unicity Vietnam, Synergy, Aloe Trading… đang ngày càng mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam, thậm chí còn liên tục mở nhà máy như trường hợp Amway. Không những vậy, các doanh nghiệp trong nước như Dược Hậu Giang, Traphaco, Sao Thái Dương…cũng không bỏ qua mảnh đất “màu mỡ” này.
Theo chiến lược và kế hoạch phát triển sản phẩm đến năm 2020, nhóm thực phẩm và dược mỹ phẩm ước tính chiếm khoảng 12% trong tổng doanh thu thuần Dược Hậu Giang, tăng gấp đôi so với thời điểm năm 2015.
Báo cáo KQKD 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ của TPCN. Theo đó, doanh thu từ mảng này tăng vọt lên 232 tỷ đồng, lớn hơn doanh thu TPCN trong cả năm 2015. Tỷ trọng doanh thu từ TPCN theo đó chiếm tới 13,73%, đây là mức cao nhất mà mảng kinh doanh này đạt được.
Hoạt động kinh doanh TPCN có tỷ suất lãi gộp khá ấn tượng, thường đạt trên 50%. Điều này có nghĩa Dược Hậu Giang bán sản phẩm giá 10 đồng thì lãi gộp (doanh thu – giá vốn, không bao gồm các chi phí phát sinh) thu về lên tới trên 5 đồng.
Mặc dù có sự tăng trưởng mạnh về doanh thu, tuy nhiên tỷ suất lãi gộp mảng TPCN của Dược Hậu Giang đã sụt giảm đôi chút xuống 48% trong nửa đầu năm 2016. Cần lưu ý, năm 2013, thời điểm doanh thu TPCN tăng mạnh thì biên lợi nhuận cũng giảm theo. Nhìn vào những con số thống kê, không loại trừ việc Dược Hậu Giang đang chấp nhận hy sinh bài toán lợi nhuận để gia tăng thị phần trong phân khúc màu mỡ này.
Bộ Y tế Việt Nam định nghĩa thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh. Tuỳ theo công thức, hàm lượng vi chất và hướng dẫn sử dụng, thực phẩm chức năng còn có các tên gọi sau: thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, sản phẩm dinh dưỡng y học.