Đừng vội tin những gì người thành công nói: Không ai biết điều gì ẩn đi trong câu chuyện truyền cảm hứng của người giàu

17/09/2018 09:27 AM | Sống

Chính là từ khi bắt đầu bạn đã quá tin vào những câu chuyện thành công đẹp đẽ, bị những câu chuyện đó dẫn đường khi chưa kịp nhận ra những yếu tố này đã bị ẩn đi trong đó.

Trước khi bước vào vấn đề chính thì tôi muốn cùng mọi người chia sẻ một chút.

Trong cả cuộc đời làm việc của mình, tôi đã từng gặp qua rất nhiều người làm việc ưu tú. Có những người trẻ tuổi đã sở hữu công ty riêng, có người là Gia Cát Khổng Minh trên sàn chứng khoán, có người lại là một nhà đầu tư thiên thần...

Sau khi gặp nhiều rồi thì tự nhiên tôi luôn tự hỏi: Những con người ưu tú này, vì đâu mà họ đạt được những thành công như thế? Phải chăng trên người họ có một loại sức mạnh nào đó khiến họ khác biệt với số đông người thường?

Thế là, tôi tìm cách tiếp cận với hơn 20 chủ doanh nghiệp, phỏng vấn hơn 40 nhà quản lý tài năng, cùng bọn họ nói chuyện, nói những câu chuyện thành công của họ.

Không ngừng như thế, đến lúc hoàn thành phỏng vấn tôi bất giác phát hiện những con người thành công này suy cho cùng đều ủng hộ 8 nguyên tắc dưới đây:

1. Nghiêm khắc với chính bản thân

2. Quản lý thời gian

3. Không ngừng tự vấn

4. Quyết không trì hoãn

5. Duy trì nhiệt huyết

6. Lấy "nhân" làm cơ sở

7. Chủ động quyết đoán

8. Theo đuổi hiệu quả

8 nguyên tắc này không chỉ là bí mật thành công của những người ưu tú, nó còn là vũ khí cốt lõi của những chủ doanh nghiệp. Nhưng tôi không dám khuyên mọi người nên làm như thế.

Tại sao?

Bởi vì 8 nguyên tắc này được tôi đúc kết chỉ ngay trước khi viết bài này nửa tiếng đồng hồ thôi.

Đương nhiên chỉ là một chuyện đùa đừng quá để ý.

Song, tôi có một vài lý do để nói tại sao muốn thành công thì đừng vội tin vào những câu chuyện thành công đẹp đẽ.

Đừng vội tin những gì người thành công nói: Không ai biết điều gì ẩn đi trong câu chuyện truyền cảm hứng của người giàu - Ảnh 1.

Thứ nhất, bởi vì thành công phải là sự kết hợp của "thiên thời địa lợi nhân hòa". 

Mỗi một câu chuyện thành công mà chúng ta đã quá quen tai về Bill Gates hay Jack Ma, Steve Jobs hay Mark Zuckerberg, cùng những bài viết về thành công, đam mê, bứt phá, bạc tỷ khiến cho chúng ta cảm thấy vô cùng hứng khởi và khát khao làm giàu. Nhưng mỗi lần bắt đầu làm rồi lại gặp phải thất bại, chúng ta sẽ bắt đầu cảm thấy chán chường và nghi vấn tất cả. Phải chăng có gì đó sai ngay từ khi bắt đầu? Phải chăng, chính là sự đặt lòng tin sai chỗ!

Chính là từ khi bắt đầu bạn đã quá tin vào những câu chuyện thành công đẹp đẽ, bị những câu chuyện đó dẫn đường khi chưa kịp nhận ra những khó khăn ẩn sâu trong đó.

Hoàn cảnh của mỗi người ở mỗi thời điểm là khác nhau.

Một người thành công nhờ thiết bị công nghệ sẽ khuyên người trẻ nên kinh doanh công nghệ. Một người khác thành công trong lĩnh vực đồ ăn nhanh thì lại khuyên người khác nên kinh doanh đồ ăn nhanh trong thời đại bận rộn này. Vậy lời khuyên nào là đúng?

Thực tế những câu chuyện thành công mà bạn biết là hoàn toàn có thật nhưng hoàn cảnh của mỗi chuyện là khác nhau, họ đã thành công trong những điều kiện không giống nhau. Ông bà ta gọi là thiên thời địa lợi. 

Các doanh nhân chia sẻ cho chúng ta bí quyết, mặc dù có thể giúp chúng ta thông minh hơn, vỡ ra nhiều điều hơn nhưng nếu như dập khuôn áp dụng như đúc thì tỷ lệ thành công sẽ rất thấp. Khi thế giới thay đổi từng giờ, hoàn cảnh thay đổi mà vẫn áp dụng nguyên một cách thức như vậy thì thật khó để thành công.

Đừng vội tin những gì người thành công nói: Không ai biết điều gì ẩn đi trong câu chuyện truyền cảm hứng của người giàu - Ảnh 2.

Thứ 2 là bởi vì mỗi người có căn cơ trình độ khác nhau.

Trong một bài báo mình có đọc được một comment thế này: "Bill Gates bỏ đại học thành tỷ phú, tôi bỏ đại học về quê chăn bò". Có thể chỉ là một câu nói đùa nhưng cũng là thực tế, không ít người cũng gồng mình lên khởi nghiệp, thất bại rồi lại làm công nhân. Bởi lẽ mỗi người có một tài năng khác nhau, trí thông minh khác nhau. Mình không nói vì thế mà chúng ta nên an phận. 

Nhưng, chúng ta phải đối mặt với thực tế rằng nếu không làm được việc nhỏ thì không thể toan tới chuyện lớn. Bill Gates bỏ đại học nhưng trước đó ông đã tạo ra hệ điều hành Windows với đam mê công nghệ lập trình. Mark Zurkeberg bỏ đại học thành tỷ phú, nhưng khi anh bỏ đại học cũng là lúc Facebook đã trở thành mạng xã hội lớn thứ 2 trên thế giới.

Hoặc là những triệu phú kinh doanh online, chúng ta chỉ nghe được mặt nổi của câu chuyện đẹp đẽ tưởng như thành công đơn giản như thế. Nhưng đằng sau đó là biết bao kỹ năng về marketing online, về internet, về tâm lý khách hàng, về khả năng xử lý khủng hoảng, về bao đau đớn họ phải chịu mỗi lần thất bại…

Vậy rõ ràng là những tỷ phú thành công kia khi họ khởi nghiệp kinh doanh họ đã có cho mình một vốn kiến thức vượt xa so với người thường, bản thân họ có một sức chịu đựng vô cùng kiên cường. Thế giới không được nhiều người như thế.

Vậy nên với những cá nhân mà chưa đủ xuất sắc như mình thì phải tập trung rèn luyện bản thân, tích lũy kiến thức trước, phải biết trình độ căn cơ mình như thế nào để lựa chọn một điểm bắt đầu phù hợp. Ông cha ta có câu: "Biết người biết ta trăm trận trăm thắng" là như vậy.

Đừng vội tin những gì người thành công nói: Không ai biết điều gì ẩn đi trong câu chuyện truyền cảm hứng của người giàu - Ảnh 3.

Thứ ba, chính người thành công cũng không biết vì sao họ có được thiên thời địa lợi nhân hòa.

Tức là, người thành công không có khả năng biết trước tương lai nên càng không thể dạy ai đó cách để có được thiên thời địa lợi nhân hòa, lại càng không dám khẳng định nếu cho họ bắt đầu lại trong một hoàn cảnh khác thì họ còn có thể thành công hay không?

Nếu hỏi người thành công những câu hỏi này có lẽ họ sẽ không thể trả lời rõ ràng được: Vì sao sáng kiến xuất hiện trong đầu họ khi họ cần? Vì sao trực giác của họ lại chuẩn xác như vậy? Vì sao trực giác của họ biến mất khi họ đưa ra quyết định thất bại? Tất cả những điều đó đến bản thân họ cũng không rõ.

Nói chung là vì 3 yếu tố trên nên khi nghe một câu chuyện thành công và những lời khuyên về thành công thì nó cũng có thể đúng, có thể sai. Mấu chốt là chúng ta phải biết chọn lọc lời khuyên phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện, trình độ của bản thân để học hỏi. Mọi thứ trên thế giới này đều chỉ mang tính tương đối, và niềm tin của chúng ta đặt vào đâu cũng vậy, đừng bao giờ để bản thân bị luẩn quẩn trong câu chuyện của một người khác.

Tiểu Lý

Cùng chuyên mục
XEM