Dùng ví điện tử, không xác thực sẽ bị khóa tài khoản
Khách hàng sẽ không thể sử dụng ví điện tử cho đến khi hoàn tất các bước xác thực tài khoản.
Những ngày qua, nhiều người dùng ví điện tử cho biết đã nhận được yêu cầu phải xác thực thông tin tài khoản, thông tin cá nhân mỗi khi sử dụng dịch vụ. Anh Khánh An (ngụ quận 3, TP HCM) cho biết vài ngày nay, mỗi lần mở các ví điện tử như MoMo, Moca trên ứng dụng Grab, anh đều nhận được yêu cầu phải xác thực tài khoản, xác thực thông tin cá nhân trước khi sử dụng dịch vụ. "Các ví điện tử của tôi đều đã đăng ký thông tin, liên kết với tài khoản ngân hàng (NH) trước đó nhưng nay lại được yêu cầu bổ sung thông tin, chụp hình 2 mặt CMND hoặc thẻ căn cước công dân, hộ chiếu... không hiểu để làm gì. Thấy phiền phức quá và cũng cần thanh toán gấp nên tôi thường bấm bỏ qua" - anh Khánh An kể.
Theo tìm hiểu của phóng viên, rất nhiều người sử dụng ví điện tử cũng cho biết họ thấy phiền phức khi được yêu cầu bổ sung thông tin cá nhân, xác thực tài khoản nên hầu hết đều chọn "bỏ qua" hoặc quên thực hiện. Có người còn nghĩ các ví điện tử muốn thu thập và sử dụng thông tin cá nhân của họ nên cũng ngại cung cấp.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch HĐQT Ví điện tử MoMo, cho biết yêu cầu xác thực tài khoản sẽ giúp định danh khách hàng tốt hơn, bảo vệ khách hàng và phòng chống tội phạm. "Một số khách hàng sẽ cảm thấy phiền hà và không muốn cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản NH để liên kết nhưng việc định danh là rất cần thiết để gia tăng bảo mật, an toàn cho tài khoản của người dùng" - ông Diệp nói.
Theo ví điện tử MoMo, yêu cầu xác thực nhằm thực hiện quy định trong Thông tư 23 của NH Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán. Cụ thể, khách hàng cần xác thực tài khoản trên ví bằng cách chụp ảnh CMND, thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu; cần bổ sung đầy đủ thông tin NH… để tiếp tục sử dụng ví điện tử. Đây là biện pháp được yêu cầu bởi cơ quan quản lý để bảo vệ tài khoản người dùng và trong trường hợp có sự cố, bảo đảm độ an toàn về giao dịch giữa những người dùng với nhau.
Ví điện tử ngày càng được sử dụng nhiều.Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab cũng thông báo tất cả ví điện tử đang hoạt động phải tiến hành xác thực hồ sơ người dùng trước khi đến thời hạn (dự kiến là ngày 7-7), theo quy định của Thông tư 23. Từ sau ngày 7-7, việc xác thực tài khoản là bắt buộc và khách hàng sẽ không thể sử dụng ví điện tử cho đến khi hoàn tất các bước xác thực tài khoản.
Chia sẻ tại buổi họp giới thiệu sự kiện "Ngày thanh toán không tiền mặt 2020" chiều 26-5, đại diện NH Nhà nước cho rằng thanh toán qua di động bùng nổ thời gian qua, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19, đã đặt ra yêu cầu cao hơn về bảo mật tài khoản, trong đó xác thực, định danh khách hàng là một trong những điều bắt buộc.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - NH Nhà nước, sắp tới, dịch vụ Mobile Money (tạm gọi là tiền di động) được Thủ tướng Chính phủ thông qua và triển khai thì yêu cầu về định danh, xác thực tài khoản khách hàng sẽ càng quan trọng hơn. Về bản chất, Mobile Money là một tài khoản của khách hàng mở tại công ty viễn thông nên việc nạp tiền sẽ được thực hiện thông qua các điểm nạp, rút tiền của đơn vị viễn thông. Người dùng buộc phải khai đầy đủ các thông tin cá nhân theo quy định mới được sử dụng dịch vụ.
Theo dự thảo đề án triển khai thí điểm Mobile Money, hạn mức giao dịch dự kiến là 10 triệu đồng/tháng/tài khoản. Riêng với nạp tiền qua thẻ cào, quan điểm của NH Nhà nước trong dự thảo đề án là không cho phép vì các nguy cơ rủi ro. Bởi nguy cơ lớn nhất khi giao dịch trong không gian mạng là sự ẩn danh - nếu ẩn danh sẽ sinh ra các nguy cơ. Trong thanh toán cũng vậy, nên việc làm sao xác thực danh tính của khách hàng với ví điện tử, Mobile Money là yêu cầu tiên quyết.