Đừng tốn công bởi những cuộc chạy đua vô nghĩa nơi công sở, cố vượt mặt đồng nghiệp: Tự tin với năng lực của bản thân mới là chìa khóa để bứt phá, thành công

18/09/2018 15:21 PM | Sống

Bất cứ môi trường làm việc nào cũng đầy tính cạnh tranh nhưng đây là lý do vì sao bạn nên tránh tốn năng lượng vào điều vô ích này.

Ngày nay, không khó để nhìn thấy sự cạnh tranh trong mọi lĩnh vực đời sống. Khi nghỉ ngơi, ta so sánh bản thân với những người ta theo dõi trên mạng xã hội; khi làm việc, ta cố làm thêm giờ để không tụt hậu so với đồng nghiệp. Dù là hình thức nào, tất cả chúng ta đều có xu hướng cạnh tranh.

Vì sao vậy? Chẳng phải làm việc theo một nhóm sẽ tốt hơn tách lẻ từng người, cạnh tranh gay gắt để vượt qua nhau hay sao? Thay vì ghen tị thứ người khác có, chẳng phải chúng ta nên tôn trọng những gì bản thân vốn có sao?

Môi trường làm việc cạnh tranh cao độ dễ dẫn đến stress kéo dài cho đồng nghiệp bạn, cho sếp và chính bản thân bạn. Ghen tị, so sánh không ngừng, các kế hoạch triền miên nhằm đánh bại chính người đồng nghiệp là ngọn nguồn của một môi trường tiêu cực, kể cả trong tiềm thức lẫn trong nơi làm việc của bạn.

Nhằm vạch ra hướng giải quyết hiệu quả cho vấn đề cạnh tranh nơi công sở, Glassdoor đã có cuộc trao đổi cùng Laura Weldy, một chuyên viên đào tạo lối sống và kỹ năng lãnh đạo.

Sự cạnh tranh ở công sở có mục đích gì?

Thay vì chăm chăm tìm cách vượt mặt đồng nghiệp mình, Weldy cho rằng trước hết nên dành thời gian nhìn vào chính bản thân mình. Thử dừng lại, phân tích và xác định lý do vì sao người đồng nghiệp lại kích thích bản chất cạnh tranh trong con người bạn, khi đó, bạn sẽ tìm ra cách dừng cuộc chiến vô nghĩa đó lại.

“Cạnh tranh sau cùng mang lại cho bạn lợi ích gì? Bạn nghĩ lợi ích là gì khi luôn là người đầu tiên hoàn thành nhiệm vụ, hay là người nhận được e-mail tuyên dương dài dằng dặc từ sếp? Nếu bạn đang kiếm tìm sự tôn trọng, sự công nhận từ người khác, hãy cố tìm một con đường khác lành mạnh hơn để đạt được những gì bạn mong muốn nhé!”,Weldy chia sẻ.

Vì sao bạn lại cần cạnh tranh đến vậy?

Đừng tốn công bởi những cuộc chạy đua vô nghĩa nơi công sở, cố vượt mặt đồng nghiệp: Tự tin với năng lực của bản thân mới là chìa khóa để bứt phá, thành công  - Ảnh 1.

Hãy hỏi bản thân những câu hỏi sau: Cái gì kích thích bạn cạnh tranh với đồng nghiệp? Do bạn ghen tị vì họ có mối quan hệ tốt hơn với sếp? Do bạn sợ vì họ mà bạn sẽ mất việc? Hay đơn thuần vì lương họ cao hơn?

Weldy cho rằng những suy nghĩ tiêu cực trên là biểu hiện của “Hội chứng kẻ mạo danh” (Imposter syndrome), hay chỉ đơn thuần là cảm giác lo sợ rằng chúng ta đang làm sai điều gì đó. “Chúng ta luôn sợ rằng có kẻ chỉ chờ mình làm sai điều gì đó rồi đâm sau lưng, vì thế, ta luôn so sánh để đảm bảo mình vẫn đang làm đúng", bà giải thích.

“Thế nhưng việc so sánh làm giảm khả năng tư duy sáng tạo. Bạn sẽ chẳng bao giờ có thể tạo ra những thứ mới mẻ nếu chỉ nhìn và làm theo những gì người xung quanh bạn cho là đúng. So sánh bản thân với đồng nghiệp chỉ làm cho công việc của bạn ngày càng chán nản, đầy tính nghi ngờ và giết chết sự tự tin mà bạn luôn khao khát có được”.

Liệu có thể cạnh tranh lành mạnh nơi công sở?

Đừng tốn công bởi những cuộc chạy đua vô nghĩa nơi công sở, cố vượt mặt đồng nghiệp: Tự tin với năng lực của bản thân mới là chìa khóa để bứt phá, thành công  - Ảnh 2.

Một số có suy nghĩ rằng: “Cạnh tranh giúp tôi làm việc chăm chỉ và hiệu quả hơn”. Đúng là cạnh tranh có thể mang lại những ảnh hưởng tích cực nhưng tính lành mạnh của nó luôn được quyết định bởi lợi ích mà nó mang lại cho tất cả các bên liên quan.

Bạn luôn phải cân nhắc xu hướng cạnh tranh của mình có ảnh hưởng thế nào đến những người khác – nó có cô lập đồng nghiệp hay khiến họ cảm thấy stress không? Đây là lúc bạn cần nói chuyện với đồng nghiệp và thành thực với họ về mục tiêu của mình.

“Chẳng có lý do gì ngăn cấm những người lấy cạnh tranh làm động lực tận dụng cạnh tranh làm lợi thế trong khi cho phép những người bị áp lực bởi cạnh tranh thoải mái lựa chọn phương án khác để đạt được mục tiêu”, Weldy nói.

Nếu bạn chưa rõ cạnh tranh ảnh hưởng như thế nào đến nhân viên/đồng nghiệp của mình, hãy đề nghị mọi người làm bài trắc nghiệm tính cách Strengths Finder nhằm xác định điểm mạnh, điểm yếu, động lực của mọi người. Đây là một cách để tạo môi trường làm việc toàn diện, truyền cảm hứng hơn.

Tự tin là chìa khóa của mọi cánh cửa

Đừng tốn công bởi những cuộc chạy đua vô nghĩa nơi công sở, cố vượt mặt đồng nghiệp: Tự tin với năng lực của bản thân mới là chìa khóa để bứt phá, thành công  - Ảnh 3.

Sau cùng, tự tin sẽ giúp bạn ngừng so sánh bản thân với đồng nghiệp bởi như Weldy nhắc đến trước đó: “So sánh bản thân với đồng nghiệp chỉ làm cho công việc của bạn ngày càng chán nản, đầy tính nghi ngờ và giết chết sự tự tin mà bạn luôn khao khát có được”.

Hãy thay thế sự hiếu chiến trong cuộc chạy đua với đồng nghiệp bằng sự tự tin về năng lực của mình. Thay vì tốn năng lượng, trí óc vào cuộc chiến vô nghĩa với đồng nghiệp, hãy chuyển hướng nó vào hoàn thành công việc của mình và sau cùng, bạn sẽ nhận ra rằng bạn luôn có khả năng làm việc hiệu quả mà chẳng cần sự công nhận từ ai hết, cũng chẳng cần cuộc cạnh tranh

Theo Minh An

Cùng chuyên mục
XEM