Đừng sợ thất bại, chỉ là thành công bị trì hoãn: Đây là cách những người nổi tiếng vượt qua cú sốc "bị từ chối"
Bất kể bạn là ai, bạn làm gì thì bạn cũng luôn phải xác định sẽ phải đối mặt với rất nhiều lần “bị từ chối” khỏi thành công. Nhưng những lần “không” ấy hoàn toàn không phải là sự thất bại, mà chỉ là vấn đề đặt ra cho bạn: Phải xử lý nó như thế nào?
Đó là câu chuyện của việc khi gặp một bức tường gạch vững chắc trước mặt, bạn sẽ để nó ngăn cản mình hay học được những bài học đắt giá và tìm được cách để vượt qua nó?
Hãy cùng nghe câu chuyện về những người nổi tiếng thế giới sau đã vượt qua các lần bị từ chối, thậm chí thất bại thảm hại ra sao trước khi học được rất nhiều từ đó và thành công:
Không thể phủ nhận rằng Steve Jobs là một biểu tượng công nghệ của thế giới. Nhưng ông cũng nổi tiếng với phong cách lãnh đạo theo trường phái “hiếu chiến”, điều dễ khiến con người ta đi theo đường lối sai lầm. Đến mức vào năm 1985, ông đã bị sa thải khỏi Apple – công ty mà chính ông là nhà sáng lập.
Sau đó ông lập ra một công ty phần mềm khác – NeXT và mua lại một xưởng phim hoạt hình nhỏ tên là Pixar. Năm 1997, ông trở lại Apple và giúp công ty trở thành một trong những công ty niêm yết có giá trị lớn nhất trên thị trường.
Trong một bài diễn văn tại Đại học Stanford năm 2005, Jobs nói rằng thời gian rời khỏi Apple thực sự giúp ích ông rất nhiều. “Tôi đã không nhận thấy điều đó, nhưng việc bị Apple sa thải là điều tốt nhất từng xảy đến với tôi. Sức nặng của việc “buộc phải thành công” được thay thế bởi sự nhẹ nhõm của một người khởi đầu, không chắc chắn về mọi thứ. Nó giải phóng tôi và trở thành một trong những giai đoạn sáng tạo nhất trong cuộc đời tôi”.
J.K.Rowling
Vào năm 2016, tác giả bộ sách nổi tiếng Harry Potter đã chia sẻ trên trang Twitter một vài trong số rất nhiều bức thư từ chối cô đã nhận được trong nhiều năm trời, cho cả tập đầu tiên của Harry Potter – tập sách đã bị từ chối tới 12 lần trước khi Bloomsbury đồng ý xuất bản nó – và cả sê ri truyện trinh thám Cormoran Strike – bộ truyện cô viết dưới bút danh Robert Galbraith.
Kể từ khi cô quyết định nộp bản thảo mà không sử dụng tên J.K.Rowling, cô đã không còn tận dụng được các lợi thế từ Harry Potter nữa. Nhưng cô vẫn tiếp tục gửi bản thảo: “Tôi sẽ không bỏ cuộc cho đến khi nào tất cả các nhà xuất bản đều từ chối tôi. Nhưng tôi cũng thường lo sợ điều đó sẽ xảy ra” – Rowling viết – “Tôi không có gì để mất và điều đó làm tôi luôn có đủ can đảm để cố gắng”.
Elon Musk
Nếu bạn có cơ hội quan sát kỹ sự nghiệp của Musk tính đến nay, bạn sẽ thấy rải rác trong đó những lần thất bại, những bước đi sai lầm, những khi bị từ chối.
Ông hoàn toàn không được chú ý đến khi xin việc tại Netscape vào những năm 1990. Ông đã bị sa thải khỏi vị trí CEO của PayPal. Ông bị các Công ty của Nga từ chối bán bất cứ tên lửa nào khi ông cố gắng gây dựng Công ty hàng không vũ trụ của mình.
Nhưng người ta cũng nhìn thấy rằng, sau mỗi thất bại, ông lại xây dựng được điều gì đó mới mẻ hơn. Sau khi bị từ chối ở Netscape ông lập nên doanh nghiệp đầu tiên của mình: Zip2. Sau Paypal ông trở thành người đồng sáng lập của hàng loạt doanh nghiệp khác: Tesla, SpaceX, Neuralink, The Boring Company.
Musk vẫn phải tiếp tục đối mặt với các vấn đề trong các doanh nghiệp này của mình nhưng ông không ngừng chiến đấu để vươn tới các thành công mới.
Oprah Winfrey
Nhìn Oprah Winfrey thành công của ngày hôm nay, ít người biết rằng bà đã sớm gặp nhiều thất bại mà chính những thất bại ấy đã hun đúc nên một “biểu tượng truyền thông” ngày hôm nay.
Sau 7 tháng làm người đồng dẫn chương trình cho mục tin tức buổi tối tại một đài địa phương ở Baltimore, chia sẻ công việc với một người dẫn kỳ cựu khác – người thường xuyên coi thường bà, Winfrey bị sa thải. Sau đó, bà có cơ hội trở thành host của People Are Talking, chương trình giúp bà nhận được nhiều sự chú ý hơn thất bại đầu tiên của mình. Tận dụng tối đa cơ hội, và nhờ những điều học được từ The Baltimore Sun, Winfrey mới có được thành công như hiện nay.
Bà nói: “Không phải tất cả những kỷ niệm ở Baltimore đều dễ chịu, nhưng Baltimore chính là nơi đã biến tôi trở thành người phụ nữ đích thực. Khi bắt đầu tôi ngây thơ, thiếu kỹ năng và thực sự không biết gì nhiều về công việc. Chính Baltimore đã giúp tôi trưởng thành”.
Warren Buffett
Một trong những người giàu nhất hành tinh, Warren Buffett năm nay đã 88 tuổi và bắt đầu kinh doanh từ khi 11 tuổi. Chắc hẳn bạn nghĩ rằng mọi việc đối với ông đều trơn tru? Nhưng thực tế là ông cũng đã từng đối mặt với không ít thất bại.
19 tuổi, ông đã cố gắng để vào trường đại học trong mơ của mình – Harvard, nhưng điều đó đã không thể xảy ra. Trong một cuộc phỏng vấn cho cuốn tự truyện của mình ông đã chia sẻ: “Một cựu sinh viên Harvard phỏng vấn tôi khoảng 10 phút. Anh ấy đánh giá khả năng của tôi và quyết định đánh trượt tôi”.
Trong khi Harvard không phải là điểm đến phù hợp, ông đã đến với trường Columbia – nơi ông đã được trang bị các kỹ năng cho sự nghiệp của mình. Một cách rõ ràng đó không phải là sự lựa chọn tồi.
Jeff Bezos
Mặc dù Amazon đang thành công đến mức nhiều thành phố của Mỹ đang tích cực mời chào để người khổng lồ công nghệ này đặt trụ sở chính thứ 2 của mình, nhưng những năm tháng khởi đầu Bezos đã phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi liệu doanh nghiệp của mình có phát triển được không? Ông đã phải rất vất vả để gây dựng hoạt động kinh doanh với không ít lời từ chối từ phía các nhà đầu tư để bỏ tiền vào một thứ được coi là “viển vông” vào thời điểm đó.
“Đó là năm 1995, câu hỏi đầu tiên mà mọi nhà đầu tư hỏi tôi là: Internet là gì? Mọi thứ đã có thể kết thúc trước khi nó kịp bắt đầu. Tôi đã phải tổ chức 60 buổi hội nghị để kiếm được 1 triệu USD đầu tư, sau đó tôi tăng lên thành 22 người với khoảng 50.000 USD một người”.
Cuối cùng, có vẻ mọi người đều đã nắm bắt được những gì ông muốn gây dựng và chúng ta có Amazon ngày hôm nay.