Đừng lãng phí tiền nữa, 2020 phải học cách tiết kiệm thôi: Quy tắc ngân sách 50/20/30 đến ngay cả người "ngại tính toán" cũng làm được
"Không quan trọng là bạn có bao nhiêu tiền trong túi mà điều quan trọng là bạn giữ lại được bao nhiêu tiền và làm cho số tiền đó sinh sôi nảy nở nhiều hơn"- Robert Kiyosaki
Chắc chắn một điều rằng ai trong số chúng ta cũng đã và đang tìm kiếm một phương pháp quản lý ngân sách của mình để lo cho tương lai sau này. Nếu bạn đang băn khoăn về điều này thì quy tắc 50/20/30 là một gợi ý rất hay ho và đơn giản để phân chia khoản tiền bạn có được.
Quản lý ngân sách không đơn thuần chỉ là thanh toán các hóa đơn đúng hạn mà là việc xác định xem số tiền bạn có cần phải chi tiêu cho những khoản mục nào. Ví dụ khi đi du lịch, bạn nên tính toán trước xem mình nên tiêu gì, mua gì, để tránh việc vung tay quá trán.
Với quy tắc 50/20/30, bạn sẽ biết cách phân chia thu nhập của mình theo một tỷ lệ nhất định. Từ đó lên được bản kế hoạch chi tiêu của mình một cách khoa học, phù hợp với mục tiêu tiết kiệm của bản thân.
Vậy quy tắc 50/20/30 hoạt động như thế nào?
Quy tắc này sẽ chia nhỏ thu nhập của bạn thành 3 danh mục chính với tỷ lệ phần trăm tương ứng là 50%, 20% và 30% cụ thể:
1. 50% thu nhập – Các chi tiêu thiết yếu
Để bắt đầu thực hiện phương pháp này, bạn hãy dành ra khoảng 1/2 thu nhập hàng tháng của mình vào những nhu cầu cần thiết cho cuộc sống. 50% số lương với mức chi tiêu của nhiều người có lẽ sẽ là đủ, nhưng với nhiều người thì con số 50% lại là quá ít. Vậy hãy xem các danh mục bạn cần chi trong khoản này nhé.
Chi phí thiết yếu là những khoản mà bạn chắc chắn phải bỏ ra bất kể bạn ở đâu, làm gì hay có kế hoạch gì trong tương lai. Thông thường, những chi phí này thường giống nhau ở hầu hết mọi người, bao gồm tiền ăn, tiền ở, chi phí đi lại và các hóa đơn tiện ích như điện, nước.
2. 20% thu nhập – Mục tiêu tài chính
Khoản tiền lương tiếp theo bạn nên dùng để chi tiêu cho mục tiêu tài chính, chuẩn bị cho tương lai và chăm sóc bản thân mình. Khoản này chúng ta cần chi cho những khoản tiết kiệm, dự phòng cho bản thân và không thể thiếu đó là những khoản nợ bạn cần chi trả trong quá trình học tập cũng như xin việc trước đó.
3. 30% thu nhập còn lại – Chi tiêu cá nhân (Chi tiêu linh hoạt)
Khoản chi tiêu cuối cùng này sẽ sử dụng cho những khoản chi tiêu không thiết yếu hay còn gọi là quỹ chi tiêu cá nhân như mua sắm, du lịch, giải trí...
Khi bạn đã có những khoản chi tiêu cần thiết và có một khoản để tiết kiệm, khoản tiền còn lại có thể dùng để có thể tự thưởng cho bản thân mình sau thời gian làm việc vất vả hay gặp gỡ bạn bè. Phân bổ các khoản chi tiêu hợp lý sẽ giúp bạn tránh được tình trạng nợ nần tháng này sang tháng khác.
Cũng cần lưu ý rằng dù bạn có dành 50% cho chi phí cố định hay không thì hãy chú ý cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết tránh lãng phí và hãy luôn đảm bảo mức chi tiêu của mình dưới 30% lương. Con số này càng nhỏ thì tương lai tài chính của bạn càng được đảm bảo. Điều này sẽ giúp bạn có được ưu tiên tài chính một cách đúng nghĩa nhất.
Quy tắc 50/20/30 này không thể áp dụng một cách hoàn hảo và máy móc cho tất cả mọi người trong mọi trường hợp mà đây chỉ là hướng dẫn để bạn có được những gợi ý hợp lý và chân thực nhất cho quỹ ngân sách của mình. Bạn hoàn toàn có thể linh hoạt thay đổi tỷ lệ phần trăm dựa vào ngân sách tài chính của bản thân.