Dựng lán, đào củ kiếm tiền học trực tuyến trong mùa COVID-19
Để học online (trực tuyến) trong mùa COVID -19, nhiều học sinh dân tộc vùng sâu, vùng xa phải lên đồi dựng lán để bắt sóng 3G; có em phải vào rừng đào củ bán kiếm tiền mua thẻ điện thoại để vào mạng 3G học bài.
Ðặt mục tiêu kết quả học tập loại giỏi
Hơn 1 tháng nay, cậu học trò dân tộc La Hủ Pờ Hùng Sơn, lớp 12A8, trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc phải lên nương dựng lán để có thể vào 3G học trực tuyến. Do dịch COVID -19, Sơn phải nghỉ học dài ngày ở quê nhà Bum Tở, Mường Tè, Lai Châu. Nhà Sơn ở khu vực sóng điện thoại yếu nên không thể dùng 3G học online cùng với cô giáo. Để không bị gián đoạn việc học, Sơn cùng với bố dựng tạm 1 cái lán trên đồi để học.
Do từ nhà đến lán xa (mất gần 1 giờ đi bộ) nên Sơn mang theo sách vở, củi, gạo, muối vừng lên lán ở một mình để học. Nơi Sơn ở điện rất yếu, chập chờn nên cậu phải dùng sạc dự phòng, tối dùng đèn pin để thắp sáng phục vụ việc học.
Ở một mình trên đồi cao, sóng điện thoại khỏe giúp cậu không cô đơn khi học online dễ dàng với cô giáo và các bạn trong lớp. Cái lán nhỏ dựng tạm bợ bằng tre và tôn, chỉ rộng chừng 4m2. Bên cạnh việc học, Sơn tranh thủ lên nương trồng ngô, làm cỏ lúa giúp bố mẹ. Cậu còn tự làm muối vừng, đào củ, đi bắt cá về làm thức ăn hàng ngày.
Nhà Sơn có 5 anh chị em. Bố mẹ làm nương rẫy, kinh tế rất khó khăn nhưng 5 anh chị em Sơn đều rất hiếu học. Sơn là con thứ 3 trong gia đình, có 2 chị gái học đại học, 2 em nhỏ đang học cấp 1, cấp 2. Bản thân Sơn là một cậu học trò chăm chỉ, luôn đạt kết quả học tập tốt. Học kỳ I vừa rồi Sơn đạt điểm tổng kết 7,7 điểm, học kỳ II này Sơn đặt mục tiêu lấy kết quả học tập loại giỏi và sẽ làm hồ sơ thi vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Hiện thực hóa giấc mơ vào giảng đường
Sùng A Sì (dân tộc Mông) là bạn học cùng lớp với Pờ Hùng Sơn. Cũng như Sơn, A Sì được nhà trường cho nghỉ học ở quê nhà Tà Tổng, Mường Tè, Lai Châu. Để học trực tuyến, A Sì khăn gói sách vở, quần áo lên lán ở cách nhà 17 km để có sóng điện thoại 3G. Đường từ nhà đến lán A Sì phải đi bộ trèo đèo, lội suối; đi từ 7 giờ sáng, khoảng 3 giờ chiều mới đến nơi.
A Sì cho biết, lán nơi cậu ở được làm từ nhiều năm trước nên lụp xụp, mái tôn bị thủng lỗ chỗ. "Đợt này ở đây hay có mưa. Có mấy đợt mưa đá, nước chảy vào lán ướt hết quần áo, chăn màn, sách vở. Nhưng cũng may ở trên đồi cao lộng gió nên mọi thứ nhanh chóng được hong khô", A Sì kể.
Hàng ngày, A Sì học trực tuyến từ 7 giờ đến khoảng 10 giờ sáng. Sau giờ học A Sì vội vã đi làm, khi lên nương phát rẫy, trồng ngô, chăm gà, khi vào rừng đào củ. Có khi cậu đi sửa nhà thuê kiếm tiền nạp điện thoại. Để nộp bài đúng thời hạn với cô giáo, A Sì đi làm thường mang theo sách vở bên mình, tranh thủ giờ nghỉ làm bài tập.
A Sì kể, để có tiền nạp điện thoại vào 3G học trực tuyến, cậu phải vào rừng đào củ măng, củ sắn mang đi bán.
Nhà A Sì thuộc diện hộ nghèo. Bố ốm đau quanh năm, mẹ đã nhiều tuổi, sức khỏe yếu nên dù đang học lớp 12, A Sì được xem là trụ cột gia đình khi phải bươn chải làm đủ thứ việc hỗ trợ gia đình, mua thuốc cho bố. Anh trai A Sì đã có gia đình và 2 con trai nhưng vì không biết chữ nên quanh năm chỉ bám nương rẫy, cuộc sống rất vất vả. Thương 2 cháu, A Sì đi làm thêm được đồng nào dành dụm mua thêm thức ăn, quần áo cho cháu.
Dù khó khăn, vất vả nhưng A Sì vẫn luôn duy trì kết quả học tập tốt. Học kỳ I vừa rồi, Sì đạt điểm tổng kết 7,5 điểm. Ước mơ của cậu là thi đại học vào ngành Công an hoặc Quân đội.
Ở vùng đất nghèo, đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn, sự hiếu học của Sơn và A Sì thật đáng khâm phục. Khâm phục hơn khi các em đang nỗ lực học tập hàng ngày để hiện thực hóa ước mơ bước chân vào giảng đường đại học.
"Với em điều quan trọng là được học cùng thầy cô giáo và các bạn để không bị lỡ nhịp học, còn mọi khó khăn, vất vả không hề hấn gì".
Em Pờ Hùng Sơn, lớp 12A8, trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc