Đừng để team building trở thành nỗi ám ảnh!

13/08/2022 10:45 AM | Sống

Các trò chơi phản cảm trong team building đã trở thành nỗi ám ảnh cho nhiều người và khiến dư luận bất bình

Team building (tạm dịch là xây dựng đội nhóm) là khái niệm ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Thông qua các trò chơi, người tham gia tăng cường sự hiểu biết, gắn bó và đoàn kết. Nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức team building để nhân viên có dịp được vui chơi, tái tạo năng lượng sau thời gian làm việc căng thẳng.

Sống trong lo lắng vì lỡ dại

Tuy nhiên, gần đây quá nhiều team building tổ chức những trò chơi phản cảm khiến dư luận bất bình. Mới đây nhất là vụ nhóm team building nữ cởi áo ngực chơi ở bãi biển Cửa Lò (tỉnh Nghệ An). Vụ này chưa kịp lắng xuống thì trên mạng xã hội lại xuất hiện clip ghi lại cảnh một nhóm team building chơi trò "bú sữa" đầy dung tục.

Chị Hồ Thúy An (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) cho biết từng rất xấu hổ khi tham gia team building của công ty. "Trò chơi ăn trái cây là một trái táo được ban tổ chức chuẩn bị sẵn, treo trước ngực của người nữ, đồng đội nam sẽ bịt mắt và phải nhanh chóng ăn hết. Lúc đó, tôi thực sự rất ngại và xấu hổ. Tôi đã định dừng lại nhưng vì không khí của công ty đang rất vui vẻ, không muốn làm ảnh hưởng đến tập thể nên tôi đành nhắm mắt "chịu trận", mong trò chơi nhanh kết thúc" - chị An kể.

Cũng theo chị An, gần đây chị luôn nơm nớp lo sợ những đoạn clip ghi lại cảnh chị cùng các đồng nghiệp chơi trò ăn trái cây sẽ bị phát tán trên mạng. "Tôi vẫn luôn tự trách bản thân vì sao không mạnh dạn dừng cuộc chơi để bây giờ cứ phải sống trong hồi hộp, lo lắng" - chị An nói.

Theo ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Image Travel & Events, tour du lịch gắn với hoạt động team building đòi hỏi đơn vị cung cấp dịch vụ phải bỏ ra chất xám nhiều hơn để truyền tải thông điệp của công ty đến nhân viên của họ thông qua chuyến đi. "Doanh nghiệp tổ chức phải lên ý tưởng, xây dựng kịch bản, chuẩn bị nội dung và phải mang lại giá trị mà khách hàng mong muốn. Có khi chỉ đơn giản để xả stress sau thời gian làm việc căng thẳng, có khi là thông điệp chiến lược của doanh nghiệp… Tổ chức team building phải mang lại những giây phút bùng nổ cho người chơi nên không thể tránh được những hành động hớ hênh. Vì vậy, để kiểm soát chung thì kịch bản phải hướng đến sự văn minh và tuân thủ pháp luật" - ông Toản bày tỏ.

Đừng để team building trở thành nỗi ám ảnh! - Ảnh 1.

Nhiều team building tổ chức những trò chơi phản cảm khiến dư luận bất bình (ảnh minh họa từ internet)

Trò chơi không có lỗi

Theo thầy giáo Lê Nguyễn Trọng Nghĩa (Khoa Kỹ năng - Trường Đoàn Lý Tự Trọng, TP HCM), để các buổi team building diễn ra hiệu quả, đơn vị tổ chức phải hiểu được ý nghĩa của trò chơi và có năng lực chuyên môn để điều hành. "Khi team building đang diễn ra, có những tình huống phản cảm hoặc người chơi quá khích mà dẫn đến xô xát… Người điều hành phải thấy được những nguy cơ này để tìm cách ngăn chặn, tránh để xảy ra những tình huống vượt ngoài tầm kiểm soát" - thầy Nghĩa nói.

Về những trò chơi có yếu tố nhạy cảm, thầy Nghĩa cho rằng mỗi trò chơi đều có nguồn gốc và ý nghĩa riêng. Nhiều trò chơi có nguồn gốc từ nước ngoài, do sự khác biệt về văn hóa và cách thức tổ chức nên mới trở nên phản cảm. Ví dụ trò chơi cặp nam - nữ dùng bộ phận cơ thể của mình để làm bể quả bong bóng vốn là trò chơi "đôi - cặp", ban đầu dành riêng cho các cặp đôi đang yêu nhau và chỉ được tổ chức tại lễ hội tình yêu ở một số quốc gia. Hai người yêu nhau chơi trò chơi này trong không gian lễ hội tình yêu thì rất bình thường nhưng khi áp dụng trò này rộng rãi trong cộng đồng thì trở nên phản cảm. Lỗi không phải do trò chơi mà do người tổ chức không hiểu về trò chơi và áp dụng chúng không đúng đối tượng, địa điểm.

Về phía người chơi, thầy Nghĩa cho rằng trưởng đoàn phải có trách nhiệm với các thành viên trong đoàn, nếu thấy trò chơi không phù hợp thì phải yêu cầu đơn vị tổ chức thay thế bằng trò chơi khác. "Mỗi người khi tham gia team building cũng phải có sự thẩm định riêng, không được để mình bị cuốn vào các trò chơi mà mất đi sự kiểm soát. Nếu thấy trò chơi không phù hợp thì người chơi có quyền không tham gia" - thầy Nghĩa nói.

Hiểu sai về team building

Với gần 20 năm kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và trực tiếp tổ chức các hoạt động tập thể, trong đó có team building, thầy Lê Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng hầu như các công ty du lịch hiện nay đang cố tình sử dụng sai khái niệm team building. "Cái mà các đơn vị đang tổ chức hiện nay hoàn toàn không phải là trò chơi team building mà chỉ là trò chơi vận động hoặc trò chơi tập thể" – thầy Nghĩa nói.

Theo thầy Nghĩa, team building không có tính ganh đua và không chỉ là chơi trò chơi mà coi trọng rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống. Đơn vị tổ chức team building đưa ra những tình huống để tập thể cùng nhau giải quyết, từ đó họ vượt lên chính mình và đạt được những mục đích đã đề ra. Thông qua team building, tập thể cũng trở nên gắn kết với nhau hơn.

Coi chừng bị phạt!

Theo luật sư Trương Văn Tuấn (Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn), đối với các hoạt động team building gây mất trật tự, hoặc có dấu hiệu khiêu dâm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP; mức xử phạt từ 300.000 đến 8 triệu đồng.

Luật sư Trương Văn Tuấn cũng cho rằng để hạn chế tình trạng tổ chức trò chơi tập thể nơi công cộng có nội dung không lành mạnh, phản cảm, mất trật tự nơi công cộng, cơ quan chức năng tại địa phương cần quản lý chặt chẽ hơn, như quy định người tổ chức trò chơi phải lên kịch bản và gửi cho địa phương (UNND xã, phường…) nơi sẽ tổ chức trò chơi để kiểm duyệt trước. Trong suốt quá trình hoạt động diễn ra, người tổ chức trò chơi cần nhắc nhở, quan sát, quản lý chặt chẽ các hành động của người chơi, nếu xảy ra trường hợp người chơi gây mất trật tự công cộng, có hành vi phản cảm, trái thuần phong mỹ tục thì người tổ chức và người chơi đều bị xử phạt.

A.Vũ

Theo Lê Vĩnh

Cùng chuyên mục
XEM