Đừng coi thường khi bị dằm đâm vào tay, hãy tìm cách lấy ra ngay để tránh hậu họa nguy hiểm

01/08/2017 13:51 PM | Khoa học

Bị thủy tinh hoặc kim loại đâm vào da có thể rất đau nhưng hóa ra bị dằm gỗ đâm vào còn nguy hiểm hơn, nếu xét về lâu về dài. Hoa hồng nào cũng có gai, nhưng một số cái gai lại chứa nấm và nó sẽ khiến bạn khốn khổ.

Đây là một quyết định khá khó khăn cho bạn: Nếu phải chọn bị một mảnh thủy tinh vỡ hay bị một cái dằm gỗ cắm vào đầu ngón tay, bạn sẽ chọn cái nào? Bạn có thể sẽ chọn dằm gỗ vì có vẻ gỗ thì mềm và tự nhiên, còn thủy tinh mới nghe đã thấy đầy cạnh sắc đau buốt rồi.

Thực tế là khi vấn đề có liên quan đến hệ miễn dịch, thì những chiếc dằm được tạo ra từ vật liệu hữu cơ có thể nguy hiểm hơn so với một một mảnh thủy tinh hay một mẩu kim loại vỡ.

Tất nhiên khi bất kỳ thứ gì đi vào vùng da của bạn, hệ miễn dịch trong cơ thể sẽ phản ứng với sự xâm nhập này: Các mô xung quanh vết thương sẽ đỏ tấy và sưng lên khi máu cùng các tế bào miễn dịch đổ dồn đến đó.

Nhưng nếu đó là một vật thể lớn như cái dằm, các tế bào không thể bẻ gãy và tống đẩy nó đi được thì điều tốt nhất là cách ly nó với phần còn lại của cơ thể. Các tế bào bạch cầu sẽ bao quanh nó, tạo ra một rào cản được gọi là u hạt (granuloma) để giữ cho nó ở nguyên một chỗ.

Thủy tinh và kim loại không phải là vật chất hữu cơ, chúng không được tạo nên từ mô của một vật thể sống, nên sẽ không gây phản ứng viêm tấy dữ dội như các vật chất hữu cơ khác, chẳng hạn như dằm gỗ hoặc gai.

Nếu mảnh thủy tinh cắm vào da bạn không phải xuất phát từ một cái chai đựng chất độc thì không có gì đáng lo lắm. Trong trường hợp không thể lấy nó ra ngay được, các u hạt sẽ giữ cho nó bị phong tỏa.

Trên thực tế, các bác sĩ đôi khi khuyên rằng cứ để nguyên mẩu thủy tinh hoặc kim loại như vậy để theo dõi vì da bạn sẽ phải chịu tổn hại nhiều hơn nếu ta đào xung quanh và lấy nó ra.

Nhưng với các vật chất hữu cơ như dằm gỗ, gai xương rồng lại không đơn giản thế. Những thứ tưởng chừng nhỏ bé này lại kích hoạt phản ứng mạnh hơn từ hệ miễn dịch.

Gỗ có dầu và nhựa, và các tế bào coi đây là một thành phần ngoại lai cực kỳ nguy hiểm, nên chúng gây viêm tấy nhiều hơn. Những vết tấy này cũng bị bao phủ bởi nhiều loại vi khuẩn và nấm có hại, đó là lý do người ta tiêm vắc xin để bảo vệ bản thân khỏi vi khuẩn uốn ván (clostridium tetani).

Bạn có thể tưởng tượng bệnh uốn ván như một cái đinh gỉ, nhưng phần gỉ sét không gây uốn ván, nó chỉ tạo nơi trú ẩn thuận lợi cho vi trùng mà thôi. Các chất hữu cơ như đất và phân cũng có thể chứa nhiều vi khuẩn. Vì thế nếu da bạn bị đâm bởi bất cứ vật gì đã nhiễm khuẩn, thì bạn sẽ gặp nguy hiểm hơn nhiều.

Một bệnh nữa đáng chú ý là bệnh nhiễm nấm sporotrichum, hay còn gọi là bệnh của người trồng hoa hồng. Nó bị gây ra bởi một loại nấm sống trên gai hoa hồng và có thể tạo ra những vết loét trên da của bạn.

Trong những trường hợp như vậy, rất nhiều tế bào bạch cầu sẽ kết hợp với các u hạt bao quanh vật xâm nhập để cố gắng ngăn chặn nhiễm trùng, và nhiều khi các u hạt sẽ có kích thước rất lớn, và phải được loại bỏ bằng cách tiến hành tiểu phẫu.

Vì thế có thể kết luận rằng bị thủy tinh hoặc kim loại đâm vào da có thể rất đau nhưng hóa ra bị dằm gỗ đâm vào còn nguy hiểm hơn, nếu xét về lâu về dài. Hoa hồng nào cũng có gai, nhưng một số cái gai lại chứa nấm và nó sẽ khiến bạn khốn khổ.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM