Đừng bỏ học như Bill Gates, Mark Zuckerberg, trường ĐH mang lại cho chúng ta nhiều điều giá trị ngoài một tấm bằng
Là một sinh viên, bạn đã nghe biết bao gợi ý để giúp bạn thành công. Từ giảng đường cho đến những hoạt động ngoại khóa, đại học là khoảng thời gian để có được và học được từ những trải nghiệm mới mẻ.
Giờ đây, khi đã tốt nghiệp, bạn cần phải làm nổi bật những trải nghiệm này trong mắt các nhà tuyển dụng. Nhưng bằng cách nào?
Một nghiên cứu vào năm 2015 của công ty Gallup cho thấy 25% sinh viên tốt nghiệp không có chút trải nghiệm chủ chốt nào ở đại học, và 65% sinh viên có những trải nghiệm này đều dùng chúng trong công việc hiện tại. Và đây mới là điều đáng chú ý: Chỉ có 3% sinh viên tốt nghiệp có đủ tất cả các trải nghiệm chủ chốt.
Vậy đó là những trải nghiệm nào và làm cách nào để biến những trải nghiệm ấy thành một phần giá trị của bạn và giúp bạn tỏa sáng?
Có một giảng viên khiến bạn thấy việc học tập thật thú vị
Sau một vài năm học, bạn sẽ biết được về các giảng viên – phong cách dạy học, tính cách và nét riêng của mỗi người. Và sẽ thật tuyệt vời nếu có một giảng viên khiến bạn không bỏ buổi học nào.
Nhưng tất cả chủ yếu là ở chỗ biến cái tiêu cực thành tích cực. Dù không có được một giảng viên như thế, bạn cũng vẫn phải đổ công sức vào việc học và phải dựa vào chính tinh thần học hỏi cái mới đó để tiếp thu những kiến thức mới cho công việc mình đang làm.
Có một giảng viên quan tâm đến bạn
Trải nghiệm này khá tương đồng với trải nghiệm vừa nêu. Nếu không có một người thầy hướng dẫn bạn đi qua những năm tháng ở trường đại học và bước vào thế giới chuyên môn khi bạn đi làm, bạn sẽ phải tự mình làm điều đó.
Tuy nhiên, có một kỹ năng chủ chốt mà bạn sẽ đạt được khi không có người thầy hướng dẫn bên cạnh là tự trở thành nguồn động lực của chính mình khi đi trên con đường mà bạn đã chọn.
Có một người cố vấn luôn khuyến khích động viên bạn
Có được một người dày dạn kinh nghiệm và kiến thức để cố vấn cho mình rõ ràng là một lợi thế. Nhưng không có được lợi thế đó trong những năm tháng sinh viên cũng không phải là có hại cho sự nghiệp trong tương lai của bạn.
Hãy dành thời gian để phát triển bản thân và thậm chí trở thành người cố vấn cho nhiều sinh viên khác.
Chính nhờ sự thiếu hụt này mà bạn tự tạo ra cho mình những cơ hội nhờ các mối quan hệ và sự miệt mài nghiên cứu tìm tòi.
Nhờ các kỹ năng đó, bạn sẽ trở nên nổi bật trong mắt các nhà tuyển dụng và có quyền tự hào về những gì mình đã làm được.
Tham gia vào một dự án kéo dài cả kỳ học (hoặc lâu hơn)
Theo nghiên cứu của Gallup, chỉ có 32% sinh viên tốt nghiệp đã từng tham gia vào một dự án dài hơi. Vì thế nếu bạn không dành thời gian của mình cho dự án nào thì cũng chẳng sao. Thay vào đó, hãy tập trung vào những dự án ngắn hạn và nhỏ hơn, đặc biệt là những dự án bạn hợp tác với nhiều người.
Còn về trải nghiệm làm chủ doanh nghiệp thì sao? Bạn có tự kinh doanh khi còn đi học không? Bạn có tìm được cách tự kiếm tiền chi trả học phí không?
Ngay cả khi những cuộc phiêu lưu của bạn không thành công, bạn cũng có thể nói về những gì đã làm và những gì học được từ những trải nghiệm quý báu đó.
Kiếm việc làm thêm hoặc làm thực tập sinh
Ai cũng biết là bạn nên có kinh nghiệm trong lĩnh vực mình học trước khi tốt nghiệp, nhưng đôi khi con đường từ giảng đường đến nấc thang sự nghiệp của bạn thay đổi, hoặc bạn không gặp được những cơ hội tốt.
Hãy tận dụng trải nghiệm mà bạn có được từ những đóng góp của mình – các nhóm bạn học, các tổ chức tình nguyện hoặc chuyên môn – để củng cố khả năng và khiến bạn trở nên nổi bật hơn so với những ứng viên khác.
Tất nhiên bạn cần phải giải thích được vai trò của mình trong nhóm hoặc tầm ảnh hưởng của bạn đối với công tác tình nguyện, và những gì bạn học được từ các trải nghiệm đó.
Sau đó, hãy cho các nhà tuyển dụng thấy bạn sẽ làm gì để biến những trải nghiệm đó thành những đóng góp lớn cho công ty nào nhận bạn vào làm.
Tham gia nhiệt tình các hoạt động ngoại khóa
Tham gia là một chuyện, cống hiến thời gian và công sức đáng kể cho một tổ chức nào đó lại là chuyện hoàn toàn khác.
Trên thực tế, chỉ khoảng 20% các sinh viên tốt nghiệp nói rằng họ tham gia nhiệt tình vào một hoạt động ngoại khóa nào đó.
Nhưng nếu bạn không có được những trải nghiệm đó khi hoàn toàn tập trung vào việc học, điều đó không có nghĩa là bạn không thích hợp với một môi trường làm việc cần có sự hợp tác cao độ giữa các thành viên.
Hãy cho họ thấy mình là một người có tinh thần đồng đội, và giá trị của bạn đối với các nhà tuyển dụng sẽ tự nói lên tất cả.