Đừng biến mình thành vị sếp khó tính, hãy hóa thân thành nhà lãnh đạo tuyệt vời bằng 5 bí quyết sau
Thay vì trở thành một người sếp đầy khuôn mẫu khiến nhân viên sợ sệt mỗi khi đối mặt, hãy biến mình trở thành một người lãnh đạo được nhân viên yêu mến.
Hãy quên đi hình ảnh của một vị sếp khuôn mẫu mà chúng ta luôn mặc định trong những bộ vest đen lịch lãm, tay xách cặp. Ngày na, các nhà lãnh đạo xuất hiện với nhiều phong cách khác nhau. Chúng ta dễ dàng bắt gặp lãnh đạo của một công ty thương mại điện tử lớn trong chiếc quần jeans rất đỗi bình dị. Hay đã từng quen thuộc với hình ảnh Steve Jobs với mái tóc lốm đốm hoa dâm, chân đi đất trong một buổi ra mắt thiết bị mới mang tính đột phá.
Theo Peter Handal, giám đốc điều hành công ty chuyên đào tạo lãnh đạo mang tên Dale Carnegie Training có trụ sở tại thành phố New York cho biết "Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng yếu tố quan trọng nhất của người lãnh đạo hiện đại là có thể tạo nên sự nhiệt tình, năng lượng cũng như lan tỏa sự tự tin và nhiệt huyết của mình cho những người xung quanh".
Dưới đây là 5 bí quyết Handal chia sẻ để trở thành một thủ lĩnh thành công:
1. Dám đối mặt
Một nhà lãnh đạo tuyệt vời là người can đảm đối mặt với mọi thử thách và sẵn sàng đương đầu trong mọi tình huống dù đó là việc kinh doanh đang tuột dốc thảm hại hay việc công nhân đình công.
Không ngần ngại trao đổi với nhân viên của mình, cho họ biết về những kết quả mà công ty đã đạt được cũng như những thử thách công ty đang phải đối mặt sẽ giúp nhân viên cảm thấy họ được tin tưởng và sẽ không ngạc nhiên khi có những điều tồi tệ xảy ra.
2. Xây dựng niềm tin
Nhân viên sẽ trung thành và nhiệt tình hơn nếu như họ được làm việc trong một môi trường mà họ tin tưởng. Xây dựng lòng tin có thể bằng nhiều cách khác nhau. Đầu tiên hãy làm cho nhân viên thấy rằng bạn quan tâm đến họ, thể hiện sự quan tâm đó đối với những điều bên lề công việc. Hãy cho nhân viên của bạn thấy rằng bạn quan tâm đến thành công của họ và chia sẻ thường xuyên với nhân viên của mình về định hướng sự nghiệp .
Khi nhân viên phạm lỗi, không nên quở trách hay giận dữ ngay lập tức, mà bạn phải bình tĩnh giải thích cho họ hiểu vấn đề, tại sao việc làm của họ là không đúng cũng như cho họ hiểu được bạn mong muốn cách giải quyết thế nào trong tương lai. Hadal nói, khi nhân viên của bạn biết rằng họ mắc sai lầm nhưng bạn không giận dữ hay trách móc họ, thậm chí họ còn nhận được sự quan tâm chân thành từ phía lãnh đạo thì họ sẽ tin tưởng bạn tuyệt đối.
3. Đáng tin
Nếu bạn không thích mặc vest thì đừng cố khoác chúng lên người. Nhân viên hay các đối tác khi làm việc với bạn sẽ nhận ra sự gượng ép đó và họ sẽ đặt câu hỏi liệu rằng bạn có đáng tin không. Nếu bạn thích một đôi giày ngộ nghĩnh. Đừng ngần ngại đi chúng. Bạn là người thuyết trình hăng hái và hóm hỉnh? Hãy làm cho người nghe phải bật cười. Hãy sử dụng tất cả thế mạnh và phong cách độc đáo, cá tính của bạn để tạo nên phong cách lãnh đạo của riêng mình.
4. Tôn trọng
Khi bạn kiểm soát những hành vi của bản thân theo một chuẩn mực đạo đức thì bạn cũng sẽ nhận lại những điều tương tự. Điều này sẽ giúp cho nhân viên và các cổ đông cảm thấy tự hào về công ty. Handal cho rằng nhân viên thường không muốn gắn bó với công ty nào mà họ cảm thấy mình không tôn trọng lãnh đạo và những giá trị của công ty.
5. Ham học hỏi
Một nhà lãnh đạo tuyêt vời là người không ngại đặt câu hỏi với tất cả vấn đề và luôn tìm kiếm những ý tưởng, thông tin mới. Người lãnh đạo tốt nhất là người biết rằng sự đổi mới và cách tiếp cận mới có thể đến từ rất nhiều nơi khác nhau và họ luôn nhìn ra để đón nhận những kiến thức và lắng nghe những người có thể cho họ những lời khuyên.
Handal nói: "Các nhà lãnh đạo thành công nhất mà tôi biết là những người tò mò và ham học hỏi. Họ quan tâm đến những thứ xung quanh họ và đóng góp tầm nhìn của mình vào những đổi mới tích cực."