Dự tính góp 9.000 tỷ để tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, HDBank sẽ thu về những lợi ích nào?
Bộ phận phân tích công ty chứng khoán SSI nêu ra 5 lợi ích mà HDBank có thể nhận được từ thương vụ.
Ngày 12/8/2022, HDBank công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc tham gia hỗ trợ một ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt.
Khác với đề xuất gần đây của Vietcombank và MBBank đã trình tại Đại hội cổ đông là không có việc góp vốn vào các ngân hàng yếu kém, HDBank sẽ thực hiện góp vốn điều lệ không quá 9000 tỷ đồng vào ngân hàng mục tiêu tại thời điểm chuyển giao bắt buộc. Ngân hàng này cũng sẽ tiếp tục thực hiện góp vốn phù hợp với lộ trình của phương án nhận chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.
Theo kế hoạch của nhà băng này, ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc sẽ là pháp nhân độc lập với HDBank, không thực hiện hợp nhất và được loại trừ khi tính tỷ lệ an toàn vốn. Khoản góp vốn không phải thực hiện trích lập dự phòng giảm giá và được loại trừ khi tính giới hạn góp vốn, mua cổ phần của HDBank.
"Đặc biệt, việc hỗ trợ cơ chế ưu đãi bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm giúp HDBank có thể tăng trưởng đột phá, chiếm lĩnh thị trường và trở thành một trong các ngân hàng top đầu trong 5 năm tới", tờ trình gửi cổ đông nêu ra lợi ích của thương vụ.
Trên thị trường hiện có 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu hiện nay gồm Ngân hàng Đông Á (DongABank) và 3 ngân hàng mua bắt buộc là Xây dựng (CB), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank). Còn nhớ hồi đầu tháng 2, Thủ tướng cũng thúc giục triển khai ngay việc xử lý, cơ cấu lại hai ngân hàng thương mại yếu kém đã được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương và tiếp tục xây dựng phương án xử lý, cơ cấu lại cho hai ngân hàng yếu kém còn lại.
Mặc dù thông tin về ngân hàng mục tiêu vẫn chưa được tiết lộ, nhưng việc HDBank dự kiến góp trước 9.000 tỷ đồng và tích cực huy động vốn trên thị trường vốn trong vài năm qua, trung tâm phân tích đầu tư công ty chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định rằng ngân hàng này có thể đang đàm phán các điều khoản (lợi ích) tốt hơn của thương vụ.
Ngoài ra SSI Research cho rằng ngân hàng mục tiêu, trong trường hợp này thực sự có tình hình tài chính và/hoặc mạng lưới chi nhánh/tiền gửi khách hàng tốt hơn so với ba ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt còn lại.
Công ty chứng khoán này cũng nêu ra 5 lợi ích mà HDBank có thể nhận được từ thương vụ.
Thứ 1, HDBank sẽ không hợp nhất báo cáo tài chính của ngân hàng mục tiêu trừ khi kế hoạch tái cơ cấu thành công.
Thứ 2 là khoản góp vốn/đầu tư cổ phần/các khoản vay đối với ngân hàng mục tiêu sẽ được loại ra khi tính hệ số CAR và trích lập dự phòng.
Thứ 3, chính sách cổ tức, phân phối lợi nhuận và các quỹ của HDBank không phụ thuộc hoặc bị ảnh hưởng bởi việc nhận chuyển giao bắt buộc này và độc lập với KQKD của NHTM được chuyển giao bắt buộc trong thời gian thực hiện phương án nhận chuyển giao bắt buộc.
Thứ 4, HDBank được NHNN ưu đãi bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm.
Thứ 5 là các khoản hỗ trợ khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng (chẳng hạn như cho vay lãi suất thấp từ NHNN cho ngân hàng mục tiêu).
SSI Research đánh giá những điều này sẽ đem lại triển vọng tích cực cho HDBank. Tuy nhiên, với yêu cầu hỗ trợ vốn ban đầu của ngân hàng mục tiêu, lợi ích ròng kỳ vọng từ việc ngân hàng này tham gia chương trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng có thể sẽ đến chậm hơn so với trường hợp của Vietcombank và MBBank.
Đánh giá về tiềm lực của HDBank, trong một talkshow mới đây các chuyên gia đến từ công ty chứng khoán VnDirect cho rằng nhà băng này thuộc top 10 về quy mô tài sản, top 5 về khả năng sinh lời, hệ số CAR chỉ đứng sau Techcombank đồng thời có hệ sinh thái riêng gắn với Vietjet Air, Petrolimex nên sẽ đủ khả năng để thực hiện thương vụ này.